Chuyện của người mẹ đơn thân bị ung thư giai đoạn cuối địu con vào viện chữa bệnh

Lê Thị Dung 34 tuổi là một bà mẹ đơn thân tại TP.HCM không may bị mắc ung thư vú giai đoạn cuối di căn gan đa ổ. Một mình nuôi 2 con nhỏ giữa thành phố lớn lại mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo tưởng sẽ làm Dung gục ngã. Nhưng Dung đã vượt qua nghịch cảnh nuôi con và chống chọi với bệnh tật.

'Em chỉ còn sống được 6-8 tháng'?

Dung cho biết, tháng 2/2023 vừa sinh con được 5 tháng trong khi tắm em phát hiện ở ngực mình có một cục rắn và di động, linh cảm chẳng lành nên em đến bệnh viện kiểm tra. Sau khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ phát hiện khối u đã lên tới gần 4cm, nghi là u ác tính. Bác sĩ đã giới thiệu em lên bệnh viện chuyên khoa ung bướu để kiểm tra lại.

"Bác sĩ nói vậy còn em nghĩ mình chắc chắn là bệnh rồi. Nhưng em hy vọng giai đoạn sớm cơ hội chữa khỏi cao hơn" - Dung nói.

Dung đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 để khám chuyên sâu, kết quả ung thư vú giai đoạn cuối di căn gan, hạch nách hai bên, tổn thương xương, thời gian sống chỉ tính bằng tháng. Nhận kết quả từ bác sĩ, người mẹ trẻ đơn thân cảm thấy "lạnh sống lưng".

'Em chạy xe khắp Sài Gòn và tự hỏi tại sao lại là mình? Tại sao lại giai đoạn cuối? Em chỉ còn 6 -8 tháng để sống?. Nếu em chết, các con sẽ ra sao. Đứa lớn mới lớp 1, đứa nhỏ chỉ 5 tháng tuổi. Nhà nội tụi trẻ không nhận chúng, bố mẹ ở quê không có điều kiện, những câu hỏi này lởn vởn trong đầu"- mẹ bỉm sữa trải lòng.

Cầm điện thoại, Dung gọi về quê cho cha thông báo mình bị ung thư giai đoạn cuối rồi òa khóc như đứa trẻ cần sự vỗ về. Bố mẹ ở quê chỉ biết động viên con gái bình tĩnh và điều trị để chờ ngày con trưởng thành.

Mỗi đợt vào viện điều trị Dung lại địu theo đứa con nhỏ để vào viện chữa bệnh.

Mỗi đợt vào viện điều trị Dung lại địu theo đứa con nhỏ để vào viện chữa bệnh.

"Nghe lời nói của cha mẹ, em chỉ khóc một lần lúc đó và nhanh chóng lấy lại tinh thần. Em nhờ mẹ vào trông tụi nhỏ giúp để đến bệnh viện làm các xét nghiệm cần thiết. Bác sĩ cũng cho biết bệnh ở giai đoạn muộn nên không thể phẫu thuật, phác đồ đưa ra là điều trị thuốc, hóa chất thu nhỏ khối u' - Dung kể lại.

Những ngày sau đó cứ 28 ngày Dung lại vào bệnh viện kiểm tra, xét nghiệm, tiêm thuốc và nhận thuốc về nhà uống. Thuốc uống liên tục trong 21 ngày, nghỉ 7 ngày. May mắn sau khi hoàn thành 14 liệu trình điều trị, chỉ số ổn định, khối u di căn sang gan đã nhỏ dần.

Địu con đến viện, địu con đi làm để có tiền trang trải cuộc sống và chữa bệnh

Trong suốt thời gian điều trị bệnh, các y bác sĩ ở Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đều quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ địu thêm đứa trẻ trên lưng mỗi khi vào viện. Những ngày đứa lớn nghỉ học, người mẹ trẻ ấy lại dắt theo con rồi vào gửi bảo vệ, bé nhỏ trên lưng mẹ theo vào tận phòng khám. Nhiều người thấy hoàn cảnh đặc biệt, muốn giúp đỡ nhưng Dung đều từ chối vì em nghĩ mình còn kiếm được tiền.

Dung chia sẻ, em không cho phép mình buồn, không suy nghĩ tiêu cực luôn hướng tới năng lượng tốt. Em xoay sở mọi cách kiếm tiền để trang trải chi phí chữa bệnh và nuôi con.

Dung lên kế hoạch viện phí và tiền sinh hoạt của ba mẹ con cần khoảng 35 triệu đồng/tháng và em phải kiếm đủ. Ngoài làm công việc cố định ở công ty, hàng ngày, Dung bán hàng online, tự đi ship cho khách. Ai thuê dọn nhà theo giờ, chở hàng thuê em đều nhận việc và chở cả con đi cùng.

Cô con gái lớn mỗi khi được nghỉ học lại theo mẹ và em vào bệnh viện. Cô bé thường được mẹ gửi ở cổng bảo vệ và chỉ địu em nhỏ vào phòng khám.

Cô con gái lớn mỗi khi được nghỉ học lại theo mẹ và em vào bệnh viện. Cô bé thường được mẹ gửi ở cổng bảo vệ và chỉ địu em nhỏ vào phòng khám.

Ước mơ của bà mẹ này là nhìn con trưởng thành, có khoản tiền dự phòng. Để đảm bảo sức khỏe Dung ăn uống khoa học hơn và tập thể dục hàng ngày tại nhà.

BS. Võ Ngọc Huân, Phó trưởng Khoa Nội tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu, Bệnh viện Ung bướu TP. HCM, cho biết, Dung là bệnh nhân đặc biệt của khoa. Mỗi lần đến khám, người phụ nữ này luôn địu con bé đi cùng. Có lúc, cô đưa cả hai bé. Trước hoàn cảnh éo le, các bác sĩ thường ưu tiên khám trước để các bé không phải chờ lâu cùng mẹ.

Theo bác sĩ Huân, dù bệnh ung thư đã di căn nhưng bệnh nhân luôn bình tĩnh, tinh thần lạc quan. Vì vậy, quá trình điều trị bệnh đáp ứng thuốc tốt, u nhỏ dần. Bệnh nhân Dung được điều trị bằng liệu pháp nhắm trúng đích. Thuốc này không chỉ giúp cải thiện chất lượng sống mà tác dụng phụ cũng ít hơn các phương pháp khác.

Bs Huân cũng cho biết thêm, hiện nay, điều trị ung thư vú có nhiều bước tiến mới như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, kết hợp với các liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp sinh học (điều trị nhắm trúng đích). Tuy nhiên, để sử dụng liệu pháp nào cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, nhưng hơn hết theo các bác sĩ yếu tố then chốt vẫn là phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

Bảo Lâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-cua-nguoi-me-don-than-bi-ung-thu-giai-doan-cuoi-diu-con-vao-vien-chua-benh-169240515120649123.htm