Chuyện của một người có uy tín

Hơn 10 năm giữ vai trò Trưởng xóm, người có uy tín của xóm Hạ, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên), ông Nguyễn Văn Bẩy, dân tộc Sán Dìu, không chỉ là tấm gương làm kinh tế giỏi mà còn là hạt nhân tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới.

Người dân trong xóm đến học hỏi mô hình nuôi ong của ông Nguyễn Văn Bẩy.

Người dân trong xóm đến học hỏi mô hình nuôi ong của ông Nguyễn Văn Bẩy.

Một ngày cuối tháng 5, chúng tôi có dịp đến thăm nhà ông Bẩy. Ngay từ ngõ, tôi đã nghe thấy những tiếng cười, nói vui vẻ của mọi người đang ngồi trong sân. Người dân trong xóm hôm nay đến nhà ông Bẩy để xem ông thu hoạch và quay mật ong.

Chia sẻ về mô hình nuôi ong, ông Bẩy cho biết: Tôi đã nuôi ong được hơn chục năm nay, nhưng trước đây chỉ nuôi từ 2-3 thùng để lấy mật dùng cho gia đình, còn 3 năm nay mới nuôi với số lượng nhiều. Hiện nhà tôi có tất cả 34 thùng ong, mỗi năm thu được 250 lít mật, mỗi lít bán được 200 nghìn đồng. Vì đây là mô hình mới ở xóm nên một số người đến học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ong để về đầu tư nuôi.

Cùng với nuôi ong, ông Bẩy còn đầu tư chăn nuôi lợn, trong chuồng nhà ông hiện có 5 con lợn nái và 24 con lợn thịt. Ngoài ra, ông trồng 7 sào chè lai F1, gần 1,5 mẫu lúa và hơn 2ha keo. Với mô hình kinh tế tổng hợp trên, mỗi năm gia đình ông Bẩy thu về trung bình khoảng 200 triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, với vai trò là Trưởng xóm, người có uy tín, ông còn tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; con em trong độ tuổi lao tham gia làm việc tại các công ty, nhà máy trong và ngoài tỉnh...

Đến nay, 21 ha chè của xóm đã được người dân chuyển từ chè trung du sang trồng chè lai F1. Nhiều hộ dân đã chăn nuôi trâu, bò theo hướng vỗ béo, sinh sản. Toàn xóm có hơn 500 người đi làm tại các công ty, nhà máy.

Ông Lý Văn Sáu, một người dân trong xóm cho hay: Sau khi được ông Bẩy tuyên truyền về hiệu quả của giống chè lai F1, cũng như được tham gia các lớp tập huấn do xóm, xã tổ chức về việc sản xuất và chế biến chè, gia đình tôi đã chuyển đổi 10 sào chè trung du trồng lâu năm, già cỗi, năng suất thấp sang trồng chè lai F1. Hiện nay, mỗi lứa tôi thu được gần 200kg chè búp khô và bán được với giá trung bình 150.000 đồng/kg, cao hơn so với khi trồng chè trung du khoảng 30.000 đồng/kg.

Xóm Hạ hiện có 259 hộ đồng bào dân tộc Sán Dìu. Đời sống của bà con nơi đây ngày càng được nâng cao, cuối năm 2021 thu nhập bình quân theo đầu người đạt trên 46 triệu đồng/người/năm (năm 2016 đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm). Đầu năm 2022, xóm chỉ còn 5 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo. Những kết quả trên có đóng góp không nhỏ của Trưởng xóm Nguyễn Văn Bảy.

Song song với việc việc tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ông Bẩy còn tích cực vận động người dân tham gia các phong trào của xóm, nhất là xây dựng nông thôn mới.

Để người dân hiểu và hưởng ứng, ông Bẩy đã cùng với các đoàn thể của xóm đến từng hộ dân, lồng ghép trong các cuộc họp xóm nhằm giải thích cho bà con những lợi ích về xây dựng nông thôn mới. Qua đó, từ năm 2016 đến nay xóm đã vận động người dân hiến gần 20.000m2 đất, đóng góp trên 1 tỷ đồng để xây dựng Nhà văn hóa xóm và bê tông hóa gần 5km đường trục chính của xóm.

Với những đóng góp của mình, ông Bẩy được người dân trong xóm tin yêu, nể phục; nhiều năm liền, ông được nhận Giấy khen của Ban Dân tộc tỉnh, TP. Phổ Yên và xã Phúc Thuận.

Nói về ông Bẩy, ông Ôn Văn Huân, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Thuận chia sẻ: Ông Nguyễn Văn Bẩy có nếp sống giản dị, luôn gần gũi với bà con. Đời sống của nhân dân, diện mạo nông thôn ở xóm Hạ có sự thay đổi như ngày hôm nay ngoài sự đoàn kết, nỗ lực của người dân thì có sự đóng góp không nhỏ của ông Bẩy.

Vũ Công

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/net-dep-doi-thuong/chuyen-cua-mot-nguoi-co-uy-tin-301638-116.html