Chuyện cũ

Ngày tôi còn nhỏ, tôi còn nhớ hay theo ông ngoại tôi ra chợ Sóc Trăng. Lần nào cũng vậy, ông tôi hay ghé lại góc chợ nghe ông già mù nói thơ Sáu Trọng, thơ thầy Thông Chánh… Hồi đó tôi còn bé quá, tôi chẳng hiểu ất giáp gì về lối nói thơ này. Ông già mù cứ ngâm nga với giọng điệu trầm buồn. Chỉ có vài người lớn tuổi như ông tôi chăm chú đứng nghe. Nghe một lúc, trước khi đi ông tôi bỏ tiền vào cái nón. Thân mù lòa, thì ra người nói thơ sinh nhai bằng cách này!

Sau này lớn lên đọc sách báo, tôi mới biết nói thơ là loại hình văn học dân gian rất thịnh hành ở các tỉnh miền Nam. Trong tác phẩm “Đồng bằng sông Cửu Long, nét sinh hoạt xưa”, nhà văn Sơn Nam có cho biết vào những năm đầu thế kỷ XX, phong trào nói thơ theo điệu Vân Tiên rất phổ biến và thu hút đông người nghe. Ngoài thơ Lục Vân Tiên còn có thơ Sáu Trọng, thơ thầy Thông Chánh, cậu Hai Miêng, cô Sáu Nhỏ…

Tôi còn nhớ lõm bõm vài câu: “Kỷ vì thọ Pháp Tân Trào/ Người nay nghĩ lại khác nào thuở xưa/ Du nhân thành thị sớm trưa/ Có chàng Sáu Trọng tuổi vừa mười lăm” (Thơ Sáu Trọng). Còn thơ thầy Thông Chánh mở đầu như sau “Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra/ Chép làm một bổn để mà xem chơi/ Trà Vinh lắm kẻ kỳ tài/ Có thầy Thông Chánh thiệt người lớn gan…”. Các loại nói thơ này phần nhiều là thơ lục bát, được truyền miệng và không biết ai là tác giả. Về mặt nghệ thuật không thể sánh được với tác phẩm “Lục Vân Tiên” của cụ Nguyễn Đình Chiểu nên không phổ biến bằng.

Mới đó mà đã hơn nửa thế kỷ. Ông già mù chắc đã chết lâu lắm rồi, còn một thằng bé như tôi cũng sắp sửa thành một ông già. Bây giờ đi hết phương Nam ít thấy người nói thơ Vân Tiên như ngày trước. Đó là chưa nói những câu hát ru ngọt ngào của ông bà để lại có nguy cơ mai một. Một thời đã xa dễ gì tìm lại được.

Một anh bạn văn từng tâm sự: “Bây giờ nhiều loại hình văn hóa của dân tộc quá xa lạ với các bạn trẻ. Các bạn bây giờ học hành thì giỏi giang nhưng không ít em không hiểu từng bộ môn nghệ thuật của dân tộc. Mai này khi những người lớn tuổi đi về với đất thì những chuyện cũ như vậy đã trở thành cổ tích!

Có người lại cho rằng những loại hình văn nghệ dân gian chỉ phù hợp với đời sống xã hội gắn liền nền nông nghiệp xưa, nó không còn thích ứng với cuộc sống xã hội hiện nay. Từ câu chuyện nhỏ của lối nói thơ ở miền Nam đã bị mai một, nhiều người không khỏi lo lắng khi một số bộ môn nghệ thuật dân tộc khác càng ít dần người thưởng thức.

Muốn gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc phải có lực lượng trẻ kế thừa. Các em biết yêu quý gìn giữ những gì cha ông đã để lại đó là điều đáng quý. Các em hờ hững với văn hóa dân tộc thì lỗi ở người lớn chúng ta. Tôi nghĩ gia đình và học đường sẽ làm tốt được chuyện này. Phải “truyền lửa” để cho các bạn hiểu và yêu thích nó thì công việc gìn giữ mới có hiệu quả.

TUẤN BA

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/chuyen-cu-44376.html