Chuyện của những hướng dẫn viên ở bản

Buổi chiều tháng 5 ở Sa Pa, trời vẫn còn se lạnh. Những con đường xuống bản như bị 'nuốt chửng' dưới màu bàng bạc của sương mù và mưa. Trên các cung đường vẫn có từng nhóm người đi bộ, đa phần là du khách nước ngoài. Vẫn trong trang phục truyền thống của dân tộc mình, chiếc túi thổ cẩm bên hông, những phụ nữ Giáy, Mông đưa khách phương xa tới khắp các thôn, bản.

3 giờ chiều, Mikhu địu đằng sau đứa con nhỏ hơn 1 tuổi, dẫn 2 khách nước ngoài ngược dốc từ phía Cầu Mây cổ lên đường đón xe, kết thúc hành trình một ngày khám phá Tả Van. Hôm nay đúng ngày lên nương của chồng nên bà mẹ 3 con phải địu đứa con nhỏ hơn 1 tuổi theo cùng.

Mikhu là tên thân mật mà một người bạn cùng làm du lịch đặt cho Thào Thị Khu - hướng dẫn viên ở thôn Giàng Tà Chải, xã Tả Van (thị xã Sa Pa). “Đặt tên như vậy nghe Tây hơn, khách nước ngoài dễ gọi. Tôi cũng thích mọi người gọi cái tên đó”, Mikhu chia sẻ về tên của mình.

Mikhu năm nay 27 tuổi, làm công việc dẫn khách du lịch đã được 6 - 7 năm. Từ khi còn là cô bé 12, 13 tuổi, Mikhu đã không muốn đi học. Cô đi bán thổ cẩm, hằng ngày tìm đến những nơi đông khách du lịch để bán hàng. Ngày được nhiều tiền, cô đem về đưa mẹ, còn những ngày bán được ít, cô dùng tiền mua đồ ăn vặt. Nhà Mikhu không quá khó khăn nhưng việc giao tiếp với khách nước ngoài mang đến cho cô nhiều thú vị. Những thứ được chia sẻ từ những người bạn ở đất nước xa xôi đã lôi cuốn, thu hút cô hơn việc học ở trường. Cô thích cùng khách rong ruổi trên những con đường vào bản, chia sẻ với họ về nghề truyền thống của đồng bào Mông, về phong tục, tập quán... và rồi cứ thế, Mikhu trở thành hướng dẫn viên địa phương.

Không qua một lớp đào tạo nào về du lịch, cũng chẳng đến trường học tiếng Anh nhưng Mikhu nói chuyện với khách nước ngoài “vanh vách”. “Vì tôi muốn sớm kiếm được tiền và đặc biệt, rất nhiều câu chuyện thú vị du khách kể về thế giới bao la mà tôi muốn biết nên mới bỏ học để đi làm”, Mikhu bộc bạch.

Vào mùa cao điểm khách du lịch quốc tế (từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm), Mikhu có thể thu nhập từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng/ngày. Mỗi ngày, cô bắt đầu công việc từ 9 giờ sáng đến khoảng 3 giờ chiều. Đa phần là đi bộ cùng khách, trải nghiệm bản làng, giới thiệu với khách về phong tục, tập quán của đồng bào vùng cao.

Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, du lịch dần phục hồi nhưng lượng khách quốc tế vẫn chưa đông như trước. Nhân lực được đào tạo về du lịch chuyên nghiệp thì ít nhưng người dẫn khách ở các bản, làng lại đông nên cạnh tranh rất cao. Hiện tại, du khách kết nối các tour du lịch hoặc dịch vụ lưu trú đều qua các trang thông tin điện tử, với những người không thông thạo về công nghệ như Mikhu, công việc không còn thuận lợi như trước.

“Không biết chữ, không viết được tiếng Anh cũng bất lợi cho việc kết nối với du khách. Nếu được chọn lại thì tôi sẽ học tập chăm chỉ và theo học các lớp đào tạo bài bản về du lịch. Mình biết chữ sẽ chủ động và hiểu hơn những điều du khách chia sẻ”, Mikhu tiếc nuối khi nói về những điều mình đã chọn.

Ngược con dốc dài và hẹp ở Bản Pho, nhà bà Sy nằm ở cuối con đường. Không hẹn trước mà gặp được bà ở nhà là rất may mắn, bởi vì rảnh rỗi, bà thường đi bộ, rong ruổi trên các con đường.

Đi bán hàng thổ cẩm ở trung tâm thị trấn (nay là thị xã Sa Pa) từ khi còn trẻ, bà Châu Thị Sy ở thôn Bản Pho, xã Mường Hoa không nhớ rõ mình làm hướng dẫn viên địa phương được mấy chục năm, nhưng trong số những hướng dẫn viên địa phương ở Sa Pa thì bà là người có thâm niên trong nghề nhất. Nhớ lại những ngày đầu tiếp xúc với khách du lịch, bà dậy từ 3 - 4 giờ sáng, đi bộ từ xã Hầu Thào (nay là xã Mường Hoa) lên trung tâm thị trấn để kịp đón khách du lịch.

“Hồi đó, đường đi còn nhỏ, đêm chúng tôi phải đốt đuốc soi đường, gói theo cơm và hàng thổ cẩm. Tôi đi bán hàng, khách nước ngoài rất thích các bộ đồ tôi mặc. Họ muốn cùng về nhà để xem nơi tôi sống, cách tôi tạo ra những mặt hàng thổ cẩm. Khi đó, tôi chưa hiểu những gì họ nói, chỉ biết giơ những món đồ đang bán ra cho khách xem”, bà Sy tâm sự.

“Thế rồi, khách cùng về nhà, họ nhờ tôi dẫn đi chơi trong bản. Khách đưa bao nhiêu tiền công thì tôi lấy bằng đó. Nhiều lần như vậy, tôi thấy dẫn khách có thu nhập cao hơn bán hàng nên đã tìm cách học giao tiếp bằng tiếng Anh và chủ động đưa khách đi cùng mình”, bà Sy chia sẻ thêm.

Một lần dẫn khách du lịch, nhặt được một tấm bản đồ ghi chi tiết các địa danh của Sa Pa, bà đã in ra để sẵn trong túi thổ cẩm. Khả năng nói tiếng Anh hạn chế, tấm bản đồ đã giúp bà rất nhiều trong việc kết nối với du khách. Bà chỉ cho khách những nơi có thể đi tham quan hoặc đưa bản đồ để khách tự chọn địa điểm. Suốt bao năm qua, tấm bản đồ được bà Sy giữ như một báu vật.

Những năm gần đây, bà Sy ít đi hơn. “Khách du lịch giờ tìm người hướng dẫn thông qua máy tính, điện thoại, thi thoảng các homestay giới thiệu thì tôi mới đi dẫn thôi”, bà Sy bảo.

Chị Sùng Thị Mỷ ở thôn Giàng Tà Chải, xã Tả Van cũng bắt đầu bén duyên với nghề hướng dẫn viên địa phương từ việc đi bán hàng rong. Hơn 15 năm làm hướng dẫn viên địa phương, từng cung đường trekking, chị đều đi “mòn bước chân”.

“20 năm trước, Sa Pa trong mắt tôi chỉ là một bản nhỏ, thi thoảng có những vị khách nước ngoài đến chơi, họ mua đồ do chúng tôi tự làm và chúng tôi dẫn họ đi chơi. Bản nhỏ đó càng ngày càng lớn dần, những con đường rộng ra, chân tôi đi mãi lại càng thấy đường xa”, chị Mỷ tâm sự.

Khác với bà Sy và Mikhu làm hướng dẫn viên địa phương tự do, 6 năm trở lại đây, chị Mỷ làm việc cho một công ty du lịch, nhờ đó, thu nhập của chị ổn định. “Lao Chải - Tả Van - Má Tra - Tả Phìn - Sả Séng - Hầu Thào - Cát Cát... là những cung đường mà hằng ngày tôi dẫn khách. Có những đoàn khách hơn 20 người nhưng chỉ mình tôi làm hướng dẫn. Tôi đi bộ cùng khách những đoạn đường trong làng, còn đường xa sẽ có xe của công ty du lịch đưa đón” - chị Mỷ nói.

Mỗi ngày dù ít hay nhiều khách, công ty du lịch trả chị Mỷ 400 nghìn đồng. Với chị, đó là khoản thu nhập ổn định. Từ khi vào công ty du lịch làm việc, được học thêm về cách hướng dẫn, giao tiếp với khách, chị trò chuyện với khách chuyên nghiệp và bài bản hơn. “Tôi mong những hướng dẫn viên địa phương được đào tạo và kết nối với các công ty du lịch để có khách mỗi ngày, thu nhập ổn định, làm du lịch chuyên nghiệp hơn”, chị Mỷ nói thêm.

Không chỉ bà Sy, chị Mỷ hay Mikhu, nhiều năm nay, dù trên đường lớn hay những con đường mòn vượt đồi, lội suối, những hướng dẫn viên địa phương với bước chân không mỏi đã góp phần không nhỏ đưa hình ảnh du lịch Sa Pa đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/chuyen-cua-nhung-huong-dan-vien-o-ban-post368714.html