Chuyển dịch cơ cấu giống lúa theo hướng tăng năng suất chất lượng

Những năm gần đây, cơ cấu giống lúa được sản xuất tại Hà Nội đang dịch chuyển theo hướng vừa tăng năng suất vừa tăng chất lượng, các giống lúa chất lượng cao đang dần chiếm ưu thế, góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa.

Báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội về kết quả rà soát phát triển sản xuất lúa gạo gắn với Chương trình mục tiêu “Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định cuộc sống dân cư” năm 2018 cho thấy, những năm gần đây, cơ cấu giống lúa được sản xuất tại Hà Nội đang dịch chuyển theo hướng vừa tăng năng suất vừa tăng chất lượng.

 Hà Nội đang chuyển dịch cơ cấu giống lúa theo hướng tăng năng suất chất lượng (Ảnh: PNN)

Hà Nội đang chuyển dịch cơ cấu giống lúa theo hướng tăng năng suất chất lượng (Ảnh: PNN)

Các giống lúa chất lượng cao đang dần chiếm ưu thế, góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa bình quân từ 10 - 12 triệu đồng/ha. Năm 2018, diện tích lúa chất lượng cao của thành phố đạt 52,1% tổng diện tích, năng suất lúa chất lượng cao bình quân đạt 54 - 60 tạ/ha. Trong đó, nhiều huyện có diện tích lúa chất lượng cao lớn và ổn định như: Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thường Tín...

Thành phố Hà Nội cũng đang mở rộng một số mô hình sản xuất các giống lúa chất lượng, cao đảm bảo chất lượng sản phẩm sạch, an toàn, bảo vệ môi trường có khả năng chinh phục thị trường xuất khẩu như: Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản xuất giống lúa J02 tại huyện Ứng Hòa và Chương Mỹ, mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại huyện Chương Mỹ…

Cạnh đó, trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa gạo chuyên canh tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Duy trì được 154 cánh đồng có diện tích lớn, tập trung sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô trên 100ha tại 86 hợp tác xã nông nghiệp của 14 huyện, giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống từ 25%-30%.

Trên địa bàn thành phố đã hình thành được một số mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ gạo chất lượng cao tại các vùng sản xuất gạo theo hướng hàng hóa như: Mô hình tiêu thụ gạo chất lượng cao giữa một số vùng sản xuất gạo tại huyện Mỹ Đức và Thanh Oai với Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh, Công ty cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam; Mô hình liên kết tiêu thụ gạo hữu cơ Đồng Phú giữa Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) và Công ty cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam...

Ngoài ra, Hà Nội đã có một số nhãn hiệu lúa gạo bước đầu có uy tín trên thị trường như: Nếp cái hoa vàng Sóc Sơn, Gạo Bồ Nâu, Gạo thơm Bối Khê, Gạo hữu cơ Đồng Phú - Chương Mỹ...

Khi sản phẩm có nhãn hiệu, giá trị sản phẩm được tăng lên từ 1,2 đến 1,3 lần, góp phần phát triển bền vững các vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao và từng bước nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Hiện sản lượng gạo của Hà Nội đã đáp ứng 40% nhu cầu của người tiêu dùng. Trong đó: Có 60% gạo được tiêu thụ làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm bún, bánh, rượu, chăn nuôi,... 40% sản lượng còn lại phục vụ nhu cầu của người dân là gạo chất lượng cao, được bán chủ yếu qua thương lái, một phần đưa vào các chuỗi, siêu thị.

Mạnh Quân

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chuyen-dich-co-cau-giong-lua-theo-huong-tang-nang-suat-chat-luong-93764.html