Chuyện dài metro

Trước câu hỏi 'Tại sao các nước họ làm các tuyến metro rất nhanh... Nên đi một số nước để học hỏi kinh nghiệm của họ làm theo cơ chế đặc biệt gì? Mục tiêu của TPHCM đưa vào hoạt động tám tuyến metro, cần phải tính toán kỹ khi các tuyến hoạt động thì cần bao nhiêu thời gian, vấn đề tài chính cho dự án này', xin mạn phép góp ý đôi điều.

 Hệ thống metro ở Paris. Ảnh: metroparis

Hệ thống metro ở Paris. Ảnh: metroparis

Còn nhớ năm 1990, tại trụ sở Hội Trí thức yêu nước TPHCM, trong một hội thảo nghe phía Pháp nói về vận tải công cộng, trong đó có metro, người thông dịch, trước khi bắt đầu dịch có “xin phép 15 phút trước khi chấm dứt cho tôi thôi là phiên dịch để tham gia góp ý chút”. Gần 40 năm sau, còn nhớ như in câu chuyện góp ý đó.

Trước hết, việc học hỏi kinh nghiệm các nước qua những chuyến “cưỡi ngựa xem hoa” như đã thành thông lệ, e rằng không dễ cho phép rút được kinh nghiệm cho lắm. Còn nhớ cách đây hơn chục năm, một tân bộ trưởng giáo dục có nhã ý cho tổ chức một chuyến tham khảo kinh nghiệm quản lý nhà trường ở nước X. Một người đã tham gia chuyến đó viết bài kể đoàn đi 5 ngày 4 đêm, đến nước Y trước, đi tham quan chỗ này, chỗ kia, tới ngày thứ ba mới đến nước X láng giềng cần tham quan nghiên cứu, qua ngày thứ tư cả đoàn đến thăm trường trung học kiểu mẫu kia buổi sáng, buổi chiều sinh hoạt tự do, ngày thứ năm lên máy bay về nước... Tòa soạn, ái ngại quá, “cất” bài báo đó luôn!

Trong câu chuyện metro, tàu xe, muốn thấy, phải luôn từ những góc nhìn khác nhau, mà bắt đầu là góc nhìn của người sử dụng hàng ngày, sáng sáng 6 giờ hối hả ra khỏi nhà, đi bộ như chạy đến nhà ga, trạm xe điện, xe buýt, đổi một hai chuyến xe, ào ào cất bước cho kịp chuyến xe-tàu sau, để có thể tường tận hình dung và cảm nhận những nhu cầu tương lai của khách đi metro - tỷ như họ đi bằng gì để đến trạm metro? Nếu họ đi bằng xe hai bánh, cứ cho là xe đạp, họ sẽ gửi xe ở đâu, đã chuẩn bị sẵn các bãi giữ xe ở các trạm chưa, phí gửi xe là bao nhiêu, cộng với vé metro là bao nhiêu?... Thử hình dung khách bình dân trong khu An Phú ra ven xa lộ Hà Nội đón metro, họ sẽ đi bằng gì từ sâu trong khu đó ra đến trạm? Còn nếu xe nhà chở ra, thì đâu còn là mass transit (vận tải công chúng số đông) nữa! Càng đi tới đi lui ngày này qua ngày khác như những người sử dụng đích thực, sẽ cảm nhận được những bài toán nhỏ nhưng mà lớn đối với từng người, để có thể từ đó hình dung một giải pháp chung.

Kế đến, xem các hành khách đó đáp metro để làm gì, đi đâu, tần suất đi hàng tuần... Cơ bản, không ai dựng ra một tuyến metro mà không vì nhu cầu chuyên chở số đông hành khách, nối một số cực lớn của thành phố đến một đầu kia bên ngoài thành phố và ngược lại. Không ai bỏ bạc tỉ đô la ra để đầu tư vào một tuyến đường không chạy qua, chạy đến những khu dân cư đông đúc, thường là những thành phố - tối về ngủ (villes-dortoirs), hay khu công nghiệp, chỉ để tò mò leo lên một vài lần cho biết thế nào là đi metro! Không một ngân sách nào có thể cứ bù lỗ cho những tuyến metro “chẳng biết leo lên để đi đâu”...

Trong hầu hết các thành phố có metro, không có chuyện tất cả các tuyến đường đều đổ về một trung tâm thành phố duy nhất, mà là đến một số trung tâm khác ngang dọc trong thành phố. Tỷ như ở Paris (Pháp) không có một trung tâm duy nhất, mà là nhiều cực, tiểu trung tâm; tỷ như tuyến số 6 Nation-Etoile nối trạm Charles de Gaulle - Etoile, một trung tâm đông đảo, đến trạm Nation, một trung tâm đông đảo khác, trên một lộ trình nửa vòng tròn dài 13 ki lô mét, qua những trạm lớn giao với nhiều tuyến khác như các trạm Trocadero, Montparnasse, Denfert-Rochereau, Place d’Italie... Đây là những nguyên tắc mà “cha đẻ” kế hoạch metro của Paris là kỹ sư Bienvenue đã vạch ra năm 1895 để cho metro ở Paris không chỉ là từng tuyến riêng lẻ mà là một hệ thống trên đó hành khách có thể đi từ bất cứ điểm nào đến một điểm khác mà không phải đổ về một điểm trung tâm duy nhất, mất thời giờ vô ích, tốn kém từ hãng metro đến khách sử dụng - “các tuyến đường được thiết kế sao cho bất cứ một điểm nào trong Paris chỉ cách mỗi trạm metro có 400 mét và mỗi hành trình không phải đổi xe hơn hai lần” (1). Nguyên tắc không quá ba tuyến đổi (interchanges) ngày nay vẫn còn áp dụng cho mọi hệ thống metro.

Ký ức về buổi họp còn chừng đó. Trên đây là một vài chi tiết mà lẽ ra đã phải nắm rõ trước khi vẽ ra tám tuyến metro tương lai. Hy vọng sẽ gợi ý đôi chút trước đề nghị đi học tập kinh nghiệm.

(1) Jean - Francois Gleyze: La desserte de Paris par le metro et le RER. 2003.

Danh Đức

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/286670/chuyen-dai-metro-.html