Chuyện đi tắm ở xứ Phù tang

Ngồi trong bể tắm nước nóng lộ thiên ở các lữ quán kín đáo được người bản địa gọi là Bí thang (Hitou) với bộ dạng khỏa thân, tận hưởng từng giây phút chậm trôi trong thư giãn, thanh thản lạ lùng… đấy chỉ là chút trải nghiệm của môn tắm nước khoáng nóng (onsen) của Nhật Bản, một nét văn hóa đặc biệt đáng để khám phá trong những chuyến du ngoạn xứ Phù tang.

Nếu mỗi tuần được trải nghiệm chỉ một onsen ở Nhật, cần đến hơn 40 năm mới có thể đi hết! Con số tổng kết thú vị và cũng đầy thách thức cho những tín đồ onsen ấy dẫn tôi vào một chuỗi hành trình qua miền onsen đầy kỳ thú của Nhật Bản. Từ điểm khởi đầu ở cực Bắc là Mombetsu đến Shikotsu (Hokkaido) xuôi về phương Nam qua vùng Tohoku, xuống Kanto, Chubu rồi Chugoku… đều là miền “thiên đường” onsen đầy hấp dẫn, không chỉ đẹp bởi phong cảnh ngoạn mục, nguồn nước giàu khoáng chất, mà còn đậm đặc với những chuyện kể liên quan đến lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng trong thú vui tắm táp onsen của cư dân xứ mặt trời mọc.

Onsen - một khám phá kỳ diệu

Nằm trên vành đai núi lửa của Thái Bình Dương, với vô số các núi lửa đang hoạt động từng giờ, những khắc nghiệt và tiềm ẩn nguy hại về thiên tai ấy ở góc độ khác lại là nguồn cung cấp mỏ nước khoáng nóng vô tận của Nhật Bản. Thú vui tắm onsen từ ngàn xưa đã gắn chặt với đời sống người Nhật. Lịch sử ghi lại Dogo onsen ở Matsuyama thuộc vùng Shikoku đã có hơn 3.000 năm tồn tại.

Phòng tắm lộ thiên ở lữ quán Fukujyu Sou

Thế nhưng, điều thú vị là bộ môn tắm onsen lại do chính những thợ săn phát hiện. Khi đuổi theo con thú bị thương, thợ săn phát hiện chúng thường tìm đến các hồ nước khoáng nóng, trầm mình vào đó để vết thương mau lành. Ở góc độ tín ngưỡng, với tôn giáo chính là thần đạo thờ hơn 8 triệu vị thần, người Nhật quan niệm mỗi dòng sông, con suối, tảng đá, rừng xanh, nguồn nước... đều là các vị thần và rất nhiều muông thú trong thiên nhiên chính là hiện thân, là sứ giả của các thần. Do vậy việc thợ săn cổ xưa theo dấu muông thú và phát hiện cách chữa thương nơi nguồn nước khoáng nóng, chính là dấu chỉ thần thánh ban tặng nguồn nước thiêng cho con người. Thế nên khi bước vào các onsen của Nhật, nhiều nơi trang trí hình tượng gấu hoặc cò trắng, không phải cho vui mắt, mà nhằm tôn vinh các loài động vật đã giúp con người tìm ra nguồn nước khoáng nóng ấy.

Chủ nhân đời thứ bảy mỗi sáng pha trà đãi khách ở lữ quán Sanjiro

Từ khi Phật giáo du nhập vào Nhật năm 552, văn hóa tắm onsen càng phổ biến bởi trong nghi thức tôn giáo có nghi lễ tắm nước khoáng nóng thanh tẩy thân xác. Các nhà sư danh tiếng như Kobo Daishi, Ippen Shonin, hay Gyoki đều thiết lập các onsen phục vụ tín ngưỡng với niềm tin nguồn nước thanh tẩy ấy do Trời Phật ban tặng. Khi được đắm mình trong làn nước khoáng nóng, bụi trần được thanh tẩy, tinh thần thoải mái, từ đó ý hướng tốt đẹp của thần Phật dễ dàng được cảm thụ và lan tỏa.

Thần dược onsen

Có ít nhất hai địa danh trên thế giới người ta khẳng định rằng có thể chữa mọi thứ bệnh tật trên đời, trừ bệnh... tương tư: một là hiệu thuốc nơi phố cổ Lucerne (Thụy Sĩ) với câu châm ngôn danh tiếng ra đời năm 1530 “Amor Medicabilis Nuliis Herbis” (không có loại thuốc nào chữa được bệnh tương tư); nơi còn lại là thị trấn Kusatsu ở tỉnh Gunma, thuộc vùng Kanto của Nhật Bản - được mệnh danh là “đệ nhất onsen” xứ Phù tang.

Nguồn nước khoáng nóng lộ thiên ở “cánh đồng nước khoáng nóng” Yubatake ngay trung tâm thị trấn Kusatsu, cung cấp lưu lượng trung bình hơn 4.000 lít nước khoáng trong một phút với nhiệt độ lên đến 94oC, chảy vào bảy máng nước gỗ thông dài hơn 40m nhằm giúp nguồn nước giảm nhiệt độ trước khi đưa đến hơn 200 onsen khắp thị trấn Kusatsu. Nguồn nước đậm khoáng chất lưu huỳnh, axit, cùng các kim loại nặng như nhôm, sắt, đồng... bốc hơi bám vào vách đá, tạo thành nhũ được gọi là hoa nước khoáng nóng (Yu no hana) - một loại muối thiên nhiên tốt cho việc chữa trị các bệnh ngoài da, thấp khớp, tim mạch... Tương truyền tướng quân Minamoto Yoritomo thời Mạc phủ Kamakura (1192 - 1333) đã đến tịnh dưỡng tại nguồn suối khoáng nóng Yubatake năm 1193. Kể từ sau đó, giới võ sĩ đạo toàn vùng đều tìm đến Kusatsu để dưỡng thương và nghỉ ngơi sau những trận chiến khốc liệt.

Mỏ nước khoáng nóng lộ thiên Yubatake cung cấp lưu lượng trung bình 4.000 lít/phút

Còn ở vùng Tohoku, một địa chỉ đỏ cho người yêu onsen là lữ quán (Ryokan) Sanjiro dưới chân núi Zao hùng vĩ. Lữ quán này đã truyền đến đời thứ bảy cũng với một không gian đồng nhất, ấm cúng, cổ xưa, thân thiện và gần gũi. Điểm hấp dẫn ở Sanjiro là khu vực tắm lộ thiên (rotenburo) với góc nhìn toàn cảnh rặng núi Zao phía trước mặt. Một chi tiết thú vị khác trong những ngày lưu trú ở Sanjiro chính là nghi thức trà đạo được chủ nhân Sanjiro mỗi sáng thiết khách tại trà thất của lữ quán, gợi về một không gian sống thuần khiết, thanh tịnh theo kiểu Nhật từ trăm năm qua.

Qua vùng Chubu, nơi tọa lạc của đỉnh Phú Sĩ huyền thoại, lại là cơ hội để tận hưởng một onsen độc nhất ở Nhật Bản, với nguồn nước từ rượu vang đặc hữu của tỉnh Yamanashi ở onsen Hatta. Ở tỉnh Mie nơi tận cùng phía nam vùng Chubu, một onsen danh tiếng khác là Fukujyu Sou trong vịnh biển Muaya cũng là nơi khiến lữ khách ngây ngất sau khi tắm với cảm giác làn da mềm như trẻ thơ nhờ nguồn nước khoáng lấy trực tiếp từ độ sâu hơn 3.000m dưới lòng đất chứa đầy kiềm và natri carbonat, được gọi là “ẩm tuyền” (insen) tức có thể uống được, đặc biệt là tính năng loại bỏ các tế bào da bị lão hóa nên còn được mệnh danh là “nguồn nước cho một làn da đẹp”.

Điểm đặc biệt của Bokoro là phòng tắm lộ thiên trên mặt hồ Togo

Xuống đến vùng Chugoku, lữ quán Bokoro ở tỉnh Tottori sở hữu một vị trí đặc biệt khi các phòng tắm lộ thiên được thiết kế nổi trên mặt hồ Togo, nơi lữ khách đắm mình trong làn nước khoáng nóng và tận hưởng một vùng thiên nhiên mở ra trước mắt, với phía xa là núi Daisen trùng điệp. Điểm chung của các lữ quán xứ Phù tang ngoài góc độ đặc biệt từ nguồn nước onsen, còn là nơi trình diễn phong vị ẩm thực theo mùa, theo vùng của Nhật, để từng ngày được trải nghiệm onsen, luôn là từng phút giây đáng nhớ của đời người.

Tắm onsen ở Nhật, không chỉ là chuyện tắm táp thông thường, mà còn là “tắm” cả một vùng trời văn hóa.

Bài và ảnh: Nguyễn Đình

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/chuyen-di-tam-o-xu-phu-tang-16069.html