Chuyện đáng lo ở chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc (2): Ngang nhiên mua bán dấu kiểm dịch

Mua 5 con vịt đã làm thịt sẵn ở ven đường mang đến, chúng tôi được cán bộ thú y đóng dấu kiểm dịch và thu tiền, mà không hỏi thêm bất kỳ thông tin nào liên quan đến nguồn gốc, chất lượng...

Cán bộ của Trạm Thú y Thường Tín đang đóng dấu kiểm dịch cho 5 cá thể vịt PV mang từ nơi khác đến. Ảnh: PV

Cán bộ của Trạm Thú y Thường Tín đang đóng dấu kiểm dịch cho 5 cá thể vịt PV mang từ nơi khác đến. Ảnh: PV

“Muốn bao nhiêu dấu kiểm dịch cũng có”

Từ lâu, chợ Hà Vĩ (đóng trên địa bàn xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) được biết đến là chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc với lượng tiêu thụ cả trăm tấn gà, vịt mỗi ngày. Theo lãnh đạo UBND xã Lê Lợi, có hơn 1.000 hộ dân sinh sống bằng nghề giết mổ gia cầm nhưng cả xã chỉ vẻn vẹn có 4 cơ sở giết mổ gia cầm được cấp phép.

Trong 4 cơ sở gia cầm được cấp phép này, hoạt động nhộn nhịp nhất là 2 cơ sở giết mổ gia cầm Nguyễn Văn Thông và cơ sở giết mổ gia cầm sạch Việt Thái. Hai cơ sở này nằm đối diện nhau tại thôn An Cảnh, xã Lê Lợi, cách chợ gia cầm Hà Vĩ khoảng 1km. Trong vai một chủ nhà hàng chuyên về các loại thịt vịt ở trung tâm Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc thâm nhập vào 2 cơ sở giết mổ gia cầm này để ghi nhận những điều mắt thấy, tai nghe.

Sau khi hỏi han, biết họ hoạt động chủ yếu về đêm và sáng sớm, do vậy chúng tôi đã lấy số điện thoại để hẹn trước. Khi nghe đề nghị sẽ mang số lượng lớn gà, vịt đã được giết mổ trước đó đến để xin đóng dấu kiểm dịch sau giết mổ, chủ cơ sở Nguyễn Văn Thông cho biết: “Chú cứ mang xuống đây. Bao nhiêu gà vịt cũng được, bên anh đóng dấu được hết. Tầm 3h sáng mai anh không có ở cơ sở nhưng chú cứ bảo với bên kiểm dịch là “em đã bảo trước với anh Thông” rồi là được đóng dấu”(?).

Không quan tâm đến nguồn gốc gia cầm

Hai con vịt do PV mang đến đã được đóng dấu kiểm dịch gia cầm “đúng quy định thực phẩm an toàn”(?).

Để chuẩn bị cho chuyến thâm nhập này, nhóm phóng viên đã đến một khu chợ tạm ở khu vực thị trấn Cầu Diễn (Nam Từ Liêm – Hà Nội) mua 8 con vịt. Sau đó, chúng tôi mang 3 con vịt sống đến cơ sở giết mổ gia cầm sạch Việt Thái để thuê làm lông. Với cách làm việc “chuyên nghiệp”, nhân viên của cơ sở này không hỏi bất kỳ thông tin nào về nguồn gốc, xuất xứ mà lặng lẽ mang đến gặp cán bộ thú y… đóng dấu kiểm dịch và chuyển lại cho khách.

Theo quy định, để đóng dấu kiểm soát giết mổ thì trước đó cán bộ thú y sẽ phải kiểm tra giám sát trong suốt quá trình đưa gia cầm vào lò mổ và khi giết mổ. Thế nhưng theo ghi nhận của PV, mọi khâu ở đây đều không có sự giám sát của cán bộ thú y. Cũng theo lời giới thiệu của nhân viên cơ sở giết mổ, sau khi gia cầm đã được đóng dấu kiểm dịch và đưa ra ngoài tiêu thụ đồng nghĩa với việc đó là thước đo đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Được biết, mỗi ngày cơ sở này cung cấp ra thị trường khoảng 100 cá thể vịt và khoảng 300 cá thể gà. Số lượng gà vịt này được xuất bán cho các công ty trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh phụ cận. Việc đóng dấu kiểm dịch ở đây khá rẻ, theo hóa đơn là 200 đồng/con; giết mổ dịch vụ giá 5.000 đồng/con.

Tiếp đó, chúng tôi mang 5 con vịt còn lại đã được thuê làm thịt, vặt lông ở chợ tạm trên địa bàn thị trấn Cầu Diễn đến cơ sở giết mổ gia cầm Nguyễn Văn Thông để đóng dấu kiểm dịch. Sau khi giới thiệu đã gọi điện thoại báo trước với chủ cơ sở, chúng tôi nhanh chóng được nhân viên giới thiệu gặp cán bộ Trạm thú y Thường Tín để đóng dấu kiểm dịch. Điều ngạc nhiên là cả 2 nhân viên cơ sở và cán bộ thú y không hỏi thêm bất kỳ thông tin nào liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của lô vịt nói trên mà cứ thế đóng dấu. Sau khi đóng dấu kiểm dịch xong, cán bộ thú y đưa cho chúng tôi một biên lai thu tiền với mức phí 1.000 đồng/5 con vịt.

Một nữ nhân viên của cơ sở gia cầm Nguyễn Văn Thông đưa thêm cho phóng viên một tờ giấy xác nhận trong đó có ghi rõ: Nguồn gốc xuất xứ gia cầm – thủy cầm đã được giết mổ tại cơ sở giết mổ gia cầm Nguyễn Văn Thông - Địa chỉ: Thôn An Cảnh, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội.

Tiếp đó, nữ nhân viên này thu chúng tôi số tiền là 20.000 đồng. Khi thắc mắc tại sao trong biên lai ghi số tiền là 1.000 đồng/5 con vịt mà thực tế lại thu 20.000 đồng”, nữ nhân viên này giải thích: “1.000 đồng là số tiền trả cho Trạm Thú y Thường Tín, còn 20.000 đồng là số tiền trả cho cơ sở giết mổ để chứng nhận số vịt này đã được giết mổ tại đây. Nếu không có xác nhận của cơ sở giết mổ là chưa đủ tiêu chuẩn an toàn đâu”.

Trước khi chào chúng tôi ra về, nhân viên của cơ sở này còn không quên giới thiệu lần sau mang gà vịt đến kiểm dịch với số lượng lớn sẽ có giá “bản quyền” rẻ hơn. Ví dụ mang dưới 20 con gà, vịt thì sẽ phải trả cho cơ sở số tiền là 20.000 đồng, hơn 20 con là 30.000 đồng. Nhiều hơn nữa sẽ có những mức giá tốt hơn”(?).

Vi phạm nghiêm trọng

Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, ông Dương Xuân Tĩnh, Trạm trưởng Trạm thú y Thường Tín xác nhận, người đóng dấu kiểm dịch vịt không rõ nguồn gốc trong video phóng viên ghi lại là anh Trần Văn Sự - Cán bộ thú y của Trạm. “Anh Sự đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thông tư 09/2016 của Bộ NN&PTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y”, vị này cho biết.

Thông tư này nêu rõ, cán bộ thú y và các cơ sở giết mổ gia cầm được cấp phép phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình trước và sau giết mổ: Trước giết mổ phải kiểm tra nguồn gốc gia cầm qua hồ sơ, sổ sách, tiến hành tách riêng những cá thể gia cầm có dấu hiệu ốm yếu, bệnh. Sau giết mổ gia cầm cũng phải đạt những tiêu chuẩn nhất định mới được đóng dấu kiểm dịch.

Theo ông Dương Xuân Tĩnh, để xảy ra tình trạng này có thể do “anh em làm việc đêm hôm mệt mỏi dẫn đến sự lơ là, làm không đúng quy trình”. Trạm trưởng Trạm thú y Thường Tín cũng khẳng định sẽ có hình thức xử lý đối với cán bộ vi phạm, đồng thời nghiêm túc chấn chỉnh lại quy trình kiểm dịch hiện nay.

Nhóm PV

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chuyen-dang-lo-o-cho-gia-cam-lon-nhat-mien-bac-2-ngang-nhien-mua-ban-dau-kiem-dich-20170728221107443.htm