Chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định: Ảnh hưởng nhỏ, lợi ích dài lâu

Việc đổi mã vùng điện thoại cố định là hoạt động nhằm đảm bảo kho số được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của thị trường và công nghệ.

Từ ngày 11/2/2017, theo Quyết định số 2036/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, lần lượt 59 trong số 63 tỉnh, thành phố sẽ tiến hành đổi mã vùng điện thoại cố định (rêng 4 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang vẫn giữ nguyên).

Việc chuyển đổi này chắc chắn sẽ tác động đến người dùng. Tuy nhiên, việc đổi mã vùng là tất yếu, sau khi ổn định, mã vùng điện thoại mới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng.

Hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm khẳng định: Việc đổi mã vùng điện thoại cố định theo quy hoạch viễn thông là hoạt động nhằm đảm bảo kho số được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của thị trường và công nghệ. Đồng thời, việc chuyển đổi mã vùng sẽ giúp độ dài mã vùng được nhất quán, đáp ứng thông lệ quốc tế. Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho lần đổi mã vùng này trên quan điểm đặt mục tiêu lợi ích của khách hàng lên trên hết và đảm bảo liên lạc thông suốt.

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Mạnh Tuấn khẳng định, việc chuyển đổi mã vùng không ảnh hưởng đến tất cả số thuê bao. Việc gọi nội hạt từ cố định đến cố định trong một tỉnh, thành phố không có thay đổi. Chỉ những cuộc gọi liên tỉnh, gọi từ di động, từ nước ngoài đến điện thoại cố định sẽ thay đổi theo mã vùng mới.

Thống kê của các doanh nghiệp viễn thông cho thấy, lưu lượng cuộc gọi liên tỉnh, gọi từ di động và thuê bao quốc tế vào điện thoại cố định của Việt Nam chỉ chiếm 1,6% tổng lưu lượng viễn thông. Do đó, việc chuyển đổi mã vùng sẽ không gây quá nhiều xáo động.

Đại diện Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) khẳng định, với kinh nghiệm hai lần chuyển đổi số cho mạng cố định và di động, VNPT đã sẵn sàng các phương án về kỹ thuật cho lần chuyển đổi này. Hiện VNPT đã sẵn sàng chuyển đổi mã vùng điện thoại trong cả nước. Mặt khác, VNPT đã tích cực phối hợp với 13 doanh nghiệp viễn thông như Viettel, MobiFone... để triển khai các phương án đảm bảo thành công cho việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định.

Sau khi chuyển đổi, độ dài quay số khi gọi liên tỉnh hoặc gọi từ di động đến thuê bao cố định thống nhất trên toàn quốc sẽ là 11 chữ số. Mã vùng điện thoại cố định mới của các tỉnh thành phố liền kề được gom chung vào một mã vùng, ví dụ như các tỉnh miền núi Tây Bắc đều có mã vùng 21x. Cụ thể: Sơn La 212, Lai Châu 213, Lào Cai 214, Điện Biên 215, Yên Bái 216. Việc gom vùng giúp khách hàng dễ dàng tra cứu, lưu giữ số điện thoại cố định. Tài nguyên viễn thông được tiết kiệm, giúp mở ra cơ hội giảm số lượng mã vùng trong toàn quốc, từ 63 tỉnh thành còn khoảng 10 vùng. Khi đó, người dân sẽ được hưởng lợi vì các cuộc gọi trong cùng nhóm mã vùng sẽ có cước thấp hơn.

Tất cả các mã vùng được đưa về đầu 2 sẽ thu lại được nhiều đầu mã để chuyển các thuê bao di động 11 chữ số về 10 chữ số. Các thuê bao di động 11 chữ số vẫn giữ nguyên số thuê bao, chỉ thay đổi độ dài mã mạng từ ba chữ số ( ví dụ: Vinaphone: 0123xxxx; 0124, 0125... Vietel: 016xxxx... ) sẽ được đồng nhất 2 chữ số. Điều này góp phần hạn chế sim rác, tin nhắn rác từ thuê bao di động 11 chữ số trong thời gian qua.

Sau khi chuyển đổi, toàn bộ đầu mã khác 2 sẽ dùng cho thuê bao di động. Như vậy theo tính toán, Việt Nam sẽ có trên 500 triệu số thuê bao di động 10 số; khoảng 1 tỷ số thuê bao di động cho liên lạc giữa thiết bị với thiết bị để phát triển và ứng dụng công nghệ internet kết nối vạn vật, xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam trong tương lai...

Cách chuyển đổi mã vùng đơn giản, thuận tiện

Sau khi quá trình chuyển đổi mã vùng điện thoại hoàn tất, người dùng sẽ thực hiện cuộc gọi theo cú pháp 0 + mã vùng mới + số điện thoại. Tuy nhiên, việc đổi mã vùng trong danh bạ điện thoại cá nhân nếu làm thủ công sẽ mất rất nhiều thời gian và khiến nhiều người ngần ngại.

Hiện nay, trên thị trường công nghệ, đã có phần mềm hỗ trợ việc chuyển mã vùng để thuận tiện cho người sử dụng. Thay vì đổi mã vùng từng số điện thoại cố định, người dùng có thể cài đặt phần mềm Update Phone Code (cập nhật mã vùng điện thoại) tại địa chỉ https://goo.gl/C0TGvj vào điện thoại cá nhân để tiến hành tự động cập nhật mã vùng điện thoại. Phần mềm sẽ “lọc” danh sách các số điện thoại cố định có trong danh bạ và tiến hành chuyển đổi. Để thực hiện việc đổi mã vùng, người dùng chỉ cần đánh dấu vào các số cần chuyển hoặc chọn tất cả và nhấn cập nhật.

Các số điện thoại mới sẽ được tự động đổi trong điện thoại. Ví dụ, mã vùng cũ của Đồng Nai là 061, sau khi chuyển đổi sẽ thành 0251, số thuê bao phía sau vẫn được giữ nguyên. Anh Nguyễn Trung Hiếu (Hà Nội) đã cài ứng dụng này trên điện thoại và chia sẻ: Phần mềm hoạt động tốt. Lúc đầu, anh cũng rất ngại khi nghĩ đến việc dò tìm và đổi số điện thoại. Với phần mềm này, chỉ cần vài thao tác đơn giản, mọi sự thay đổi về mã vùng sẽ tự động được cập nhật trong điện thoại.

Như vậy, nếu sử dụng điện thoại thông minh, phần mềm sẽ giúp người sử dụng dễ dàng, nhanh chóng có được mã vùng cố định trong điện thoại cá nhân. Việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định chắc chắn sẽ không phức tạp và tốn nhiều thời gian.

Ngọc Bích (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/chuyen-doi-ma-vung-dien-thoai-co-dinh-anh-huong-nho-loi-ich-dai-lau-20170210073929540.htm