Chuyện đời đẫm nước mắt của người phụ nữ bị bán sang Trung Quốc

Chị Tô Thị Thương (SN 1973), thôn Sơn, xã Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa không thể ngờ rằng mình có thể quay trở về quê hương sau 21 năm bị lừa bán sang Trung Quốc. Cuộc đời của chị đầy nước mắt, khổ cực, tủi nhục khi lưu lạc nơi xứ người.

Cả tin, rơi vào tay bọn buôn người

Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi không khó để tìm vào nhà chị Thương. Sau nhiều tháng trở về quê hương nhưng chị vẫn chưa hết bàng hoàng, lo sợ. Mỗi khi có ai hỏi thăm về quãng đời bên kia biên giới, chị lại nhìn xa xăm, nước mắt cứ trào ra, lăn trên khuôn mặt nhăn nheo, khắc khổ. Có lẽ, những gì đã trải qua trong 21 năm bên xứ người khiến chị già đi trước tuổi.

Sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, cuộc sống không khấm khá nên chị Thương cũng không được học hành đến nơi đến chốn. Khoảng tháng 2/1995, chị được một người bạn cùng quê bảo đi lên Lạng Sơn làm hái chè thuê. “Tin tưởng người cùng quê, cộng với việc gia đình nghèo khó nên tôi đã đồng ý đi theo. Tuy nhiên, khi đến Lạng Sơn tôi lại bị đưa qua cửa khẩu Trung Quốc. Sang bên kia biên giới, tôi bị đưa sâu vào nội địa ở xã Ruần Nần, huyện Reèng Coóng (Reèng Sắn), tỉnh Quảng Đông, sau đó bọn chúng bán tôi cho một người đàn ông dân tộc Hán hơn tôi 15 tuổi tên là Voòng Nhất Sèng”, chị Thương nghẹn ngào kể lại.

Chị Tô Thị Thương cùng con gái khi kể lại cuộc sống khổ cực bên kia biên giới

Khu vực sinh sống ở Trung Quốc của gia đình chồng là một vùng rừng núi, dân cư thưa thớt, đường xá đi lại khó khăn. Người chồng của chị trước đây từng bỏ tiền ra mua hai người về làm vợ, tuy nhiên hai người phụ nữ ấy cũng chỉ sống được một thời gian ngắn rồi bỏ trốn. Chính vì vậy khi chị về làm vợ ông ta thì bị chồng và gia đình chồng quản thúc chặt chẽ. Sống ở đất khách quê người, lại bất đồng về văn hóa, chị trở thành công cụ lao động. Chị làm quần quật cả ngày nhưng miếng ăn cũng chẳng được no. Hễ làm sai việc gì thì chị bị cả gia đình trút những trận đòn roi.

Sống với Voòng Nhất Sèng được 1 năm chị hạ sinh con trai đầu lòng. Sau thời gian sinh con, chị Thương bế con bỏ trốn nhưng đã bị gia đình phát hiện và bắt về. Những năm sau đó, chị tiếp tục sinh thêm 3 người con nữa. “Tôi không có hôn thú với Voòng Nhất Sèng nên khi bị hành hạ cũng không biết báo ai. Không có giấy tờ tùy thân nên tôi không được nhập quốc tịch. Các con của tôi cũng không được khai sinh nên cũng chả được học hành tử tế. Đúng là phận tôi bạc như vôi nên đã làm khổ các con các chú ạ” – Chị Thương nức nở.

Vội vã trở về, vội vã ra đi

Những năm tháng sống tha phương, chưa ngày nào chị Thương không suy nghĩ, lên kế hoạch bỏ trốn về quê hương nhưng không có cơ hội. Khi Voòng Nhất Sèng bị bạo bệnh mà qua đời, chị đã bàn bạc với các con bỏ trốn về Việt Nam. Chị kể: “Trong một lần gia đình nhà chồng không để ý, cả 5 mẹ con gom góp quần áo vượt hơn 30km đường rừng trong đêm để ra bến xe Reèng Coóng. Đường ra Reèng Coóng đồi núi, rừng rậm, di chuyển vất vả. Từ huyện Reèng Coóng (tỉnhQuảng Đông, Trung Quốc), ngồi xe đò mấy đêm mẹ con cũng lên đến TP Đông Hưng thuộc tỉnh Quảng Tây, sau đó hỏi đường về cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) rồi đi thuyền vượt biên về nhà. Đến 7/9/2016 thì về đến nhà, kết thúc 21 năm làm dâu xứ người đầy khổ đau, tủi phận...”.

May mắn trở về quê hương sau 21 năm bặt vô âm tín, chị Thương sống trong căn nhà của người em út. Chị vui mừng khi sống trong tình yêu thương của gia đình, hàng xóm. Chị cũng đã nhận thêm ruộng, tìm những công việc chân tay để kiếm thêm thu nhập. Song giọng chị Thương trầm buồn khi chúng tôi hỏi về 4 đứa con của chị. Chị bảo, tội mấy đứa con vì chúng cũng chưa thể thích nghi cuộc sống mới, do bất đồng ngôn ngữ nên cũng chỉ quẩn quanh trong nhà. Bên cạnh đó, tâm lý chúng còn đang hoảng loạn sau những ngày vượt rừng chạy trốn. Hằng đêm sau những ngày làm việc mệt nhọc chị lại dành chút thời gian dạy tiếng Việt cho bọn nhỏ cũng chỉ mong sao chúng sớm hòa nhập với mọi người rồi kiếm được việc làm ổn định để sinh sống.

Nhưng để có cuộc sống ổn định thì các con của chị phải được nhập quốc tịch, có giấy tờ tùy thân, chứ như bây giờ mẹ con chị vẫn là người vô danh. “Hiện tôi đã làm đơn xin khôi phục lại hộ khẩu và xin nhập quốc tịch cho các con để chúng nó có tên tuổi, danh phận. Các con tôi cũng mong muốn được ở lại đây sinh sống”. Những tưởng số phận đã mỉm cười với người phụ nữ này nhưng cuộc sống cơm áo, gạo tiền, khác biệt quá lớn về văn hóa, ngôn ngữ khiến 5 mẹ con chị Thương không thể an cư. Việc làm giấy tờ tùy thân lại cho chị và 4 người con không thể trong một sớm, một chiều vì đây là vấn đề rất nhạy cảm cần phải xác minh cụ thể, cặn kẽ.

Như cái cây mục, chị Thương không biết mình sẽ gục xuống lúc nào, con cái lớn mà không thể hòa nhập được, buộc chị phải chiều theo ý chúng. Một hành trình dài trở lại nơi xuất phát điểm lại bắt đầu. Hơn một năm sau khi về quê hương, mấy mẹ con tích cóp mời anh em, làng xóm một bữa cơm đạm bạc coi như lời từ biệt. Sáng sớm hôm sau, 5 cái bóng người lẵng lặng bước đi như chưa hề xuất hiện ở nơi này. Có lẽ đây là bước đi nặng nề nhất khi những giọt nước mắt lăn dài trên má, bao nhiêu khát khao, bao nhiêu hy vọng để trở về, rồi cuối cùng mẹ con chị lại phải ra đi. Để lại đó một câu hỏi, một sự trăn trở, làm thế nào để những người có hoàn cảnh như chị có thể tái hòa nhập cộng đồng, sống một cuộc đời ấm no trên mảnh đất quê hương? Và đó cũng là hệ luy đau lòng, dai dẳng của nạn mua bán người.

Thanh Phương

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/doi-song/chuyen-doi-dam-nuoc-mat-cua-nguoi-phu-nu-bi-ban-sang-trung-quoc-274890.html