Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao ở huyện Thạch Thành

Nhằm tăng năng suất và sản lượng trên đơn vị diện tích, trong những năm qua, huyện Thạch Thành đã đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn.

Phát triển mô hình trồng cây ăn quả ở xã Thành Vân.

Huyện Thạch Thành là một trong những địa phương thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ. Đồng thời, áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, công nghệ để cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Từ công tác tuyên truyền, nhiều nông dân không ngại phá bỏ diện tích đất lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng các loại cây có giá trị cao, phù hợp với thị trường. Như trường hợp gia đình chị Lê Thị Sáu, xã Thành Tâm, nhờ mạnh dạn chuyển đổi 1 ha lúa kém hiệu quả sang trồng ổi Đài Loan, mỗi năm mang lại cho chị Sáu lợi nhuận gần trăm triệu đồng. Chị Sáu cho biết: Khi chuyển đổi cây trồng thì phải có vốn đầu tư ban đầu, rồi phải học kỹ thuật chăm sóc, tuy nhiên giống ổi Đài Loan là loại cây dễ trồng, dễ thích nghi, cho năng suất cao nên thu hồi vốn nhanh và mang lại hiệu quả cao hơn lúa gấp vài lần.

Thành công từ mô hình trồng ổi Đài Loan của gia đình chị Lê Thị Sáu, hội nông dân xã đã nhân ra diện rộng, đồng thời mở lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc đến khi thu hoạch, bao tiêu sản phẩm nên người dân đã yên tâm hơn trong việc phát triển giống cây trồng mới.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, thời gian qua huyện Thạch Thành đã đẩy mạnh việc rà soát ở từng diện tích kém hiệu quả, gắn với quy hoạch sản xuất. Cùng với đó, huyện đã xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng chi tiết, cụ thể, trong đó khuyến khích phát triển mô hình phù hợp, cả điều kiện canh tác với thị trường tiêu thụ. Ưu tiên mở rộng những mô hình có “đầu ra” ổn định. Ngoài ra, cũng đề cao việc sản xuất gắn kết chặt chẽ “4 nhà”, trong đó mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân là rất quan trọng, giúp giảm bớt các khâu trung gian trong chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững.

Đến nay, huyện Thạch Thành đã tích tụ được trên 1.000 ha đất nông nghiệp, trong đó trồng mới gần 500 ha cây ăn quả, 15 mô hình trồng cây ăn quả có múi công nghệ cao, tập trung tại các xã Thành Vân, Thành Công, Thành Tâm...; chuyển đổi 642 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng mía, ngô dày, rau màu, cây dược liệu có hiệu quả kinh tế cao và chuyển đất lúa vùng trũng thấp sang nuôi trồng thủy sản. Đưa diện tích mía toàn huyện giai đoạn 2016-2018 đạt 5.484 ha, diện tích ngô đạt 2.650 ha. Đối với vùng mía nguyên liệu sẽ tiếp tục thực hiện cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, đưa năng suất bình quân tăng từ 70 tấn lên hơn 100 tấn/ha. Thực hiện sản xuất lúa nếp hạt cau hơn 100 ha, năng suất bình quân đạt 44 tạ/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 3 đến 4 lần so với sản xuất lúa đại trà. Nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn tập trung trong nhà lưới, với các loại rau có giá trị kinh tế cao, như cà chua, bí xanh, dưa chuột và rau các loại gắn với thị trường tiêu thụ ổn định...

Từ mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Thạch Thành đã góp phần tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập cho nông dân và thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Bài và ảnh: Gia Bảo

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/mien-tay-thanh-hoa/chuyen-doi-dat-trong-lua-kem-hieu-qua-sang-trong-cay-co-gia-tri-kinh-te-cao-o-huyen-thach-thanh/108800.htm