Chuyển đổi Phòng Công chứng số 3 và 4 thành văn phòng công chứng: Phù hợp với yêu cầu thực tiễn

Sau nhiều năm hoạt động, Phòng Công chứng (PCC) số 3 ở thành phố Long Khánh và PCC số 4 ở huyện Long Thành hiện không còn phù hợp.

Trụ sở Phòng Công chứng số 3 đóng tại phường Xuân Hòa (thành phố Long Khánh). Ảnh: Thanh Giang

Do vậy, việc chuyển đổi 2 PCC này thành văn phòng công chứng (VPCC) là cần thiết, có đầy đủ căn cứ pháp lý và phù hợp với yêu cầu thực tiễn tại địa phương để thực hiện chuyển đổi theo quy định.

* Mô hình không còn phù hợp

PCC số 3 được thành lập vào ngày 6-2-1998 (theo quyết định của UBND tỉnh), là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp. Từ năm 2018, đơn vị đã tự chủ hoàn toàn, không còn được ngân sách nhà nước cấp. Trụ sở PCC số 3 đóng tại phường Xuân Hòa (thành phố Long Khánh), là khu vực phát triển kinh tế năng động của tỉnh, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, dân cư tập trung đông, là đầu mối giao thương của tỉnh.

Tuy nhiên, trong 3 năm (2020-2022), số việc công chứng, chứng thực do PCC số 3 thực hiện đã có xu hướng giảm theo từng năm. Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, mặt khác do có sự cạnh tranh và phải chia sẻ khách hàng với các VPCC đang hoạt động trên địa bàn thành phố Long Khánh. Hiện trên địa bàn thành phố Long Khánh có 4 VPCC đang hoạt động rất ổn định, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của loại hình này trong đời sống xã hội.

Đồng Nai hiện có 60 tổ chức hành nghề công chứng (3 PCC và 57 VPCC) với khoảng 130 công chứng viên đang hành nghề. Trong năm 2023, các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện công chứng trên 208 ngàn việc và tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước hơn 10,5 tỷ đồng.

PCC số 4 được thành lập vào ngày 24-8-1998, cũng là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp. Đơn vị đã tự chủ hoàn toàn, không còn được ngân sách nhà nước cấp từ năm 2017.

PCC số 4 có trụ sở tại thị trấn Long Thành (huyện Long Thành), là khu vực phát triển kinh tế năng động của tỉnh. Đặc biệt, địa phương có Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được xây dựng, có điều kiện thuận lợi cho mở rộng giao lưu với bên ngoài, phát triển mạnh mẽ nền kinh tế với cả 3 thế mạnh nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ.

Tuy nhiên, số việc công chứng, chứng thực do PCC số 4 đã thực hiện trong 3 năm (2020-2022) có xu hướng giảm theo từng năm do có sự cạnh tranh và phải chia sẻ khách hàng với 9 VPCC trên địa bàn huyện Long Thành.

Thời gian qua, sự phát triển của các VPCC đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đảm bảo độ an toàn pháp lý cho các quan hệ dân sự, tạo môi trường tin cậy cho các tổ chức, cá nhân, đồng thời góp phần vào tiến trình cải cách hành chính. Vì vậy, việc duy trì mô hình 2 PCC trên đã không còn phù hợp.

* Sự cần thiết phải chuyển đổi

Xã hội hóa hoạt động công chứng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là quá trình đổi mới phương thức tổ chức hoạt động công chứng, từng bước chuyển giao hoạt động công chứng cho các cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Việc chuyển đổi PCC thành VPCC nhằm góp phần đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động công chứng.

Bên cạnh đó, việc xã hội hóa hoạt động công chứng, chuyển mô hình PCC thành VPCC tạo ra khả năng cạnh tranh lành mạnh giữa các VPCC, tạo điều kiện để người dân được sử dụng loại hình dịch vụ này một cách tốt nhất. Từ đó, phát huy mọi khả năng hoạt động của đơn vị, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng.

Từ các cơ sở trên, việc chuyển đổi PCC số 3 và số 4 thành VPCC là phù hợp với quy định pháp luật và tình hình thực tiễn, nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực hiện xã hội hóa tại Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19-11-2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng.

Ngày 12-10-2023, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt đề án chuyển đổi PCC số 3 và số 4 thành VPCC; giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện chuyển đổi 2 PCC trên thành VPCC.

Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn cho biết, sở đã triển khai thực hiện các thủ tục thật chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Hội đồng đấu giá đã bán được 2 hồ sơ, thu phí hồ sơ đấu giá 1 triệu đồng. Tuy nhiên, đến hết thời hạn nhận hồ sơ (ngày 12-12-2023), do không có người đăng ký tham gia đấu giá nên cuộc đấu giá quyền nhận chuyển đổi PCC số 3 và số 4 thành VPCC đã không thành.

Ngày 23-2-2024, Sở Tư pháp đã chủ trì cuộc họp và mời đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan tham dự để cùng bàn phương án. Kết quả, các sở, ngành đều thống nhất đề xuất UBND tỉnh xem xét, cho phép tổ chức đấu giá lần 2 quyền nhận chuyển đổi PCC số 3 và số 4 thành VPCC.

“Sở Tư pháp đã báo cáo kết quả cuộc họp cho lãnh đạo UBND tỉnh xem xét để có chỉ đạo cụ thể. Sau khi có chủ trương chấp thuận, sở sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện quy trình đấu giá quyền nhận chuyển đổi 2 PCC trên thành VPCC theo đúng quy định pháp luật” - ông Tuấn cho hay.

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202403/chuyen-doi-phong-cong-chung-so-3-va-4-thanh-van-phong-cong-chung-phu-hop-voi-yeu-cau-thuc-tien-d2155fa/