Chuyến đi chở đầy thông điệp

Trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên đang ấp ủ những hy vọng lớn hơn bao giờ hết về một tương lai không vũ khí hạt nhân, sứ mệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong chuyến công du 3 nước gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cuối tuần vừa rồi thật quá gian nan, khi ông phải mang theo rất nhiều thông điệp mà nước Mỹ muốn gửi tới cả 'đối thủ cạnh tranh chiến lược' lẫn các đồng minh lâu năm của mình.

Dư luận ít nhiều cảm thấy bất ngờ khi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis chọn Trung Quốc là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến đi “chở đầy ưu tư” lần này. Bởi đây không chỉ là lần đầu tiên ông James Mattis viếng thăm Bắc Kinh trên cương vị người đứng đầu ngành quốc phòng Mỹ, mà còn là chuyến thăm đầu tiên của một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sau hơn 4 năm.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa duyệt đội danh dự tại Bắc Kinh hôm 27-6. Ảnh: Getty.

Càng lạ hơn khi chuyến thăm được lên lịch trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh liên tục có những va chạm nảy lửa trên nhiều phương diện, từ thương mại tới an ninh. Việc Tổng thống Donald Trump quyết định áp thuế với một khối lượng lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cùng với những biện pháp đáp trả chẳng hề kém cạnh từ Bắc Kinh, dường như đang đẩy hai siêu cường này vào một cuộc chiến thương mại toàn diện, lợi bất cập hại. Cá nhân ông James Mattis thời gian gần đây cũng thường xuyên có những chỉ trích gay gắt nhằm vào Trung Quốc, điển hình như tại cuộc Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 ở Singapore.

Nhưng sát ngày đặt chân tới Trung Quốc, thái độ mạnh mẽ thường thấy ở vị “tư lệnh” ngành quốc phòng Mỹ đã biến mất, khi ông đột ngột tuyên bố rằng ông đến Bắc Kinh là để lắng nghe, tránh nhắc đến “những vấn đề nhạy cảm” và tập trung vào việc cải thiện mối quan hệ quân sự giữa hai nước cũng như các cuộc đàm phán liên quan tới vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Có vẻ như Tổng thống Donald Trump-người được cho là sẽ “chắc suất” giải Nobel Hòa bình nếu giải quyết xong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, đang coi vấn đề này là ưu tiên hàng đầu. Việc Bộ trưởng James Mattis đóng vai trò “nhà ngoại giao con thoi” lần lượt đến Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản trong vỏn vẹn 4 ngày chính là nhằm khẳng định Washington đã sẵn sàng hành động để giải quyết “rốt ráo” lời hứa phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, đồng thời cho thấy sự thừa nhận của chính quyền Mỹ về vai trò quan trọng của các quốc gia trong khu vực trên bàn đàm phán với Bình Nhưỡng.

Bởi, ai cũng hiểu rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Bình Nhưỡng thực hiện cam kết phi hạt nhân mà nước này đã đưa ra trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở Singapore ngày 12-6 vừa qua.

Điều đó đã lý giải cho sự thay đổi thái độ và chủ trương thiên về ngoại giao của phái đoàn do ông James Mattis dẫn đầu trong cuộc hành quân đến Trung Quốc. Hơn ai hết, người đứng đầu Lầu Năm Góc thừa hiểu rằng, trong tình thế hiện tại, sự có mặt của ông ở Bắc Kinh không được trở thành nhân tố khuấy động “giếng nước” vốn đã chẳng mấy trong lành. Trái lại, điều mà nước Mỹ cần lúc này là Trung Quốc sẽ đóng vai trò lớn hơn trong quá trình vừa gây sức ép, vừa “mặc cả” để đưa Triều Tiên tới con đường từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Nếu quả đúng như vậy thì “nhà ngoại giao con thoi James Mattis” đã phần nào “tròn vai” trong điểm đến đầu tiên. Những phát biểu và đánh giá của tích cực mà các lãnh đạo của Trung Quốc đưa ra trong các cuộc gặp vừa qua với ông James Mattis dường như đã cho thấy hiện tại, cả hai cường quốc này đều muốn ưu tiên giải quyết vấn đề Triều Tiên hơn các vấn đề khác.

Trọng trách của Bộ trưởng James Mattis trong chuyến đi tiếp đó tới Hàn Quốc và Nhật Bản cũng không hề nhỏ, bởi ngoài các nội dung thảo luận liên quan tới tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên, có lẽ ông còn mang theo một mục tiêu lớn: Phải trấn an các đồng minh! Thực tế cho thấy, những bước tiến dài trong quan hệ Mỹ-Triều và việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định ngừng cuộc tập trận chung thường niên Mỹ-Hàn mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi” không chỉ khiến Nhật Bản và Hàn Quốc lo ngại về nguy cơ suy giảm mức độ răn đe đối với Triều Tiên, mà còn dẫn tới tâm lý hoài nghi về tính bền vững trong các cam kết an ninh của Mỹ đối với các đồng minh truyền thống. Và mục tiêu ấy cũng đã được ông James Mattis hoàn thành, khi trong các cuộc gặp với những người đồng cấp của Nhật Bản và Hàn Quốc, ông đều khẳng định chắn chắn rằng Mỹ vẫn coi hai quốc gia này là đồng minh tin cậy tại Đông Bắc Á, là “hòn đá tảng” trong chính sách an ninh của Washington tại khu vực.

Chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis diễn ra có vẻ khá chóng vánh, nhưng cũng đủ cho thấy sự chuyển hướng quan trọng của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc, từ “đối thủ cạnh tranh chiến lược” sang “đối tác có thể tìm kiếm lợi ích chung”, dù có thể sự thay đổi đó chỉ mang tính chất thời điểm. Bên cạnh đó, động thái mang tính ngoại giao ấy được dự báo sẽ mở đầu cho một quá trình định hình lại chiến lược an ninh ở khu vực Đông Bắc Á. Bởi trong trường hợp Triều Tiên từ bỏ năng lực vũ khí hạt nhân, liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn có thể sẽ phải xem xét thay đổi trọng tâm trong chiến lược an ninh-quốc phòng của mình.

Nhưng trước hết, dư luận chờ đợi “những bước đi con thoi” vừa qua của ông James Mattis sẽ trở thành một “cú huých” để thúc đẩy các cuộc đàm phán sâu hơn về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, đồng thời chứng tỏ rằng, các biện pháp ngoại giao đang đem lại hiệu quả và giữ vai trò chủ đạo trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới an ninh tại khu vực Đông Bắc Á.

VŨ HÙNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/chuyen-di-cho-day-thong-diep-542893