Chuyện của "ông chủ" ca khúc "Nỗi buồn hoa phượng"...

- Có lẽ những ai yêu ca hát ít nhất cũng nhớ vài ba khúc ca, đoạn nhạc của nhạc sĩ Thanh Sơn. Thành danh trong thời chiến nhưng những ca khúc êm đềm của ông về mái trường xưa, tình yêu quê hương và bao rung động đầu đời của tuổi học sinh vẫn mãi ngân vang vượt thời gian.

183 ca khúc Xin chào nhạc sĩ, ông có được khỏe không? Tôi khỏe, nhưng từ sau cái dạo mổ tim thì cũng ít đi đây đó nên sáng tác không nhiều. Có ca khúc nào mới nhất? Mới nhất là ca khúc "Chiều mưa phố núi" viết về TP Pleiku. Tôi có nghe nói là ông đã sáng tác 500 ca khúc? Làm gì có! Chính xác là 183 bài. Lúc trước tôi có nói với một phóng viên là khoảng 200 bài, không ngờ chắc thấy... ít quá nên anh ta đội lên con số 500! Tôi cũng xin đính chính là một số nhạc phẩm không phải của tôi mà bị nhầm lẫn lâu nay: Nhớ cánh cò, Giận hờn, Ai khổ vì ai, Tâm sự đời tôi, Hãy tìm nhau. Còn bài Hận Tha La ký tên Sơn Thảo chính là tôi. Mộng làm ca sĩ Ông được coi là một "tay ngang" thành danh, vậy ông đến với âm nhạc như thế nào? Tôi sinh ra ở Sóc Trăng, mê ca hát từ nhỏ, lén gia đình theo học với nhạc sĩ Võ Đức Phấn (em út của nhạc sĩ Võ Đức Thu). Năm 1955, sau 2 lần thi trung học đệ nhất cấp không đậu, tôi trốn lên Sài Gòn làm đủ mọi việc để kiếm sống, đồng thời theo học lớp nhạc của nhạc sĩ Lê Thương, quyết tâm xây mộng làm ca sĩ. Rồi mộng có thành? Sau 4 năm trần ai cơ cực, năm 1959, Đài Phát thanh Sài Gòn tổ chức cuộc thi tuyển chọn ca sĩ trẻ. Tôi liều mạng đăng ký rồi xin phép ông chủ nghỉ 2 tiếng đồng hồ để đi thi. Thật không ngờ, với ca khúc Chiều tàn của Lam Phương, tôi đậu thủ khoa. Giải thưởng là một chiếc radio và cây đàn ghi ta. Từ đó, tôi đổi nghề và đi hát trong ban nhạc Tiếng tơ đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng với nghệ danh Thanh Sơn. Sau này tôi còn tham gia đoàn Văn nghệ Việt Nam sang Singapore hát năm 1963 do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ làm trưởng đoàn. Nhạc sĩ của tuổi học trò Có lẽ người ta đã quên một "Thanh Sơn ca sĩ" mà chỉ nhớ đến một "nhạc sĩ Thanh Sơn" với những ca khúc dành cho tuổi học trò từng làm thổn thức bao trái tim non? Từ năm 1960, tôi mày mò học sáng tác nhạc với cuốn "Để sáng tác một ca khúc" của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ... Tôi chọn đề tài về đời học sinh, có lẽ do con đường học hành của tôi không suôn sẻ nên cứ luôn bị ám ảnh. Ca khúc đầu tay của tôi là "Tình học sinh" viết năm 1962 cũng được Đài phát thanh chuyển tải, nhưng chẳng có tiếng vang gì cả. Nhiều khi đâm nản... Mãi đến khi "Nỗi buồn hoa phượng" ra đời được đông đảo khán giả yêu mến, tôi mới chuyển hẳn sang sáng tác nhạc. "Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn/Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương...". Những ca từ này đã ăn sâu vào nhiều thế hệ học trò. Ông đã sáng tác trong hoàn cảnh nào? Đó là kết quả của một tình yêu học trò hồn nhiên và lãng mạn. Thời gian học ở trường làng Hoàng Diệu, Sóc Trăng, tôi có quen với cô bạn học tên là Nguyễn Thị Hoa Phượng. Phượng là con một công chức ở Sài Gòn đổi xuống Sóc Trăng làm trong 3 năm. Khoảng năm 1953 gia đình Phượng phải chuyển về lại thành phố. Chúng tôi quyến luyến chia tay vào mùa, hoa phượng nở đỏ rực. Phượng nói rằng: "Sau này mỗi khi đến hè, thấy hoa phượng nở thì hãy nhớ đến Phượng nhé!". Một đêm mùa hè năm 1963, trên đường về nhà, tôi bất chợt nhìn thấy những cành phượng đỏ thắm. Về nhà, không ngủ được, nhớ lại những lời Phượng nói ngày xưa, tôi cắm cúi viết xong "Nỗi buồn hoa phượng" trong đêm. Không ngờ ca khúc đã gây nên cơn sốt, nhất là trong giới thanh niên, học sinh. Sau này ông có gặp được cô Phượng ấy không? Không, "người xưa biết đâu mà tìm". Nhưng tôi vẫn mong ở một nơi nào đó, Phượng nghe thấy và hiểu lòng tôi. Sau đó, tôi viết nhiều ca khúc khác về quãng đời học sinh như Ba tháng tạ từ, Hạ buồn, Ve sầu mùa phượng... Đặc biệt, tôi dồn hết tâm sức cho Lưu bút ngày xanh: "Lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi, nhắc lại câu chuyện buồn/Trường còn kia, ôi mái đổ tường rêu, bao kỷ niệm êm ái...". Nhưng có lẽ "Nỗi buồn hoa phượng" đã chiếm sự ưu ái sâu rộng hơn. Ngoài ra, những ca khúc trữ tình như Nhật ký đời tôi, Trả lại thời gian, Mùa hoa anh đào... cũng được nhiều tầng lớp khán giả đón nhận. Nhờ sáng tác tôi mua được nhà, xe Nghe nói là nhạc sĩ như ông thời ấy thu nhập cao lắm, ăn chơi thoải mái? Phải nói là nhờ sáng tác nhạc tôi mới mua được nhà, xe, nuôi vợ con. Anh cứ tính vàng lúc ấy là khoảng 4.000đ/lượng thì tiền tác quyền mỗi bản nhạc của tôi là 6.000đ. Sau này vàng lên 8.000đ/lượng thì tiền tác quyền tăng lên 12.000đ. Còn ăn chơi thời ấy đối với nhạc sĩ có 2 dạng. Dạng thứ nhất làm trong chính quyền thì giờ giấc đường hoàng, thường đến những quán bar, phòng trà sang trọng. Dạng thứ hai là lang thang đây đó, bất kể ngày đêm, tôi thuộc dạng này. Có điều ăn chơi nhưng không mê đắm, khi có con là tôi bỏ hẳn. Hẳn là ông có nhiều mối tình? (Cười) Khó tránh ải mỹ nhân lắm. Nhưng như đã nói là tôi không bị đắm. Cũng xin tiết lộ là ca khúc Nhật ký đời tôi viết năm 1965 với những ca từ Ngược thời gian trở về quá khứ, phút giây chạnh lòng/Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ân tình chỉ còn lại con số không... là đánh dấu cuộc tình của tôi với một nữ danh ca. Vợ tôi cũng biết điều này nhưng không lấy đó làm điều. Chuyển dòng nhạc quê hương Vì sao lúc ấy nhiều nhạc sĩ viết về đề tài chiến tranh, phản chiến hay thân phận con người thì ông lại chọn những mảng đề tài hầu như không vướng mùi súng đạn? Chiến tranh là điều phi lý nhất. Từ năm 1973, tôi chuyển sang dòng nhạc quê hương, ca ngợi đất nước với âm điệu dân ca Nam Bộ. Khởi đầu là bài "Hình bóng quê nhà" với Về tới đầu làng, con chim sáo nhỏ hót vang rộn ràng/Qua nhịp cầu tre, qua mấy con đê thắm đượm tình quê... đến nay đã có ngót trăm bài về đề tài này. Hình như đến tỉnh thành nào ông cũng sáng tác về vùng đất ấy? Ở miền Bắc thì tôi viết Non nước hữu tình, miền Tây tôi viết Hành trình trên đất phù sa, Hương tóc mạ non, Chuyện tình Bạc Liêu, Chiều mưa xứ dừa, Áo trắng Gò Công, Tình em Tháp Mười, Yêu dấu Hà Tiên, Áo mới Cà Mau... miền Trung thì có các bài: Thương về cố đô, Đôi lời với Huế, Tưởng như Huế trong lòng, Đà Lạt thì có: Trở lại thành phố sương mù... Tôi đã viết ca khúc về 26 tỉnh, thành miền Nam, trừ Tiền Giang chưa viết được vì hai chữ Tiền Giang đưa vào nhạc khó quá. Tôi chú trọng về ca từ và cố gắng đưa vào bài những âm sắc, phương ngữ đặc trưng của Nam Bộ. Ông có thể tiết lộ bí quyết viết nhạc của mình? Rành nhạc lý và tâm thành thực, thế thôi! Xin cảm ơn và kính chúc sức khỏe nhạc sĩ. Thiên Tường (thực hiện)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1988/201008/Chuyen-cua-ong-chu-ca-khuc-Noi-buon-hoa-phuong-1763652/