Chuyện của quê tôi

Minhh họa: Bing

Tháng 9 năm 1964, cách mạng về giải phóng làng Tỉnh Thủy, giải phóng xóm tôi, từ đó cuộc chiến và những biến đổi trăm năm có một cũng bắt đầu!

Từ cuối năm 1964 đến tháng 10 năm 1968, xóm tôi thoát ly lên chiến khu 13 người, trong đó gia đình ông Thơ 3, gia đình ông Lời 1, gia đình ông Thoàng 2, gia đình ông Phối 3, gia đình Bốn Tân 1, gia đình tôi 3. Tháng 10 năm 1968 làng Tỉnh Thủy bị địch tái chiếm, số thiếu niên mới lớn không thoát ly được, kẹt lại quê. Trong họ có người buộc phải đi lính cho địch. Tội nghiệp, lớp thanh niên 16 -17 tuổi bị bọn lính Biệt lập, bọn ngụy quyền o ép. Đứa nào cũng có anh chị tham gia kháng chiến, nay phải sống cảnh cá chậu chim lồng. Tức quá, mấy đứa rủ nhau men vào đồn gỡ mìn zip đem về giấu kỹ, đăng ký đi lính. Khi đi lận mìn theo, ra trận kê mìn zip dưới bàn chân, dậm nổ thành phế binh, về làng không còn sợ bọn ngụy ở địa phương nữa.

30 tháng Tư năm 1975 chiến tranh chấm dứt. Tôi trở lại quê. Lúc đó làng mạc xơ xác, không một bụi cây, không một miếng tường nhà cũ, dân vẫn còn sống giữa khu dồn, tá túc dưới những mái tôn sơ sài nóng bức, chưa kịp quay về xóm cũ

Xóm tôi, trong những năm 1964 – 1968 thoát ly 13 người, hy sinh hết 9. Con trai ông Thơ, ông Lời, con gái ông Thoàng... ra đi không một người trở lại. Em trai tôi cũng không về. Em hy sinh tại chiến khu Trà My lúc 15 tuổi...

Người ra đi hy sinh, người ở nhà tử nạn, thảm khốc vô cùng. Nhà ông Lời có 2 người con trai, Út Hảo đi bộ đội một năm, hy sinh. Chín Đảo ở lại quê có vợ 2 con, giữa năm 1966 bị canh nông địch từ biển bắn vào giết chết tại bãi cát đầu làng. Cuối năm 1966, ông già Lời cùng 2 cháu nội bị “tàu rọ” Mỹ ném lựu đạn, thả hơi ngạt chết tức trong hầm trú ẩn cạnh nhà. Tội nghiệp nhà ông già Lời có 7 người, trong năm 1966 chết 5 người, chỉ còn lại bà Lời và Tám Tiết con dâu.

Nhà ông Thơ em ruột ông Lời có 4 người con trai. Bảy Danh có vợ một con, ở nhà tham gia du kích; 3 người em là Tám Văn, Chín Vương, Út Hùng rủ nhau xung phong vào bộ đội. Từ năm 1968 đến 1972 ba người con trai ông Thơ đều hy sinh, ông thì vướng mìn cụt một chân. Khi địch tái chiếm Tỉnh Thủy, Bảy Danh không thoát ra được, bị chúng bắt lính. Trên tay cầm súng địch, lòng Bảy Danh ẩn uất hướng về phía chiến khu, nơi ấy có em trai đang chiến đấu hy sinh, ông đau xót vô cùng.

Nhà ông Thoàng có hai người con gái Năm Liệu và Út Hiệu thoát ly, hy sinh hết trọi. Ở nhà có Ba Xuân làm Thôn đội trưởng chiến đấu ngoan cường và đã ngã xuống giữa làng quê, trong một trận càn quét vô cùng ác liệt của địch

Bốn Tân không vợ không con, xung phong vào bộ đội, sau một tháng có giấy báo tử về làng. Bốn Thủy con ông Phối, em Ba Duy là Trung đội trưởng trinh sát Tiểu đoàn 72, hy sinh tại chiến trường Tiên Phước.

Nhà ông bà Đưa không có con trai, họ là dân lành nhưng gan dạ, kiên trung. Hai mẹ con bà ngã xuống trước nòng súng giặc. Họ đã trở thành liệt sĩ.

Người xóm tôi sống trên một khuôn đất chừng 2500 mét vuông, qua cuộc chiến có 12 liệt sĩ, 4 người tử nạn, 1 người bị thương vì bom đạn Mỹ, 7 gia đình có 3 bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhìn rộng ra, làng Tỉnh Thủy thời đó có 270 hộ với dân số độ 1300 người đã có 319 liệt sĩ, 140 người dân tử nạn, hiện nay có 87 bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Như vậy tổng số người chết vì chiến tranh tại làng tôi trên 450 người, chiếm 30 % dân số mà hầu hết là nam thanh, nữ tú. Họ chết khi còn rất trẻ. Bây giờ về quê, đàn ông từ bảy mươi đến tám mươi rất hiếm. Ai còn sống sau chiến tranh như hạt gạo trên sàn.

Minh họa: Bing

Tỉnh Thủy quê hương có dòng Trường Giang xanh biếc, thời thơ ấu tôi cùng bạn bè bơi lội, nô đùa trên sóng nước. Bây giờ về quê, không còn ai. Qua sông nhớ bạn, tôi ngậm ngùi với những câu thơ:

Tôi về đây với Trường Giang

Nhớ thời cơm cõng khoai lang thắm tình

Đau thời khói lửa chiến chinh

Chúng tôi đi quên thân mình trong sương

Yêu nước non dạ can trường

Trên vai nặng trĩu tình thương quê nhà

Băng đò sông vắng canh ba

Lần theo muôn dặm đường ra chiến trường

Hòa bình trở lại quê hương

Chập chờn sóng nước vô thường sông ơi

Bạn tôi về phía cuối trời

Tôi về quê chạm cuối đời cô đơn....

Ôi chiến tranh thật tàn khốc! Chúng tôi là thế hệ đi qua chiến tranh, là thế hệ trực tiếp lăn mình vào cuộc chiến. Trách nhiệm của chúng tôi phải làm cho các thế hệ con cháu hiểu về cuộc chiến, thấm vào tâm can nỗi đau chiến tranh, hiểu về cái giá của chiến tranh, ít nhất là trên chính quê hương, trên chính mảnh đất Tỉnh Thủy thân yêu trong những năm nửa cuối thế kỷ 20. Và từ đó tạo động lực để các thế hệ con em làng Tỉnh Thủy ra sức, nhất quyết ra sức góp phần gìn giữ nền hòa bình, kiến tạo quê hương ngày càng tươi đẹp, xứng đáng với núi xương, sông máu của cha ông đã từng đổ xuống, đã từng hòa quyện vào đất, vào nước, trở thành hồn thiêng quê xứ tạo dựng nên cuộc sống tự do, tươi đẹp cho hôm nay và mai sau.

Minh họa: Bìng

Bút ký của Phạm Thông

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/chuyen-cua-que-toi-a21594.html