Chuyện cụ Sửu 'nhắm mắt luồn kim'

Hỏi cụ Thái Thị Sửu ở thôn Rùa Hạ (xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội), ai nấy trong thôn tấm tắc ngưỡng mộ: cụ không chỉ là một trong những người cao tuổi nhất làng (91 tuổi) mà còn có khả năng xâu kim, khâu vá quần áo khi đôi mắt không còn trông thấy ánh sáng từ khi 12 tuổi.

Căn nhà ngày cũng như đêm
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ lụp xụp của cụ Sửu 3 lần nhưng đều không gặp. Những người hàng xóm lân cận chỉ chúng tôi sang nhà em trai, em họ cụ nhưng đều không thấy. Mọi người bảo mắt cụ không trông thấy gì nhưng cụ đi chơi khắp làng, đến giờ nấu cơm sẽ về mà không cần ai dẫn đường.

Và chúng tôi gặp được cụ khi cơn mưa chuẩn bị ập đến, một cụ già mắt nhắm tịt đi vội về phía ngôi nhà nhỏ nơi chúng tôi đang ngồi đợi. Cụ dự đoán được cơn mưa nên vội vã về nhà gỡ quần áo. Cụ Sửu nhanh nhẹn mời chúng tôi vào căn nhà nhỏ, không cần sự trợ giúp cụ vẫn có thể mở cửa, rót nước, lấy ghế mời chúng tôi ngồi như người mắt sáng. Cụ tỏ vẻ bất ngờ, tò mò vì cả cuộc đời chỉ quanh quẩn trong ngõ ngoài làng chứ chưa đi đâu xa bao giờ, nay lại có người tìm gặp.

Cụ Sửu ở một mình trong căn nhà tình thương được chính quyền xã quyên góp và xây dựng năm 1987. Cụ cũng từng có chồng, nhưng người chồng phụ bạc bỏ cụ đi theo người khác sau vài năm chung sống. Thậm chí, cụ có một anh con trai năm nay cũng ngoài 50 tuổi nhưng đầu óc lại không được tỉnh táo do không may bị tai nạn năm 21 tuổi.

Tuy cũng lập gia đình và có con, nhưng lại dẫn vợ con đi biệt xứ, nay đây mai đó không ở nhà nên cuộc sống của cụ cứ vò võ một mình trong nỗi cô đơn của tuổi già.
Cụ kể: “Năm nay đã 91 tuổi rồi, lúc đầu không phải bị mù bẩm sinh, nhưng do năm 12 tuổi bị bệnh về mắt chữa không khỏi, thế là từ đó không còn được trông thấy ánh sáng nữa. Lúc đó tôi buồn lắm, nhưng bố mẹ đã mang chạy chữa khắp nơi, nhiều thầy khám bệnh, bốc thuốc nhưng không khỏi nên đành phải chấp nhận thôi”.

Hàng ngày, mọi sinh hoạt như nấu ăn, giặt giũ, khâu vá, dọn dẹp cụ đều tự làm. Cụ tâm sự: “Tôi làm nhiều thành quen thôi, 80 năm nay có nhìn thấy cái gì đâu. Thỉnh thoảng rảnh rỗi lại khâu vá cho mấy bà lão gần nhà rồi đi chơi cho hết ngày tháng tuổi già thôi”. Cụ cho biết bây giờ có lương người cao tuổi được mấy trăm ngàn đồng một tháng, với lại có đứa cháu gọi bằng bác cũng thường sang thăm nom nên không bị đói. Ngày trước chưa có lương người cao tuổi, cuộc sống cũng khó khăn, bà con hàng xóm thỉnh thoảng cho bát gạo nấu cơm ăn, còn không nhiều ngày ăn cháo liên tục, nhưng vẫn sống đến 91 tuổi.

Nhà cụ Sửu có 4 chị em, cụ Sửu lớn nhất, dưới cụ là 2 em trai và cô em gái nữa. Giờ đây họ cũng đã ngoài 80 tuổi. Mẹ mất khi cụ mới 16 tuổi, do không có ai khâu vá quần áo cho các em, nên dù không nhìn thấy gì cụ vẫn mày mò vá quần áo cho các em. Dần dần cụ còn nhận thêm cả quần áo của hàng xóm về khâu vá, kiếm được dăm ba đồng ăn quà. “Lúc đó, bố tôi đi làm cả ngày, tôi là chị cả nhưng cũng như là mẹ của mấy đứa em vì mẹ tôi mất sớm.

Ban đầu khâu vá quần áo cho các em khó lắm, nhưng tôi vẫn cố gắng tỉ mẩn làm, giờ cũng quen rồi, làm có nhanh hơn” - cụ Sửu tươi cười kể chuyện.

Ở nhà cụ Sửu cũng không thắp bóng điện, bởi đối với cụ “ngày cũng như đêm, thắp bóng làm chi cho tốn điện”. Căn nhà nhỏ lụp xụp chỉ duy nhất 1 cái quạt chạy bằng điện, một chiếc đài nhỏ chạy bằng pin. Cụ cười: “Mỗi tháng hết có 5.000 đồng tiền điện, ông Sung đến thu tiền điện không nỡ lấy, đôi khi còn biếu thêm tôi mấy chục đồng để mua gạo ăn chú ạ”.

Cụ Sửu nhắm mắt luồn kim.

Cuộc tỷ thí xỏ kim
Một kỷ niệm cụ Sửu nhớ nhất. Cách đây khoảng chục năm khi đang ngồi chơi ngoài chợ Rùa Hạ, gặp một bà lão đi bán kim chỉ ở chợ. Nghe mọi người xung quanh nói cụ Sửu mắt không thấy gì mà lại xỏ được kim, bà bán kim chỉ thách đố cụ.

Cụ Sửu nói “nếu tôi xỏ được cái nào thì kim chỉ là của tôi luôn, bà có chịu tôi mới xâu cho bà xem”, thế là tôi xâu liền 10 cái kim, bà bán kim chỉ phải chịu tặng tôi 10 cái kim đó. Không chỉ những cái kim có lỗ to cụ Sửu mới xâu được, mà cả những cái kim có lỗ bé, dùng để thêu tranh, thêu ren cụ Sửu cũng xỏ được.

“Ngày trước tôi xỏ 1 lần là được ngay, nay già rồi phải xỏ 2, 3 lần mới được các chú ạ. Làm nhiều nó cũng quen tay thôi mà” - cụ cười hiền. Từ đó, cái danh cụ Sửu “nhắm mắt luồn kim” được mọi người trong làng đặt cho cụ, hàng xóm ai nấy có đồng quà tấm bánh gì cũng mang sang biếu cụ một ít cho đỡ cô đơn tuổi già. Rồi mong cụ sống lâu để tiếp tục trổ tài khâu vá.

Cụ Sửu sống chan hòa với hàng xóm láng giềng, thi thoảng có người đến chơi suốt. Mấy cụ cao tuổi đến lần nào cũng mang theo quần áo và kim chỉ nhờ cụ khâu giúp. Cụ Xê, hàng xóm của cụ Sửu, kể: “Tôi kém chị Sửu chục tuổi, mắt lại tinh nhưng không tài nào xâu được kim, loại to cũng không xâu được, tay cứ thấy run run. Quần áo rách toàn phải mang sang nhờ chị Sửu khâu vá hộ. Tuy mắt chị Sửu không thấy gì nhưng chị xâu cái là được luôn”.

Trong lúc cao hứng, cụ trổ tài cho chúng tôi xem ngay tại nhà. Cụ lấy một cái áo có một đoạn rách, một cái kim và một sợi chỉ, xâu lần thứ nhất không được, nhưng đến lần thứ hai chỉ đã nằm trong lỗ. Rồi cụ thoăn thoắt khâu nốt đoạn áo rách trên tay. Được mục sở thị bước khâu thoăn thoắt của cụ làm chúng tôi thêm kính nể. “Năm ngoái tôi còn khâu bao tải cho nhà bên cạnh.

Có điều bao tải hơi dầy, tay tôi lại yếu nên khâu chậm thôi chứ tôi vẫn còn tinh lắm” - cụ Sửu rất tâm đắc với những mẩu chuyện cụ kể, rồi cụ cứ cười khúc khích nhâm nhi chén nước vối nóng cùng chúng tôi trong cơn sấm chớp dữ dội bên ngoài nhà. Chị Nguyễn Thị Linh, cháu họ của cụ, cho biết: “Cụ tuổi già, mắt kém, nên các cháu sang thăm và biếu đồ ăn thường xuyên. Sở thích của cụ từ nhỏ không gì khác khâu quần áo, trời lấy của cụ đôi mắt nhưng lại ban cho cụ cái giác quan lạ thường nên cho dù không nhìn thấy gì mà cụ vẫn xâu được kim chỉ”.

Tạm biệt cụ trong cơn mưa xối xả, cụ còn cho chúng tôi mượn cái áo tơi khâu bằng bao tải và nhắc khi nào rảnh nhớ tới chơi trong ngày nắng ráo và trả lại cái áo mưa bằng tải khâu. Trên đường về, chúng tôi mong cụ mãi mạnh khỏe, vẫn đều đều ra chợ Rùa Hạ chơi mỗi sáng, giúp con cháu, hàng xóm những việc nhỏ trong nhà. Chúng tôi thầm hẹn gặp cụ vào một ngày sớm nhất.

Nguyễn Văn Công

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/chuyen-cu-suu-nham-mat-luon-kim-54889.html