Chuyện đời như tiểu thuyết của nguyên mẫu trong bài thơ nổi tiếng 'Chuyện em Hòa'

Bà Nguyễn Thị Hường là nguyên mẫu trong bài thơ 'Chuyện em Hòa' của nhà thơ Tố Hữu. Người phụ nữ này đang lưu giữ những bí mật đằng sau bài thơ nổi tiếng mà không phải ai cũng biết…

Gặp nguyên mẫu của nhà thơ Tố Hữu

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hường (quê quán P. Thủy Dương, TX Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu tập thể Thương binh phường Điện Biên, quận Ba Đình. Chúng tôi được bà chia sẻ kỷ niệm gặp ba mình ở miền Bắc trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước và câu chuyện ba của bà Hường tìm thấy con trai thân yêu - một thiếu niên miền Nam được tặng danh hiệu “Dũng sĩ quyết thắng” là nguyên mẫu trong bài thơ “Chuyện em Hòa” của nhà thơ Tố Hữu.

Thấy chúng tôi đến thăm, bà Hường cởi mở mời vào nhà và trong khi mọi người ôn lại kỷ niệm trong những năm tháng chiến đấu giải phóng miền Nam, bà Hường đã mang cho chúng tôi xem tấm ảnh các Dũng sỹ quyết thắng miền Nam đang ngồi quây quần bên Bác Hồ trong chuyến ra thăm miền Bắc vào năm 1968, đồng thời giới thiệu người thiếu niên đội mũ tai bèo vinh dự được đứng cạnh Bác Hồ trong tấm ảnh là anh Nguyễn Văn Hòa - em trai út của bà Hường.

Bà Nguyễn Thị Hường (người bên phải) tặng quà gia đình chính sách

Trong xúc động nghẹn ngào, bà Hường đã kể lại những kỷ niệm đẹp gần 50 năm trước: Năm 1960, Mỹ, Ngụy dồn dân quê tôi để lập ấp chiến lược và ngày đêm rình rập, đàn áp, đặc biệt là những gia đình có người thân làm dân quân, du kích, đi bộ đội hoặc tập kết ra Bắc… Căm thù bọn giặc giày xéo quê hương, bước sang tuổi 13, tôi tự nguyện làm giao liên cho cách mạng. Năm 1964, tôi bị địch bắt và giam ở nhà lao thừa phủ Huế. Năm 1965, địch phải trả tự do cho tôi vì không thể khai thác được thông tin gì. Sau đó, tôi tiếp tục tham gia dân quân du kích xã Thủy Bằng cho đến năm 1968 thì được biên chế vào Tiểu đoàn Đặc công và ngày đêm cùng đồng đội không quản hy sinh gian khổ, chiến đấu vì độc lập dân tộc. Năm 1970, trong một trận chiến đấu ác liệt, tôi bị thương, được đồng đội cứu chữa đưa về nơi an toàn.

Cuối năm 1970, tôi được đơn vị cho ra miền Bắc để điều trị vết thương, phục hồi sức khỏe. Khi đến địa bàn xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của các đồng chí lãnh đạo xã cũng như những người đồng hương đã có nhiều năm sống trên đất Bắc, tôi được gặp ba mình sau 16 năm xa cách, kể từ ngày ba tôi chia tay gia đình để tập kết ra Bắc (năm 1954). Niềm vui, hạnh phúc đó được nhân lên gấp bội khi ba tôi cho biết đã gặp em Nguyễn Văn Hòa trên mảnh đất Thủ đô yêu dấu.

Đầu năm 1971, tôi mới có mặt ở Hà Nội và ngay sau đó, đơn vị cho đi an dưỡng ở huyện Kim Bảng, tỉnh Nam Hà. Khi đã ổn định nơi ăn ở, tôi xin phép đơn vị đi thăm em Hòa theo địa chỉ ba tôi đưa cho. Do không mua được vé ô tô, tôi đã mượn xe đạp, đi ròng rã 2 ngày mới đến được nơi em Hòa đang học văn hóa ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Hai chị em tôi gặp nhau trong niềm vui khôn tả.

Sẽ không bao giờ quên ký ức đẹp

Qua tâm sự của ba, của em Hòa, tôi được biết cặn kẽ câu chuyện hy hữu về em Hòa được gặp ba trên miền Bắc rộng lớn trong những năm chiến tranh khốc liệt. Đầu năm 1967, em Hòa được tặng danh hiệu “Dũng sĩ quyết thắng” vì có thành tích một mình giết chết 5 tên địch bằng khẩu súng cạcbin khi giáp mặt với 1 trung đội địch tại cầu Lim ở xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy. Năm 1968, em Hòa cùng các bạn trong đội “Dũng sĩ quyết thắng” được ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Bác ân cần hỏi han hoàn cảnh, nguyện vọng của từng người. Em Hòa thưa với Bác muốn trở lại miền Nam tiếp tục chiến đấu, nhưng trước khi trở lại miền Nam, em Hòa có nguyện vọng muốn được gặp ba, Bác Hồ liền nói với nhà thơ Tố Hữu tìm ba cho em Hòa. Do chiến tranh ác liệt nên các phương tiện đi lại và liên lạc bằng điện thoại rất khó khăn vì thế hàng tháng trời, nhà thơ Tố Hữu vẫn không tìm được ba cho em Hòa. Vậy nên ông đã viết bài thơ đăng trên báo Nhân dân với đầu đề “Chuyện em Hòa”. Bài thơ mở đầu bằng những câu: “Tên em là Nguyễn Văn Hòa/Mẹ em thường gọi em là cu Theo/Cha đi tập kết, nhà nghèo/Sớm khuya tay mẹ chống chèo nuôi con/Chị thì hái củi trên non/Em thì mưa nắng bãi cồn chăn trâu. Đêm nằm hỏi mẹ: Cha đâu?/Mẹ rằng: Mau lớn, năm sau cha về…". Kèm theo bài thơ còn ghi cụ thể, chi tiết tên mọi người trong gia đình tôi.

Trong một buổi chiều mùa thu nắng đẹp, ba tôi đang ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình thì được người bạn ở cơ quan cũ mang đến tờ Báo Nhân dân cùng với giấy mời ra Hà Nội để gặp con trai Nguyễn Văn Hòa là “Dũng sĩ quyết thắng”. Ba tôi vội vàng mở tờ báo ra, đọc nhanh bài thơ và vui mừng nhận ra nguyên mẫu trong bài thơ chính là Hòa, đứa con trai thân yêu chào đời khi ông đi tập kết.

Bằng biện pháp sáng tạo, chỉ sau 10 ngày, nhà thơ Tố Hữu cách mạng nổi tiếng đã biết được địa chỉ của ba tôi và tạo điều kiện để ba tôi về Hà Nội gặp em Hòa, đáp ứng được nguyện vọng của em và thỏa lòng mong nhớ của ba tôi.

Trước khi chia tay, bà Hường xúc động nói: “Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bác Hồ bận trăm công ngàn việc vì dân vì nước, nhưng vẫn lo cho nguyện vọng và quan tâm, nuôi dưỡng, đào tạo, bố trí công việc cho chị em tôi. Nhờ đó sau này, chúng tôi có điều kiện nuôi dạy các con mình trở thành những người hữu ích cho cộng đồng, xã hội. Tôi và những người thân trong gia đình mãi mãi không bao giờ quên được tình cảm, công ơn của Đảng, của Bác…”.

PV

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/chuyen-doi-nhu-tieu-thuyet-cua-nguyen-mau-trong-bai-tho-noi-tieng-chuyen-em-hoa-53790.htm