Chuyện của Anh hùng Hồ Bé

ND- Đại tá Hồ Bé, Anh hùng LLVTND, hiện là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh Kiên Giang kể: Tôi vốn tên thật là Võ Văn Lý, sinh năm 1942 tại Lương Hòa Lạc, Chợ Gạo (Tiền Giang). Tham gia cách mạng năm 1962, do yêu cầu công tác và bảo đảm nguyên tắc bí mật tôi mới đổi tên thành Hồ Bé. Ông tự hào bảo, mình là con cháu Bác Hồ nên không chỉ riêng tôi, mà sau này con cái trong nhà đều mang họ Hồ.

Đánh giặc gan lì, mưu trí, thông minh, dũng cảm, lập nhiều chiến công lẫy lừng, khiến quân thù khiếp sợ, ông Hồ Bé vinh dự được tuyên dương Anh hùng LLVTND đợt đầu trong chiến khu (khoảng năm 1965) và kinh qua nhiều cương vị công tác: Đặc công huyện Chợ Gạo, cơ quan tham mưu tỉnh Mỹ Tho (cũ), Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 269 đặc công Quân khu 8 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; Đại tá, Phó Tư lệnh Sư đoàn 8 anh hùng (Quân khu 9) trước khi về hưu năm 1999. Ông vinh dự được ba lần gặp Bác Hồ; từng được túc trực bên linh cữu của Người ngày Bác đi xa. Anh hùng Hồ Bé bồi hồi nhớ lại, khoảng tháng 4-1968 ông được tham gia Đoàn Anh hùng dũng sĩ miền nam ra bắc báo công. Đoàn có hơn 40 người đều là thanh, thiếu niên và đều có nhiều thành tích kháng chiến, được tuyên dương Anh hùng LLVTND hoặc dũng sĩ diệt Mỹ, diệt xe cơ giới... Trong Đoàn ông nhớ có những tên tuổi nổi tiếng một thời như: Anh hùng Tạ Thị Kiều, Kan Lịch, Kpa-Kơ-Lơng, Hồ Văn Mên... Hành quân ròng rã suốt sáu tháng trời vượt đại ngàn Trường Sơn theo đường Hồ Chí Minh, cuối cùng ông cũng ra tới Thủ đô Hà Nội. Đoàn đã được Bác Hồ tiếp, được đi tham quan Thủ đô. Sau đó, ông được học Trung cấp Chính trị tại Vĩnh Phúc trước khi trở về miền nam tiếp tục tham gia kháng chiến cho đến ngày toàn thắng 3-4-1975. Trong các lần được gặp Bác Hồ, ông Hồ Bé nhớ nhất dịp Tết năm 1969, cái Tết cuối cùng trước khi Bác đi xa. Hôm ấy, Đoàn Anh hùng, dũng sĩ miền nam vinh dự được vào thăm và chúc Tết Bác Hồ. Cả đoàn vây quanh Bác Hồ, cứ ríu ra ríu rít. Ai cũng muốn được gần Bác hơn, nghe giọng nói Bác rõ hơn, được nắm tay Bác, được nhìn Bác tường tận hơn để về kể lại cho bà con thân thuộc và đồng đội đang chiến đấu ở miền nam về tình cảm sâu nặng của Bác đối với đồng bào, chiến sĩ miền nam thân yêu. Bên Bác và trong không khí ấm áp của những ngày xuân 1969, ai cũng đều thấy thân mật, gần gũi và mừng đến rơi nước mắt. Ông Hồ Bé cho biết, khi ấy sức khỏe Bác giảm sút nhiều nhưng Người vẫn ân cần thăm hỏi các thành viên trong đoàn, ân cần chia kẹo và quà cho từng người. Với riêng ông, Bác ân cần hỏi về hoàn cảnh gia đình, điều kiện sống, chiến đấu và quê hương Chợ Gạo... Bác động viên ông những ngày ở miền bắc hãy học tập tốt để tiếp tục phục vụ sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc. Những lời dạy đầy tình thương bao la của Bác đã in sâu vào trái tim khối óc của ông. Đó là nguồn động viên ông vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục nêu cao phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như trong hòa bình dựng xây đất nước. Anh hùng Hồ Bé cho biết, thấm nhuần lời Bác dạy, trong cương vị của mình, ông sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ mà Đảng giao phó cho dù nguy hiểm, thậm chí hy sinh cả tính mạng của mình. Bây giờ, mặc dù đã về hưu nhưng ông vẫn tiếp tục dành sức lực, trí tuệ còn lại cho sự nghiệp đổi mới đất nước. Là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, ông tích cực kiện toàn tổ chức Hội, tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng vụ kiện đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin với tinh thần "Tiếp sức cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đấu tranh đòi công lý", chăm sóc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin về tinh thần và vật chất... Hằng năm, từ các nguồn vận động ủng hộ của các "mạnh thường quân", nhà hảo tâm, các doanh nhân, đơn vị, Hội đã hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin hơn 677 triệu đồng xây nhà đoàn kết, tặng phương tiện đi lại, tặng quà, giúp vốn phát triển sản xuất ổn định cuộc sống... Riêng từ đầu năm đến nay, Hội vận động góp hơn 316 triệu đồng hỗ trợ nạn nhân. Theo ông Hồ Bé, Tiền Giang có hơn 6.000 nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. Mỗi người có một hoàn cảnh, nhưng nhìn chung cuộc sống đều hết sức khó khăn, đòi hỏi sự chung tay chăm sóc của toàn xã hội.Trong khả năng của mình, ông Hồ Bé và Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xi tỉnh đang tiếp sức cho các nạn nhân nỗ lực vượt lên số phận nghiệt ngã và sống có ích. Gần 70 tuổi đời, 50 năm đi theo con đường cách mạng của Đảng và Bác Hồ, Anh hùng Hồ Bé chưa nghỉ ngơi, vui thú điền viên bên con cháu sum vầy. "Tình Bác đã giúp tôi sáng mắt, sáng lòng trên con đường cách mạng nhiều chông gai. Bây giờ hơn lúc nào hết, những mảnh đời nghiệt ngã đang cần sự chung tay chăm lo của toàn xã hội. Làm thêm một việc có ích theo lời Bác dạy cũng chính làm sáng thêm tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh!" - Ông Hồ Bé tâm sự. Minh Trí

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=157236&sub=130&top=37