Chuyện của người có công

Những cuộc chiến tranh liên quan đến Việt Nam, giờ chỉ còn được giới trẻ biết qua phim ảnh, qua những lời kể. Những anh hùng cũng đã lớn tuổi và lần lượt quy tiên. Thế nhưng, cứ đến những trận đấu bóng đá quan trọng, hình ảnh người thương binh đang khiến giới trẻ lẫn cả những người từng trải cảm thấy buồn lòng.

Như thông lệ, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam luôn để lại ít nhất 500 vé để bán cho các thương binh. Tất nhiên, việc bán vé cũng cần có quy tắc của nó, ai tới trước có trước.

Thuở bóng đá Việt lèo tèo, đá hay nhưng lại hay thua, vé bán chính thức còn chả có ai mua chứ đừng nói đến vé chợ đen, chẳng ai thấy các thương binh tranh giành mua vé. Nhưng, khi bóng đá Việt Nam đến thời, vé các trận đấu trở nên khan hiếm, giá vé chợ đen đội lên gấp hàng chục lần, thì người ta đã thấy những cảnh “hãi hùng” liên quan đến những người cầm trên tay chiếc thẻ thương binh.

Năm ngoái tại AFF Cup, những người tự nhận thương binh này đã tấn công trụ sở VFF. Thậm chí, với những chiếc xe ba gác tự chế gắn thẻ ưu tiên vốn dùng để chở tôn đi nghênh ngang ngoài đường, họ húc sập cả cổng VFF.

Hình ảnh thô tục này là của người tự nhận thương binh khi đứng trước cổng VFF đòi vé. Ảnh: Duy Anh

Hình ảnh thô tục này là của người tự nhận thương binh khi đứng trước cổng VFF đòi vé. Ảnh: Duy Anh

Họ chiếm trụ sở, bày chuyện ăn nhậu xả rác chỉ với cái lý duy nhất: “Chúng tôi là người có công với đất nước này. Đưa vé đây”.

Chuyện tệ đến độ, VFF phải gửi thư cầu cứu lên Bộ tư lệnh thủ đô Hà Nội đề nghị giúp “giải phóng” trụ sở để có thể làm việc, chuẩn bị cho công tác tiếp đón đội bóng nước bạn.

Tuyển Việt Nam “chẳng may” vô địch AFF Cup. Đội Việt Nam “chẳng may” có sức hút kinh khủng hơn. Vé của đội tuyển “chẳng may” lại khó mua hơn. Thế là, trước trận đấu giữa Việt Nam và Malaysia trên sân Mỹ Đình, người ta lại thấy cảnh thương binh tấn công VFF.

Họ tấn công bằng những tấm ảnh họ chụp với quân phục đàng hoàng và gào lên, “tôi có công xịn đây”. Không đạt được mục đích, họ lại chuyển sang tấn công bằng cách chửi rủa. Họ chửi VFF, họ chửi bảo vệ, họ chửi lực lượng chức năng làm công tác trật tự.

Chán, họ lại quay sang tự tuột quần, cởi áo rồi chửi trời, chửi đất, chửi loài người tệ bạc với công ơn của họ.

Tất cả chỉ vì tấm vé. Mà đường đi của tấm vé ấy, báo chí, truyền hình đã đưa đầy rồi: nó đến tay họ và ra thẳng chợ đen chứ nào phải họ yêu mến gì đội tuyển, màu cờ sắc áo gì cho cam.

Sẽ quá lời nếu nhìn vào những người thương binh mà đánh đồng tất cả. Nhưng, cũng chẳng trách được khi có người hỏi: thương binh là vậy sao?!

Tất Đạt

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/chuyen-cua-nguoi-co-cong-21102.html