Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Sông Công

Thời gian qua, TP. Sông Công đã tập trung phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ.

TP. Sông Công hiện có khoảng 120 nghìn lao động, trong đó trên 85% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ.

Thời gian qua, TP. Sông Công tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư. Trong đó, thành phố dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông huyết mạch, xây mới và nâng cấp hệ thống giao thông đô thị; xây dựng các khu dân cư, khu đô thị mới; phát triển mạng lưới đô thị và điểm dân cư tập trung, các khu trung tâm hành chính xã, phường ngày càng khang trang, hiện đại...

Theo đồng chí Vũ Duy Nghĩa, Chủ tịch UBND TP. Sông Công: Ngay từ khi mới thành lập, thành phố đã được xác định là đô thị công nghiệp của tỉnh. Do đó, cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, địa phương cũng tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp. Qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tìm hiểu, nghiên cứu và triển khai các dự án đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh trên địa bàn.

Trong định hướng phát triển công nghiệp, TP. Sông Công chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao. Ngành công nghiệp hỗ trợ đã bước đầu được hình thành và phát triển trên địa bàn, tạo mối liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhờ đẩy mạnh thu hút đầu tư, đến nay trên địa bàn thành phố đã có 2 khu công nghiệp tập trung và 5 cụm công nghiệp (trong đó 4 cụm công nghiệp đã có nhà đầu tư hạ tầng); hơn 500 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực.

Hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn TP. Sông Công có bước phát triển mạnh, với sự có mặt của nhiều siêu thị, doanh nghiệp bán lẻ lớn.

Ông Hoàng Văn Minh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP. Sông Công, cho hay: Thời gian qua, khối các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng khá; các doanh nghiệp dân doanh đang phục hồi tích cực và tăng trưởng; một số nhà máy có vốn đầu tư lớn đã hoàn thành việc xây dựng và đi vào sản xuất. Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố được duy trì ổn định và có mức tăng trưởng khá.

Tính đến hết tháng 7/2023, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP. Sông Công ước đạt trên 5.600 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp địa phương ước đạt 3.197 tỷ đồng, tăng 19,4%.

Cùng với công nghiệp, hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn TP. Sông Công trong những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ. Hiện, thành phố có 8 chợ, với gần 1.200 hộ kinh doanh; 2 siêu thị; khoảng 4.000 cơ sở, đại lý bán lẻ; 40 cơ sở kinh doanh vận tải; trên 50 khách sạn, nhà hàng ăn uống…

Trong lộ trình phát triển thương mại - dịch vụ, TP. Sông Công đã quy hoạch sắp xếp, nâng cấp các chợ truyền thống; xây dựng và đưa vào hoạt động các tổ hợp dịch vụ và trung tâm thương mại như: Tổ hợp dịch vụ tổ 7, 8 phường Mỏ Chè; nâng cấp mở rộng Trung tâm thương mại thành phố; thu hút đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại - nhà ở Shophouse Sông Công, Trung tâm thương mại Phố Cò... Đây là những trung tâm thương mại lớn, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Ngoài ra, các dịch vụ về tín dụng ngân hàng, bưu chính viễn thông, vận tải, điện, nước, bảo hiểm tiếp tục được TP. Sông Công đầu tư nâng cấp và mở rộng. Đồng thời, tập trung khai thác lợi thế cảnh quan hồ Ghềnh Chè, 2 bên bờ sông Công, các điểm di tích lịch sử, làng nghề chè truyền thống nhằm phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch trải nghiệm.

Ông Lê Văn Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè, chia sẻ: Sau khi hồ Ghềnh Chè được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng vào tháng 7/2023, Hợp tác xã đã bắt tay ngay vào việc chỉnh trang, đầu tư cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Đến nay, đơn vị đã xây dựng được 4 cơ sở phục vụ ăn uống và lưu trú; có 7 phương tiện đường thủy đủ điều kiện hoạt động. Hàng năm, Hợp tác xã đón trên 15.000 lượt khách du lịch ở trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm hồ Ghềnh Chè.

Từ định hướng đúng đắn cùng với những giải pháp phù hợp, diện mạo đô thị TP. Sông Công ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng lên. Nếu như năm 2021, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trên địa bàn thành phố chiếm 59,8%; thương mại - dịch vụ chiếm 30,8%; nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 9,3%, thì đến nay tỷ trọng các ngành lần lượt là 75,4%, 17,4% và 7,2%.

Sự thay đổi này cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Trong tổng số khoảng 120 nghìn lao động trên địa bàn, có trên 85% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ; thu nhập bình quân của người dân TP. Sông Công hiện đạt 70 triệu đồng/người/năm...

Những kết quả nêu trên đã góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và củng cố vững chắc tiềm lực phát triển kinh tế - xã hội, để TP. Sông Công hoàn thành mục tiêu nâng cấp trở thành đô thị loại II trong tương lai gần.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202308/chuyen-dich-co-cau-kinh-te-o-song-cong-230713b/