Chuyển đổi cơ cấu cây trồng - những vấn đề đặt ra: Từ chủ trương lớn đến kết quả

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng (CĐCCCT), nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao trên từng đơn vị diện tích và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả ở xã Hà Lĩnh (Hà Trung). Ảnh: Khánh Phương

Mục đích của việc CĐCCCT là nâng cao hiệu quả kinh tế, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, nhằm bảo đảm thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng, khu vực, nhằm khai thác được những lợi thế đất đai, điều kiện tự nhiên, lao động của từng địa phương để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tăng nhanh khối lượng sản phẩm hàng hóa và giá trị thu nhập.

Nhằm khai thác tốt tiềm năng thế mạnh để thực hiện CĐCCCT, Trung ương đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách, như: Chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 210/2013/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP; Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25-10-2013 về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; Nghị định số 35/2015/NĐ-CP, số 62/2019/NĐ-CP, số 94/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đất trồng lúa... Cùng với các chính sách của Trung ương, xuất phát từ thực tiễn phát triển nông nghiệp, nông thôn của từng giai đoạn, tỉnh Thanh Hóa lựa chọn những lĩnh vực có tính đột phá để ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo động lực, khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia để phát triển toàn diện các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, như: Chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 5643/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh; Chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 5637/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh; các chính sách nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực từ đất, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh... Nhờ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, nên việc CĐCCCT trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận cả về diện tích chuyển đổi và hiệu quả kinh tế.

Đầu năm 2020, được chính quyền địa phương tạo điều kiện để thỏa thuận với các hộ dân thuê lại đất trồng lúa kém hiệu quả, anh Lê Trọng Thịnh ở xã Vạn Hòa (Nông Cống) đã đầu tư, cải tạo hơn 1.000m2 đất trồng lúa kém hiệu quả để xây dựng nhà lưới trồng dưa Kim Hoàng Hậu công nghệ cao. Trung bình mỗi vụ dưa anh thu hoạch được hơn 2 tấn, giá bán 35 - 40 nghìn đồng/kg tùy loại. Mỗi lứa dưa cho thu nhập hơn 80 triệu đồng. Như vậy, trong 1 năm với 3 lứa dưa, hơn 1.000m2 diện tích nhà lưới trồng dưa Kim Hoàng Hậu của gia đình anh Thịnh đã cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng.

Được biết, tại huyện Nông Cống, việc CĐCCCT đã và đang giúp cho hàng nghìn ha lúa trên địa bàn tránh được tình trạng ngập lụt vào mùa mưa bão. Hàng năm, toàn huyện có khoảng 2.000 ha cây trồng nằm trong vùng thường xuyên xảy ra ngập lụt và tập trung chủ yếu ở các xã: Vạn Thắng, Vạn Hòa, Vạn Thiện, Thăng Long, Thăng Thọ, Thăng Bình... Vì vậy, huyện đã chỉ đạo các xã có diện tích thường xuyên bị ngập lụt chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, thực hiện lịch gieo trồng sớm hơn 10 đến 15 ngày so với lịch thời vụ gieo trồng đại trà để né lụt. Nhờ vậy nên nhiều năm nay, những diện tích nằm trong vùng trũng thấp đều cơ bản tránh được tình trạng ngập úng, năng suất bình quân đạt từ 55 đến 60 tạ/ha/vụ. Đồng thời, huyện đang tích cực chỉ đạo thực hiện mục tiêu mỗi cánh đồng chỉ gieo cấy 1 đến 2 giống lúa, mỗi xã chỉ cơ cấu 3 đến 4 giống chủ lực để bảo đảm đạt năng suất cao. Thực hiện đề án “Chuyển đổi đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang các loại cây trồng khác”, từ năm 2016 đến hết tháng 3-2021, huyện Nông Cống đã chuyển đổi được 2.538 ha diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác; trong đó, tập trung vào các loại cây trồng, như: cây ăn quả, hoa, cây cảnh, rau màu... Bên cạnh đó, để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, huyện cũng xây dựng kế hoạch trong giai đoạn 2019-2030 sẽ tích tụ, tập trung thêm 3.000 ha đất nông nghiệp, đồng thời xây dựng chỉ tiêu cho từng vùng gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, như: vùng trồng cây thức ăn phục vụ chăn nuôi bò sữa của Tập đoàn TH, vùng sản xuất lúa hàng hóa theo chuỗi, vùng rau an toàn, vùng nuôi trồng thủy sản,... Huyện cũng đã có các chính sách hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị, như: hỗ trợ 3 triệu đồng/ha đối với mô hình tích tụ được 3 ha trở lên, hỗ trợ 500 triệu đồng/1.000m2 trồng trọt công nghệ cao, hỗ trợ 100 triệu đồng/100m2 nuôi trồng thủy sản công nghệ cao... Nông Cống đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có trên 530 ha nông nghiệp công nghệ cao, giá trị thu nhập đối với diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn công nghệ cao đạt từ 500 triệu đồng/ha/năm trở lên...

Là người tiên phong trong việc đưa cây bí xanh vào trồng thay thế cây lúa trên diện tích sản xuất nông nghiệp khó khăn về nước tưới, ông Cao Ngọc Nguyên, thôn Chí Thanh, xã Cẩm Quý (Cẩm Thủy), cho biết: Năm 2015, được sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình ông đã chuyển đổi 2 sào đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bí xanh. Sau 2 vụ, nhận thấy cây bí xanh phù hợp với điều kiện canh tác, đạt năng suất cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi và ổn định, nên ông đã mạnh dạn thuê, mượn đất của nhiều hộ lân cận để phát triển mô hình trồng bí xanh. Đến nay, diện tích trồng bí xanh của gia đình ông đã mở rộng lên 1 ha. Với năng suất bình quân đạt 1,5 tấn quả/sào/vụ, doanh thu khoảng 300 triệu đồng/ha/vụ, lãi bình quân từ 100 - 120 triệu đồng/ha/vụ. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây bí xanh mang lại, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Cẩm Quý đã chủ động chuyển đổi và mở rộng diện tích trồng. Xã hiện có hơn 100 hộ phát triển mô hình trồng bí xanh, với tổng diện tích hơn 20 ha... Để khai thác tốt tiềm năng thế mạnh, tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, xã Cẩm Quý đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng; góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên từng đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân. Từ năm 2015 đến hết tháng 3-2021, xã đã thực hiện chuyển đổi được gần 100 ha đất trồng lúa, trồng cao su kém hiệu quả để thực hiện các mô hình phát triển nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: cây có múi, cây dứa, rau màu các loại, cây lâu năm...

Để thực hiện có hiệu quả việc CĐCCCT, những năm qua, ngành nông nghiệp cùng với chính quyền các địa phương thực hiện đồng bộ, có hiệu quả hàng loạt các nhóm giải pháp, như: rà soát diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả kinh tế và xây dựng kế hoạch, lộ trình cho việc chuyển đổi; thu hút doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể thực hiện CĐCCCT theo hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Từ năm 2016 đến hết tháng 3-2021, toàn tỉnh đã chuyển đổi linh hoạt được hơn 45.000 ha đất trồng lúa, mía và sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong đó, CĐCCCT trên đất trồng lúa khoảng 30.000 ha, đất trồng mía 10.000 ha, đất trồng sắn 5.000 ha. Trong quá trình chuyển đổi, xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi đạt hiệu quả kinh tế vượt trội, như: mô hình trồng cà chua chín sớm tại huyện Thọ Xuân, lợi nhuận 120 đến 150 triệu đồng/ha/vụ; trồng cây dược liệu ở huyện Triệu Sơn, lợi nhuận 200 triệu đồng/ha/năm; trồng thuốc lào ở huyện Quảng Xương, lợi nhuận từ 200 đến 250 triệu đồng/ha/vụ; trồng hoa ở các huyện Đông Sơn, Quảng Xương và TP Thanh Hóa, lợi nhuận 200 đến 350 triệu đồng/ha/năm... Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hầu hết diện tích sau khi chuyển đổi đều đạt hiệu quả kinh tế bình quân cao hơn 2,5 đến 4 lần so với trước khi chưa chuyển đổi. Đáng chú ý, một số diện tích được chuyển sang trồng các cây rau màu có giá trị hoặc sản xuất công nghệ cao đạt hiệu quả kinh tế cao tới 8 đến 10 lần.

CĐCCCT đã và đang góp phần không nhỏ vào việc tăng hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho nông dân; nhiều cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, thị trường tiêu thụ tốt được đưa vào gieo trồng. Thông qua CĐCCCT đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu thị trường nông sản nội địa và xuất khẩu. Luân canh cây trồng có tác dụng cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh hại; từng bước thay đổi tập quán, tư duy sản xuất nông sản hàng hóa của nông dân. Từng bước hình thành và góp phần tăng cường sự liên kết trong đầu tư sản xuất, tiêu thụ hàng hóa giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp. Tuy công tác CĐCCCT đã bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song việc chuyển đổi trên địa bàn tỉnh đa phần vẫn thực hiện manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết vùng, tập trung, quy mô lớn; phần lớn sản phẩm chưa có thương hiệu; thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ; các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ còn ít. Năng lực tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ của nông dân hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là khi đưa vào sản xuất quy mô lớn hoặc CĐCCCT còn khó khăn; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn ít. Nguồn nhân lực, lao động có trình độ cao, có tay nghề trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thiếu và yếu.

Để việc CĐCCCT đạt được hiệu quả cao, các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đã đề ra trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Bài 2: “Bắt mạch” yếu kém.

Nhóm PV Phòng Kinh tế

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/chuyen-doi-co-cau-cay-trong-nhung-van-de-dat-ra-tu-chu-truong-lon-den-ket-qua/136248.htm