Chuyện của người thức trắng đêm đánh máy phục vụ Hội nghị Geneva

'Các văn bản, tài liệu phục vụ cho Hội nghị chủ yếu là tiếng Pháp nhưng tìm người biết đánh máy tiếng Pháp không phải dễ. Tôi còn nhớ để kịp chuẩn bị tài liệu cho các phiên của Hội nghị, có những hôm chúng tôi phải thức trắng đêm để đánh máy...', ông Nguyễn Văn Thụy (tức Nguyễn Lanh) nhớ lại khi làm văn thư - đánh máy, giúp việc cho Phái đoàn Chính phủ Việt Nam DCCH tham dự Hội nghị Geneva năm 1954.

Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Phái đoàn VNDCCH tiếp các nhà báo dân chủ sau khi Hội nghị Geneva kết thúc, tháng 7/1954. (Ảnh lưu trữ BNG)

Hội nghị bắt đầu năm 1954, nhưng nhiều thành viên trong đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chuẩn bị cho “trận đánh trên mặt trận ngoại giao” từ cuối những năm 1953. Người thanh niên trẻ Nguyễn Lanh khi đó đang phụ trách công tác văn thư - đánh máy, giúp việc tại Văn phòng Phủ thủ tướng tại chiến khu Việt Bắc thì được gọi tham gia đoàn đi Hội nghị Geneva.

Thời điểm đó, người đánh máy được tiếng Pháp rất hiếm, văn phòng chỉ có vài ba người. Tài liệu của Hội nghị lại chủ yếu bằng tiếng Pháp, nhờ lợi thế ngoại ngữ tốt mà ông Nguyễn Lanh được lựa chọn tham gia phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị Geneva. “Khi biết mình sẽ trở thành một thành viên của phái đoàn, cảm xúc của tôi lúc đó vừa bất ngờ vừa háo hức. Tôi đã tự nhủ mình phải cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ”, ông Lanh bồi hồi nhớ lại.

Những người bạn thân tình

Hồi tưởng lại chặng đường gian nan vượt đường xa từ Việt Nam sang Thụy Sỹ dự Hội nghị Geneva, ông Nguyễn Lanh cho biết, đã có những thời điểm rất khó khăn, tưởng chừng như khó có thể vượt qua nếu không có sự giúp đỡ thân tình từ phía bạn Trung Quốc và Liên Xô.

Thời điểm đó, mặt trận Điện Biên Phủ vẫn đang diễn biến vô cùng ác liệt. Để tránh địch quân phát hiện và vây bắt, phái đoàn Việt Nam buộc phải bí mật di chuyển trong đêm. Qua biên giới Nam Ninh, Trung Quốc, đoàn Việt Nam được phía bạn bố trí một toa xe lửa riêng, ăn mặc như người Trung Quốc để tránh bị phát hiện. Lên đến Bắc Kinh, Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã bố trí cho đoàn ở một khu riêng biệt, tiếp đón rất chu đáo.

“Tôi còn nhớ thời gian chuẩn bị cho chuyến đi đến Geneva rất gấp gáp. Mùng 8/5 họp thì mùng 4/5 đoàn mới từ Liên Xô bay đi Thụy Sỹ. Trước khi lên đường sang Liên Xô, đoàn được trang bị mỗi người một bộ comple mới”, ông Nguyễn Lanh nhớ lại.

Sự đón tiếp và hỗ trợ thịnh tình của phía bạn Liên Xô dành cho đoàn Việt Nam cũng gây ấn tượng đặc biệt cho các thành viên trong đoàn năm ấy. Ông Lanh kể, sang đến Thụy Sỹ, Liên Xô đã chu đáo giúp thuê sẵn cho phái đoàn Việt Nam một khách sạn làm nơi ăn ở, nghỉ ngơi ngay gần trung tâm diễn ra Hội nghị. Sau đó, đoàn được chuyển về khu biệt thự nằm ở ngoại ô của thành phố. Một bộ phận vẫn ở khách sạn.

Ký ức khó quên

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng ông Lanh vẫn nhớ hết các thành viên trong đoàn. Ngoài những thành viên chính là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng (trưởng đoàn), ông Hoàng Văn Hoan, ông Trần Công Tường, ông Tạ Quang Bửu, ông Phan Anh, bộ phận hậu cần, giúp việc đi theo khoảng 30 người. Bên cạnh phái đoàn quân sự, còn có đoàn tuyên truyền, báo chí, văn thư, đánh máy, bác sỹ, bảo vệ…

Sau những phiên đàm phán tại Hội nghị, đoàn Việt Nam thường tiếp rất nhiều đoàn nước bạn, đoàn kiều bào ở Pháp…Những lúc ấy, toàn bộ anh em bác sỹ, đánh máy…thành viên trong đoàn đều được huy động để đón tiếp.

Công tác phục vụ, hậu cần cho Hội nghị cũng được đoàn rất chú trọng. Do thông thạo tiếng Pháp, ông Lanh và một cán bộ khác trong đoàn tin tưởng giao nhiệm vụ đánh máy. “Tôi còn nhớ để kịp chuẩn bị tài liệu cho các phiên của Hội nghị, có những hôm chúng tôi phải thức trắng đêm để đánh máy. Dù vô cùng vất vả, nhưng chúng tôi luôn nghĩ đấy là chuyện đương nhiên và vui vẻ hoàn thành nhiệm vụ”, ông Lanh kể lại.

Những ngày ở Geneva cũng để lại nhiều hồi ức đáng nhớ đối với người thanh niên trẻ Nguyễn Lanh. Ông kể, khoảng thời gian ấy, mối quan hệ giữa đoàn Việt Nam và các đoàn bạn Liên Xô, Trung Quốc rất thân tình.

“Trước mỗi phiên họp, Trưởng đoàn của ta là ông Phạm Văn Đồng, trưởng đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai và trưởng đoàn Liên Xô Molotov đều có cuộc hội ý trước với nhau. Và cứ mỗi sáng chủ nhật, đoàn Việt Nam lại di chuyển sang Đại sứ quán Trung Quốc nằm ở ngoại ô thành phố để nghỉ ngơi, vui chơi và giải trí. Đoàn bạn đón tiếp rất chu đáo. Không khí vô cùng thân mật và gần gũi. Nói thế để thấy được sự thân tình giữa ta và bạn thời đó”.

Sau những phiên đàm phán kéo dài căng thẳng, vào dịp cuối tuần, một số thành viên trong đoàn chúng tôi thường rủ nhau về vùng quê Thụy Sỹ chơi, vừa để nghỉ dưỡng, vừa để kết hợp tuyên truyền với người dân nước bạn về đất nước và cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta”, ông Lanh nhớ lại.

Trong những ký ức về Hội nghị Geneva 1954, ông Nguyễn Lanh vẫn nhớ như in thời điểm ngày 7/5 – trước khi Hội nghị khai mạc thì đoàn Việt Nam nhận được tin thắng trận Điện Biên Phủ. Nhớ lại khoảnh khắc ấy, ông Lanh vẫn vẹn nguyên những cảm xúc nghẹn ngào: “Chúng tôi ai cũng vui mừng, sung sướng. Niềm vui ấy có lẽ không ngòi bút nào tả hết. Đêm hôm ấy, đoàn ta thức trắng suốt đêm ăn mừng tin thắng trận. Và ngày hôm sau, bước vào Hội nghị, ta giành thế chủ động vì ở tâm thế của người chiến thắng”.

Vị Trưởng đoàn đặc biệt

Trong số những thành viên của đoàn Việt Nam năm ấy, ông Nguyễn Lanh vẫn không thể quên những ấn tượng về vị Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng. Ông nhớ lại: “Tôi đặc biệt ấn tượng với Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người mà anh em chúng tôi vẫn hay gọi thân mật là anh Tô. Anh Tô rất giỏi và nghiêm túc trong công việc song cũng là người gần gũi, giản dị, bình dân. Trong đàm phán, anh Tô là người dày dặn kinh nghiệm với những câu đối đáp thông minh, khôn khéo. Tôi còn nhớ một câu nói của ông tại Hội nghị khiến trưởng đoàn Bidault của Pháp phải “tái mặt” và sau này được dẫn lại trong nhiều tài liệu: ‘Đại biểu Pháp gọi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Chính phủ ma. Sao các ông phải mang hàng vạn quân đi đánh ma? Và, bị thiệt mạng hàng vạn quân vì ma? Bây giờ, Chính phủ ma ấy đã đến đây, ngồi trước mặt các ông”.

Ông Nguyễn Lanh kể, dù lịch tiếp đón và làm việc bận rộn nhưng ông Phạm Văn Đồng vẫn không quên thường xuyên đến thăm hỏi, động viên anh em trong tổ giúp việc, hậu cần.

“Vào một lần họp mặt đông đủ anh em, anh Tô có hỏi chúng tôi có ước muốn gì không? Tôi nhanh miệng trả lời: ‘Thưa anh, anh em có người hay hút thuốc thì được cấp miễn phí thuốc. Vậy những người không hút thuốc thì anh cho gì ạ?’. Anh Tô hóm hỉnh: Vậy tôi cho các anh em kẹo vậy”, ông Lanh bồi hồi nhớ lại.

Ông Nguyễn Lanh tên thật là Nguyễn Văn Thụy, sinh năm 1932 tại thôn Tảo Khê, xã Dương Văn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ông là một trong những người làm công tác văn thư, đánh máy tại Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Geneva (Thụy Sỹ) bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương (1954).

Ông từng là Phó Giám đốc Trung tâm thông tin - tư liệu Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; Phó Trưởng ban Huấn luyện, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.

Vì đã có những đóng góp trong quá trình công tác, ông đã được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Kháng chiến hạng ba; Huân chương Kháng chiến hạng nhì; Huân chương Lao động hạng Nhì.

Giang Ly

(ghi)

Giang Ly

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-cua-nguoi-thuc-trang-dem-danh-may-phuc-vu-hoi-nghi-geneva-97788.html