Chuyến đi chữa lành vết thương

Cô bạn ngồi trước mặt tôi kể: 'Khi anh nói lời chia tay, tôi cảm thấy mình mất tất cả. Tôi không thể làm được gì nữa và nước mắt không ngừng rơi. Tôi quyết định mình phải đi một nơi nào đó.'

Đó là nguyên nhân của nhiều chuyến đi trong đời. Truyền thông hiện đại đóng dấu lên cuộc hành trình như liệu pháp chữa lành tất cả vết thương. Nếu thất tình, hãy đến Bali. Nếu muốn nổi loạn, hãy sang Thái Lan. Nếu lãng mạn yêu đương, hãy về Paris để nắm tay nhau. Nếu đi tìm chính mình, hãy thực hiện hành trình nước Mỹ.

Người du hành gói ghém vào balo những vết thương, sự hư hao tâm hồn, những câu hỏi không thể tìm lời giải đáp. Và họ lên đường.

Ngồi trong văn phòng ở Sài Gòn, ta mơ về biển vắng ở Maldives. Đứng trong mưa nhận ra mình bị người thương từ chối, ta tưởng nếu trèo lên xe máy và bạt mạng phóng lên Đà Lạt, vết thương sẽ bớt đau. Chuyến đi là biểu tượng vật lý cho những hành động không thể cắt nghĩa trong đời sống thường ngày quá quen thuộc.

Lời tô vẽ màu sắc về tiện nghi của chuyến đi: rút bản thân mình khỏi ổ cắm của sự nhàm chán, rời khỏi bức tường xám xịt trong ngôi nhà quen thuộc.

Ngoài kia thế giới rộng lớn, tươi tắn và hào hứng bao nhiêu. Tôi từng gặp những cô gái đến Luang Prabang sống để “tìm lại bình an trong tâm hồn” mà cô nghĩ mình đã mất trong đời sống hàng ngày.

Chuyện lên đường được định nghĩa như một tôn giáo. Và tín đồ nồng nhiệt bơi trong vùng nước của sự lấp lánh, tin rằng có thể mở được cánh cửa nào đó giữa cuộc đời rối ren bằng một loại chìa khóa duy nhất: rời khỏi mái nhà.

Nhưng đời sống thường nhật không buông tha ai cả. Dù có đứng giữa Shinjuku ngập tràn ánh điện và hàng ngàn người qua đường xa lạ, ta vẫn không thể trả lời câu hỏi vì sao tình yêu kết thúc, nếu không dành tâm trí quay về những tranh cãi đầy tổn thương giữa tháng ngày yêu nhau.

Dù đang đứng trên đỉnh ngọn sóng trong buổi chiều lướt ván ngoài Bali, ta vẫn không thể trả lời câu hỏi mình là ai, nếu không chiêm nghiệm lại những dòng chảy đã tấp vào và tạo nên nhân cách của mình.

Ta không thể đánh tráo sự thất bại công việc bằng một chuyến leo lên đỉnh Lang Biang khi chiều muộn sụp tắt. Không thể lấp liếm cho qua mâu thuẫn gia đình kéo dài nhiều tháng năm chỉ bằng cách hờn dỗi vào mặt mẹ và chạy xe thật nhanh ra Vũng Tàu.

Cơn hưng phấn của chuyến đi được tô vẽ như hào quang tuổi trẻ. Cuống quýt. Đam mê. Nồng nhiệt. Đầy sắc màu. Với điểm cộng là có thể trả lời tất cả sự bối rối đang lan ra trong lồng ngực và xâu xé tâm trí. Hãy gọi nó bằng tên khác: chạy trốn.

Sau buổi bình minh mát rượi trong một cái homestay đẹp lung linh ở lưng đồi Đà Lạt, ta phải trở về nhà và đối diện với việc từ nay mình lại là kẻ độc thân và tự xoay sở với cuộc đời trước mặt.

Trước cuộc phản bội tình yêu đắng đót, ta vội bay tới Bali với quyển Ăn, cầu nguyện, yêu trong tay, mong chữa lành vết thương như người viết nên quyển sách. Nhưng khung cảnh của tình yêu tan vỡ trong tim ta hoàn toàn không giống với người phụ nữ trong sách.

Ngày trở về, đôi lần ta nhận ra “biểu tượng” ra đi chữa lành vết thương chỉ là vỏ ngoài của sự tự trấn an. Tình yêu không kịp bớt đau sau chuyến đi.

Sau chuyến lang thang ba tháng trời, ta trở về nhà với câu trả lời: “Mình chưa biết làm nghề gì cả” - dù ban đầu chuyến đi được tạo thành vì ta muốn tìm kiếm mục đích sống tương lai.

Sau cuộc chinh phục hàng ngàn kilômet qua nhấp nhô hai đầu dãy Trường Sơn, ta đứng trước cửa nhà, nhận ra thay vì đối mặt với tình huống bi đát của công việc khi rời bỏ, ta chạy trốn quá nhanh đến mức khi trở về phải cố nhớ lại điều gì đã xảy ra.

Trong hàng ngàn năm, con người đã du hành khắp hành tinh để đi tìm định nghĩa về chính mình. Nhà thám hiểm tìm ra châu Mỹ. Người đi bộ giữa Nam Cực. Những người bỏ mạng để nhìn thấy đỉnh Everest.

Người từ bỏ văn minh để ngắm nhìn dòng Amazon sôi nổi xanh rực ở Nam Mỹ. Cuộc chinh phục không bao giờ ngừng lại vì con người luôn tự hỏi về sự tồn sinh của mình giữa thiên nhiên bất tận họ không bao giờ thấu hiểu nổi.

Đến thời kỹ thuật số, chuyến đi trở thành mốt thời trang, như tấm huy hiệu hào hứng trên ngực, chứng tỏ ta tự do hơn những kẻ khác quanh mình. Chuyến đi được định nghĩa dễ dàng hơn nhờ công cụ đặt khách sạn, đặt vé máy bay, cẩm nang hướng dẫn, bản đồ kỹ thuật số.

Quá dễ dàng đến mức, ra đi trở thành lời hiệu triệu bức thiết với bất kỳ ai có trên tay chiếc điện thoại di động và ước mình có thể “tìm ra bản thân” khi chụp hình trên mỏm núi cheo leo ở Thụy Sĩ hay “nhận diện hạnh phúc” bằng tour du lịch đến Bhutan.

“Rời khỏi vùng an toàn” là anh hùng. Đặt ra những hành trình không tưởng là chọn lựa đánh đổi danh dự để kiếm tìm sự nổi tiếng. Hiền hòa và nhu mì hơn, những quyển sách và tour du lịch cảm xúc được “đo ni đóng giày” cho những người muốn tìm điều gì đó không thể thu hoạch được trong đời sống hàng ngày đơn điệu.

Có lần đứng giữa những chiếc sọ người ngoác miệng cười trưng trong lồng kính ở Cánh đồng Chết tại Campuchia, tôi nhìn thấy hai cô gái Hàn Quốc chỉnh trang áo váy và chụp ảnh selfie với mấy cái đầu sau lưng. Phải mất rất lâu để tạo dáng. Hai cô trang điểm rực rỡ và má đỏ hồng vì trời hơi nắng.

Ảnh: L.G.

Ở tuổi thanh niên đầy rực rỡ, họ thực hiện những chuyến đi khám phá thế giới đầy hào hứng và nồng nhiệt. Thế giới này khác họ. Những cái sọ người sống cuộc đời không giống với bất kỳ ai đang nhìn họ. Thật kỳ lạ khi những phần tương phản đó của sự sống va chạm vào nhau, tạo nên một sắp đặt kỳ quặc đến khó hiểu.

Hai cô ấy thấy gì vui bên cạnh những chiếc sọ người? Những thi thể đã chết, họ nghĩ gì về thế giới hiện đại đang tràn đến mỗi ngày thầm thì và tò mò về họ? - Ai sẽ tìm kiếm được câu trả lời cho bất cứ điều gì về sắp đặt lạ lùng và khó hiểu đó của cách du hành trong thời hiện đại đang tạo ra?

Nếu không thể tìm được câu trả lời cho sự bất an ngay giữa đời sống của mình, ta sẽ không thể tìm ra thêm gì cả nếu chạy trốn đến Ấn Độ xa xôi. Nếu không thể làm hòa với đổ vỡ tình yêu, ta cũng chẳng thể giải thích nó bằng một buổi chiều đi dạo trên bờ biển nào đó ở Bali.

Chuyến đi hay kỳ nghỉ sẽ kết thúc. Con người quay trở về chiếc hộp đời sống gói ghém họ mỗi ngày. Ở nơi đó, trong bốn bức tường của vô vàn tương tác, ta hãy ngồi thật yên, nhìn rõ những gì xảy ra, hành động vì trái tim muốn bày tỏ, và xử lý những vũng lầy đã nhấn ta xuống trong những ngày tồi tệ nhất.

Chuyến đi là bàn tay vỗ về xoa dịu, như tự nó không làm tan biến ngày mưa bão. Hành trình là cuộc tạm nghỉ ngơi để ta thở và tiếp tục quay lại cuộc đua mà mình bỏ dở đâu đó.

Sự đối mặt – chính là điều mỗi chuyến đi dạy cho con người. Những nhà du hành vĩ đại nhất, đã đối mặt với tất cả sự kỳ diệu, điên cuồng và dữ dội trước thiên nhiên và thế giới, để quay trở về và kể cho hậu thế nghe về châu Mỹ, về châu Á, về thổ dân Úc, về Nam Cực...

Con người mang tâm trí là tinh cầu vĩnh cửu rộng lớn.

Tại sao không bắt đầu chuyến đi của ta từ chính nó?

Khải Đơn

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/21githang__-chuyen-di-chua-lanh-vet-thuong-487835/