Chuyện đời cảm động của nam thanh niên nhường sự sống cho người khác được truy tặng liệt sĩ

Trần Hữu Hiệp (SN 1988), người đã nhường áo phao cho một phụ nữ, để rồi mình trở thành một trong 9 nạn nhân trong vụ chìm tàu kinh hoàng trên vùng biển Cần Giờ (TP HCM) vào tháng 8/2013 vừa được Nhà nước truy tặng liệt sĩ. Hành động dũng cảm của chàng trai 8X trong lúc đối mặt giữa ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết đã được ghi nhận.

Di ảnh liệt sĩ Trần Hữu Hiệp.

Tuy vậy, không phải đợi đến hôm nay, khi đã được vinh danh liệt sĩ, Trần Hữu Hiệp mới được nhắc đến mà trong suốt thời gian qua kể từ khi anh ra đi, hình tượng người thanh niên sống đẹp đã được các thế hệ, đặc biệt là lớp trẻ ngày nay, kính cẩn nghiêng mình nhỏ lệ khóc thương, thán phục.

Ngày 8/2/2014, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Huyện đoàn Thạch Thành và UBND xã Thạch Long tổ chức công bố giấy báo tử, quyết định công nhận liệt sĩ và trao bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Trần Hữu Hiệp vì đã có hành động cứu người trong cơn hoạn nạn. Trước đó, vụ tai nạn chìm ca nô H29- BP trên vùng biển Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) tối 2/8/2013 làm 9 người thiệt mạng. Trong lúc nguy nan anh Hiệp đã có hành động dũng cảm giúp nhiều người đồng thời cởi áo phao của mình để nhường cho một người khác không có ao phao khi ca nô bị chìm. Nghĩa cử cao đẹp này đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Dũng cảm của Chủ tịch nước, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển giao thông vận tải Việt Nam” của Bộ Giao thông vận tải, Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” của Trung ương Đoàn và “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp chữ thập đỏ Việt Nam”. Tuổi trẻ Thanh Hóa cũng đã phát động phong trào noi gương, học tập tấm gương đoàn viên Trần Hữu Hiệp, sống đẹp, sống có ích cho toàn xã hội.

Chuyến tàu định mệnh

Chiều 2/8/2013, để thưởng cho cán bộ công nhân viên của mình một chuyến picnic dã ngoại sau thời gian làm việc vất vả, lãnh đạo Công ty CP Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam (PV Pipe), trụ sở đóng tại huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), đã quyết định đài thọ cho 66 người xuất sắc nhất chuyến du lịch biển Vũng Tàu, kết hợp đi chúc mừng đám cưới của một đồng nghiệp tại đây. Đoàn dã ngoại đã quyết định chọn phương án đi bằng ca nô để rút ngắn hành trình, thay bằng đi bằng xe ôtô của công ty. Do vậy, ba chiếc ca nô được điều động để chở đoàn hành trình, mọi người cũng vì quá háo hức mà không một ai mảy may chú ý đến bản tin thời tiết phát liên tục trong ngày báo hiệu bão số 5 đang tiến vào đất liền, và biển Cần Giờ nơi hành trình phải đi qua nằm trong vùng ảnh hưởng, cơ quan chức năng đã khuyến cáo tàu thuyền không nên ra khơi.

Trong khi hai chiếc ca nô khác đang tiếp nhiên liệu thì ca nô H29 BP đã tiên phong rẽ sóng ra khơi. Có tất cả 28 hành khách cùng với hai lái tàu lên chuyến đi định mệnh này. 30 phút sau khi khởi hành cũng là lúc tàu ra đến biển, lúc này gió đã lớn, sóng đánh từng hồi khiến chiếc ca nô nhỏ chòng chành, nghiêng ngả. Những người có mặt trên ca nô đã có những dự cảm chẳng lành nên 10 áo phao nhanh chóng được phát và ưu tiên cho phụ nữ. 19 giờ cùng ngày, khi tàu vừa đến biển Cần Giờ thì bất ngờ một đợt sóng lớn ập đến, làm nước tràn vào tàu khiến nó bị lật úp, hất văng tất cả những người có mặt trên ca nô xuống biển.

Trao Bằng khen cho thân nhân Trần Hữu Hiệp.

Trong hoàn cảnh đó, mọi liên lạc với đất liền gần như bị cô lập, 30 con người nhanh chóng bám lấy nhau, lấy xác ca nô đắm làm tiêu, bám trụ, giúp đỡ nhau vượt qua cơn hiểm nguy giữa muôn trùng sóng dữ. Tuy vậy, trời càng về khuya càng lạnh, mưa to, gió lớn khiến những đợt sóng khổng lồ càng ngày đánh càng lớn, khiến cho sức chống chọi của những con người giữa biển nước ngày một yếu dần. Nhiều người đã bất lực buông tay. Trong hoàn cảnh đó, Trần Hữu Hiệp không chỉ gắng bám trụ để giữ mạng sống mà còn ra sức quan tâm, giúp đỡ những đồng nghiệp của mình, đặc biệt là chị em phụ nữ.

Chị Phạm Thị Thu (SN 1991), nhân viên y tế của Công ty PV Pipe, một trong những người may mắn sống sót kể lại, trong thời khắc đối diện giữa sự sống và cái chết ấy, Hiệp đã nhiều lần cứu giúp chị em khi họ bị sóng đánh hất ra khỏi mạn thuyền. Mỗi lần có ai đó bị rời tay, Hiệp lại lao ra kéo trở lại và không quên động viên mọi người cố gắng. Riêng bản thân chị Thu, có ít nhất 5 lần chị buông tay và được Hiệp lôi kéo trở lại. Đến lúc thấy một chị trong cơ quan mệt lả, Trần Hữu Hiệp đã không ngần ngại cởi phăng áo phao của mình trao cho chị này. Cứ như thế, chống chọi được khoảng 1 giờ đồng hồ, do đói và hoạt động quá nhiều, Hiệp bị choáng, nôn rồi kiệt sức và buông tay chìm dần. Mọi người hốt hoảng cùng nhau tìm cách cứu Hiệp nhưng nỗ lực bất thành. Cứ như thế, suốt 6 tiếng vật lộn với thủy thần, đã có 9 người trong chuyến hành trình định mệnh vĩnh viễn ra đi, trước khi con tàu bị nạn được phát hiện.

Chuyện đời cảm động của liệt sĩ Trần Hữu Hiệp

Được biết, trong số 9 nạn nhân gặp nạn trên biển Cần Giờ hôm đó, phần lớn đều là những người còn rất trẻ. Người ít tuổi nhất mới tròn đôi mươi, cô gái trẻ từng được coi là hoa khôi của làng chài Vàm Láng Nguyễn Thị Kim Hoàng, một ngôi làng ngay phía sau Công ty PV Pipe. Kỹ sư Hoàng Trung Biên, Hà Tiến Sơn, Cao Hà Phương Khanh… đều tuổi đời còn rất trẻ, nhiều trong số họ vừa là trụ cột, vừa là niềm tự hào của gia đình. Trong cuộc chiến vật lộn không cân sức với thủy thần, họ đã ra đi để nhường sự sống lại cho đồng nghiệp. Sự ra đi nào cũng để lại sự tiếc thương vô hạn, cũng như sự hi sinh anh dũng của liệt sĩ Trần Hữu Hiệp đã để lại khoảng trống không dễ gì khỏa lấp trong lòng những người ở lại, đặc biệt là những người thân trong gia đình.

Trần Hữu Hiệp là con út của ông Trần Hữu Trọng (SN 1957) và bà Nguyễn Thị Thìn (SN 1960), trú xã Thạch Long, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Hóa chất Phú Thọ, anh Hiệp có ý định làm việc tại Hà Nội nhưng được một thời gian thì công việc bấp bênh, anh đã vào Đà Nẵng lập nghiệp. Đến đầu năm 2011, Hiệp đến Tiền Giang xin vào làm việc tại Công ty CP Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam .

Theo lời ông Trọng - bố anh Hiệp thì mặc dù thanh niên, mới đi làm nhưng Hiệp rất tiết kiệm, không ăn tiêu phung phí mà biết cách chắt bóp tiền bạc gửi về cho bố mẹ. Thường ngày, Hiệp là một người con có hiếu, luôn lễ phép với bố mẹ và mọi người xung quanh. Đặc biệt, Hiệp được đánh giá là người hay giúp đỡ người khác, nhiều lần anh đã dũng cảm cứu người mà không ngại đến mạng sống của bản thân.

Lần mới đây là khi Hiệp đang học lớp 12, trên đường đi học về Hiệp phát hiện ra hai em nhỏ trượt chân đang chới với giữa dòng nước. Không kịp suy nghĩ, anh đã vứt xe đạp, mặc nguyên bộ đồng phục lao xuống cứu sống hai em nhỏ. Hành động dũng cảm đó được mọi người khen ngợi mãi. Ông Lê Đức Thủy (SN 1956), Xóm trưởng xóm 4 xã Thạch Long, nơi gia đình liệt sĩ Trần Hữu Hiệp sinh sống cho biết, từ trước đến nay Hiệp luôn là một đứa trẻ ngoan, sau này khi đi học thành đạt và lập nghiệp xa, thi thoảng về quê anh luôn quan tâm đến cuộc sống của mọi người xung quanh. Mỗi lần về thăm nhà, Hiệp thường mang cho lũ trẻ quanh xóm rất nhiều quà khiến đứa nào cũng yêu quý, mến phục.

“Trước hôm xảy ra tai nạn mấy ngày, anh trai Hiệp điện thoại vào báo tin tết sẽ cưới vợ, Hiệp hứa sẽ tích trữ tiền giúp anh và hẹn sẽ về quê chúc phúc cho anh chị. Không ngờ ước nguyện nhỏ nhoi ấy đã không thực hiện được”, bà Thìn khóc ngất khi nhắc đến con trai của mình. Được biết, ông Trọng vốn là bộ đội phục viên, bà Thìn làm nông, để nuôi 3 con ăn học nên người, hai ông bà đã phải vật lộn với 6 sào ruộng, làm đủ thứ nghề để kiếm tiền. Hệ lụy là đến nay, ông Trọng mắc phải căn bệnh gai cột sống, sức khỏe giảm sút, trong khi bà Thìn bị tuần hoàn não, cuộc sống khá vất vả. Sự ra đi của liệt sĩ Trần Hữu Hiệp khi tuổi đời còn quá trẻ là một cú sốc lớn đối với bố mẹ anh cũng như những người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Song, sự hi sinh ấy không hề bị quên lãng, Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền tôn vinh, ghi nhớ công lao của anh, hàng vạn người Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước rơi lệ khóc thương và mãi nhớ đến anh, người anh hùng của thế hệ trẻ

Nguồn CAND: http://cstc.cand.com.vn/vi-vn/cuocsong/tamguongcs/2014/3/187409.cand