Chuyện của người thợ mỏ lần đầu được gặp Bác

Cũng không khó để chúng tôi tìm đến nhà ông Hoàng Tuấn Dương - một trong những người thợ mỏ may mắn được gặp Bác Hồ trong chuyến thăm Quảng Ninh của Người vào năm 1957.

Đã bước sang tuổi 80, nhưng ông Hoàng Tuấn Dương vẫn còn rất minh mẫn. Đã nhiều thập kỷ qua đi, nhưng kỷ niệm về lần đầu được đi gặp Bác Hồ vẫn còn nguyên trong ký ức của ông Dương – khi đó đang là một đoàn viên trẻ 17 tuổi có may mắn được nghe Bác Hồ nói chuyện.

Ông Hoàng Tuấn Dương bồi hồi kể lại kỷ niệm được đi nghe Bác nói chuyện

Ông Dương bồi hồi nhớ lại: “Năm 1957, Chi đoàn thanh niên khu phố thị xã Cẩm Phả nhận được thông tin của thị ủy và thị đoàn Cẩm Phả lựa chọn 30 đoàn viên thanh niên tích cực nhất đi lên Hòn Gai nghe Bác Hồ nói chuyện. Tôi vinh dự được chọn trong số đó, đây cũng là vinh dự của tập thể đoàn viên, thanh niên khu phố Cẩm Phả. Hồi ấy, phương tiện đi lại rất khó khăn, xe đạp rất hiếm, chủ yếu là đi thuyền và đi bộ.

Đoàn chúng tôi thuê chiếc thuyền đi sang Hòn Gai. Ba giờ rưỡi sáng, chúng tôi đi bộ xuống Vũng Đục để lên thuyền. Giong cả hai buồm nhưng trời lặng gió, người nụ, người chèo mà thuyền chỉ nhích dần, chậm chạp. Tuy không nói ra, nhưng trong lòng ai nấy đều rất nóng ruột bởi tâm trạng hồi hộp mong tới phút giây được gặp Bác. 6 giờ sáng mà thuyền mới chỉ đi đến ngang Đá Chồng (cây số 6 Cẩm Phả bây giờ). Nếu thuyền cứ chạy thế này thì không thể về kịp 9 giờ để nghe Bác nói chuyện. Thế là tất cả xuống thuyền, sắn quần lội qua bãi sú vào bờ, bùn ngập đến bắp chân, có chỗ trên đầu gối, lên đến bờ vội rửa chân tay, rồi xếp hàng chạy vội.

Hồi đó, từ Cẩm Phả đi Hòn Gai còn là đường đất nhỏ, hai bên đường rừng rậm rạp, rất nhiều thú hoang dã, hổ thường xuyên xuất hiện. Sợ bất thình lình hổ từ trong rừng lao ra vồ người, chúng tôi nhắc nhau phải chạy sát, ngồi nghỉ cũng phải ngồi sát. Vừa chạy chúng tôi vừa hô to "nhanh lên, nhanh lên" để động viên nhau, vừa để “dọa hổ”. Người nào người ấy mồ hôi đầm đìa, mặt mũi đỏ gay như “say rượu”, nhưng nhiệt huyết thì căng tràn.

Chạy mãi đến hơn 8 giờ, chúng tôi đến thị xã Hòn Gai. Lúc này đường đã đông lắm rồi, tất cả đều quay ra hướng quốc lộ để chờ Bác, đón Bác.

Ngày 4-10-1957, nhân dân thị xã Hồng Gai mừng đón Bác đến thăm (Ảnh tư liệu)

Bỗng nhiên, tất cả ồ lên và quay lại phía khán đài. Bác từ bên Bãi Cháy đi ca nô sang và lên thẳng khán đài. Ai cũng muốn đến gần để được nhìn rõ Bác, nên cả sân vận động ồn ào xô đi, xô lại như từng đợt sóng. Bác giơ hai tay về phía mọi người, rồi vẫy xuống: "Tất cả các cô, các chú hãy trật tự thì Bác mới nói chuyện được, đừng chen vào chỗ các cháu thiếu nhi, nào… hãy trật tự và ngồi xuống!”. Cả sân vận động im lặng, ngồi xuống nghe Bác nói.

Tất cả hướng lên nơi Bác đứng bằng tất cả tấm lòng thành kính. Có lẽ ai cũng cố nhớ, cố ghi tạc vào lòng những lời Bác ân cần dạy bảo, như tình cảm của người ông, người cha với đàn con cháu trong nhà.

Những lời răn dạy của Bác được ông Dương lưu giữ cẩn thận

Tôi không còn nhờ rõ từng câu Bác nói, chỉ nhớ đại thể: Bác thay mặt Trung ương Đảng, thay mặt Chính phủ về thăm đồng bào, đồng chí khu Hồng Quảng, thăm các cô, các chú cán bộ, công nhân mỏ, các chú bộ đội và các cháu thiếu nhi… Bác rất vui mừng thấy Khu mỏ mới được giải phóng mà đã có nhiều thay đổi, nhất là các cô các chú công nhân mỏ đã nhanh chóng khôi phục sản xuất để ngày càng sản xuất ra nhiều than cho Tổ quốc…; giờ đây, đất nước ta giành lại được độc lập, tự do, vùng mỏ đã về tay chúng ta, các cô, các chú, công nhân mỏ giờ đã là chủ nhân của đất nước, chúng ta phải ra sức tăng gia sản xuất, phải xây dựng khu Hồng Quảng ngày càng lớn mạnh – Các cô các chú có đồng ý không? Bác vừa dứt lời, cả sân vận động vang lên như sấm: Thưa Bác, có ạ, có ạ… Và tiếng hô: Hồ Chủ tịch muôn năm, Bác Hồ muôn năm, Việt Nam độc lập tự do muôn năm! Tiếng hoan hô, tiếng vỗ tay vang dậy cả một vùng, vùng mỏ chưa bao giờ có một không khí hào hùng, sôi nổi như hôm ấy.

Đồng bào Hồng Quảng lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại sân vận động Hồng Gai (Ảnh tư liệu)

Kết thúc buổi nói chuyện, chờ Bác xuống ca nô, đi sang Bãi Cháy, chúng tôi mới lần lượt ra khỏi sân vận động và chạy bộ về Cẩm Phả. Lúc đi có “động lực” háo hức, chờ đợi được gặp Bác, lúc về vui mừng, phấn khởi vô cùng, chúng tôi vừa chạy vừa kể chuyện rôm rả, trong lòng ai cũng tràn ngập niềm vui, chạy không biết mệt, chẳng ai quan tâm đến chuyện sợ bị hổ vồ nữa.

Hai hôm sau, Ban Chấp hành Chi đoàn khu phố họp toàn thể đoàn viên và thanh niên. Chúng tôi đã báo cáo lại chuyến đi nghe Bác Hồ kể chuyện. Sau đó, cả chi đoàn cùng nhau bàn bạc, thống nhất chương trình hành động thực hiện lời Bác dạy.

Sau chuyến đi Hòn Gai nghe Bác nói chuyện, đến cuối năm 1957, tôi vào làm công nhân Công trường lò Lộ Trí (nay là công ty TNHH MTV Than Thống Nhất). "Thấm nhuần lời Bác dạy, tôi ra sức phấn đấu, rèn luyện, đến năm 1959, khi vừa tròn 18 tuổi tôi được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam, lớp Đảng viên 6.1 và cùng năm đó tôi được bầu là chiến sĩ thi đua cấp Nhà nước” - ông Dương tự hào.

Lần gặp Bác là niềm hạnh phúc nhất đời ông Dương. Những lời căn dặn của Bác đến bây giờ vẫn được ông ghi nhớ. Tất cả những kỷ niệm đó là niềm tự hào, để ông giáo dục các thế hệ con cháu học tập vươn lên trong học tập, lao động sản xuất. “Chuyến đi ấy đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng, một kỷ niệm sâu sắc mà suốt đời tôi không bao giờ quên được và đó cũng là điểm tựa cho tôi phấn đấu, rèn luyện cho tới tận bây giờ” - ông Dương tâm sự.

Tiến Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-cua-nguoi-tho-mo-lan-dau-duoc-gap-bac-137505.html