Chuyện của Hướng 'khùng'

Cởi mở, thân thiện trong cuộc sống đời thường; dũng cảm trong chiến đấu với “giặc lửa” và bản lĩnh khi cứu người trong tình huống nguy cấp, Thượng úy Nguyễn Ngọc Hướng - Cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, CAQ Sơn Trà (Đà Nẵng) luôn là người được lãnh đạo tin tưởng, là tấm gương sáng được đồng đội tin yêu, mến phục. Trong thực hiện nhiệm vụ, anh luôn tâm niệm: “Không sợ nguy hiểm, chỉ sợ không cứu được người”.

Thượng úy Nguyễn Ngọc Hướng luôn vui vẻ, hòa đồng với mọi người.

Thượng úy Nguyễn Ngọc Hướng luôn vui vẻ, hòa đồng với mọi người.

Nhát gan nhưng không sợ xác chết

Năm 2010, như bao thanh niên khác, chàng trai miền biển Mân Thái cũng vác ba lô lên đường nhập ngũ. Hành trang anh mang theo là tuổi xanh và sức trẻ. Sau 4 tháng quân trường, Hướng được phân công về Đội Cảnh sát PCCC khu vực Liên Chiểu. Cũng từ đó, anh bén duyên với nghề chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. “Nhát gan nhưng không sợ xác chết”, nghe có vẻ ngược đời nhưng đó là bộc bạch thật tâm của Thượng úy Hướng. Năm nay đã 30 tuổi, anh tự nhận mình là người nhát gan, dễ giật mình và nhảy cẫng mỗi khi bị bạn bè vỗ vai từ phía sau. Nhưng khi tham gia cứu người bị thương hay vớt xác chết trong làn nước đen tối, anh luôn là người xung phong đi đầu. Không ít lần, anh một mình ôm xác người chết dưới đáy sông lên bờ. Vì lẽ đó, anh em đồng đội hay gọi anh là Hướng “khùng”.

Nhớ lại năm 2016, sau bữa ăn trưa, anh và đồng đội nhận được lệnh tham gia hỗ trợ vớt hai xác nạn nhân là anh em ở hồ điều tiết Phước Lý. Xác ngâm nước nhiều ngày, bắt đầu phân hủy nên mùi tử khí rất nặng. Cả tiểu đội hôm đó nín thở bơi ra giữa hồ vớt xác người em xấu số, rồi lại tiếp tục lặn tìm thi thể thứ 2 còn đang nằm ở đáy hồ. Đang quần thảo khắp hồ, bất chợt xác thứ 2 nổi lên, nhiều đồng đội yếu vía phải bỏ chạy lên bờ. “Nghe tiếng khóc ai oán của người nhà nạn nhân trên bờ hồ, lúc đó tôi chỉ nghĩ làm sao đưa thi thể em lên. Lấy hết bình tĩnh, tôi một mình tiếp cận và đưa thi thể đó lên bờ bàn giao cho gia đình lo hậu sự”, Thượng úy Hướng nhớ lại.

Sau 3 năm phấn đấu, Hướng được biên chế, tiếp tục phục vụ lâu dài trong lực lượng Công an. Thượng úy Hướng chia sẻ, những năm đầu đi lính, sau mỗi vụ việc anh đều ghi chú lại để đếm số lần tham gia hay số người được cứu. Qua thời gian, có những ký ức vui nhưng cũng có ký ức đầy nước mắt. Những ký ức đó quá nhiều và trở thành công việc đời thường, như hơi thở cuộc sống. Đến nay, Thượng úy Hướng không còn nhớ mình đã tham gia bao nhiêu vụ chữa cháy, CNCH. Chỉ biết, ở bất cứ nhiệm vụ nào, anh cũng làm hết sức, hết mình để giành lại cái còn trong cái mất cho người dân.

Thượng úy Nguyễn Ngọc Hướng truyền lửa cho đồng đội.

Xuyên đêm cứu người

Đêm Đà Nẵng ngày 27-8-2019 mưa xối xả, tiếng bộ đàm thông báo có nhóm người đi lạc và bị thương tại khu vực Mũi Nghê, bán đảo Sơn Trà. Đúng ca trực, Thượng úy Hướng và đồng đội lập tức lên đường. Chiếc xe cứu hỏa lao vun vút trong đêm mưa. “Hôm đó, mưa như trút nước, trời tối om, không gian rộng, liên lạc hạn chế, đội tìm kiếm không biết bắt đầu từ đâu và hướng nào. Khó khăn chồng chất khó khăn”, Thượng úy Hướng kể lại.

Đội cứu nạn chia làm nhiều tổ đi theo lối mòn xuống bờ biển để tìm sự “may mắn”. Mưa càng lúc càng to. Nước theo lối mòn chảy tràn xuống khiến việc di chuyển hơn 3km xuống Mũi Nghê cực kỳ khó khăn. Đến nơi, tổ tìm kiếm nhẹ nhõm khi thấy 2 lều trại đều có người bên trong. Hỏi cặn kẽ thông tin, Hướng thốt lên: “Thôi chết rồi! Nhóm đó không xong rồi!”, Thượng úy Hướng thốt lên đầy lo lắng khi biết trước đó đã có 1 nhóm đi lên.

ết trước đó đã có 1 nhóm đi lên. Bế tắc, tổ tìm đường trở lại vị trí xuất phát và gặp anh Mai Xuân Minh. Người này cho biết, anh đi câu cá cùng anh Trần Long Khải và phát hiện nhóm thanh niên bị lạc nên ứng cứu nhưng không may anh Khải bị rơi xuống hố sâu, bị thương nặng. Vội vã lấy băng ca y tế và dụng cụ cần thiết, tổ tìm kiếm theo chân anh Minh xuống vị trí của nạn nhân. Đường mòn đi xuống dài 3 km, chỉ rộng đúng bằng 2 bàn chân người và rất trơn trượt do mưa. Có đoạn tổ tìm kiếm phải đi qua vách đá dựng đứng góc 80 độ, bò qua các tảng đá “cô đơn” sát biển đầy nguy hiểm. “Chỉ có một đường duy nhất thôi! Khó thì cũng cố gắng vì bạn anh rất nguy kịch”, câu nói của anh Minh khiến nhiều người lo lắng.

Khi đến nơi anh Khải nằm, tổ tìm kiếm chỉ còn phân nửa vì có một số người quá mệt nên phải bỏ cuộc giữa chừng. Anh Khải bị thương nặng đang nằm trên tấm bạt, gần đó là một thanh niên khác bị gãy chân đang kêu la, phía vách núi trên cao là nhóm người đang mắc kẹt. “Tổ tìm kiếm cứu nạn đã đến. Các anh chị đứng yên tại chỗ, khi nào có người đến hướng dẫn thì các anh chị mới được di chuyển”, Thượng úy Hướng trấn an.

Làm nhiều cách nhưng không thể đưa anh Khải qua các mỏm đá, tổ tìm kiếm đành ra tín hiệu kêu gọi tàu cá gần đó hỗ trợ nhưng cũng bất thành. “Ai còn sức? Đi lên lại để báo anh em ở trên tìm phương án hỗ trợ, nhờ tàu thuyền cứu hộ”, Thượng úy Trần Văn Châu - Đội phó Đội Cảnh sát PCCC&CNCH lúc đó hỏi dò. “Ai cũng mệt hết vì trước đó đã lặn lội xuống Mũi Nghê rồi. Thôi để em lên lại. Tình thế cấp bách, bây giờ chỉ còn sức người mà thôi”, nói rồi Hướng cùng anh Minh lên lại. Đoạn đường leo dốc dài đằng đẵng, phải bám vào nhánh cây đầy gai để leo lên. Phần vì bộ đồ chuyên dụng và đôi ủng nặng trĩu nước mưa, phần vì đã đuối sức nên Hướng phải nghỉ 2 lần mới lên tới nơi. Cuộc tìm kiếm chưa kết thúc, Thượng úy Hướng lại một lần nữa trở xuống để dẫn đoàn 20 người gồm các lực lượng y tế, dân quân, bộ đội xuống ứng cứu.

Tận 5 giờ sáng, đoàn người mới lên tới nơi. Hành trình xuyên đêm ở bán đảo Sơn Trà để cứu người kết thúc. Riêng đối với Thượng úy Nguyễn Ngọc Hướng, đó không chỉ là hành trình 8 giờ đội mưa, 3 vòng lội bộ xuyên rừng với 18 km mà còn là hành trình của cảm xúc và thử thách lòng người. Sau vụ việc, anh được Giám đốc CATP Đà Nẵng khen thưởng. Một lần nữa, ý chí và nghị lực phi thường của người Cảnh sát PCCC&CNCH đã vượt qua mọi giới hạn.

MAI VINH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_230882_chuyen-cua-huong-khung-.aspx