Chuyển đổi sinh kế cho người dân tiểu vùng Đồng Tháp Mười

Tiểu vùng Đồng Tháp Mười những năm qua đóng góp quan trọng vào việc phục vụ an ninh lương thực và xuất khẩu gạo. Tuy nhiên đứng trước thực trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì việc liên kết, hợp tác phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, tiểu vùng Đồng Tháp Mười nói riêng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Tỉnh đẩy mạnh khai thác sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù

Tỉnh đẩy mạnh khai thác sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù

Các nhà khoa học, chuyên gia cho hay, hiện nay biểu hiện của biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra ngày càng nhanh và nghiêm trọng hơn so với dự báo, gây ra những hệ quả bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp tiểu vùng. Việc thay đổi thất thường dòng chảy sông Mê Kông, sự gia tăng sử dụng nước đầu nguồn để phát triển thủy điện, nông nghiệp và đô thị hóa làm lũ ngày càng ít hơn, giảm trầm tích, nguồn lợi thủy sản và giảm chất lượng nguồn nước từ sông Mê Kông. Những tác động này khiến tài nguyên thiên nhiên và hệ thống sinh thái đặc trưng của Đồng Tháp Mười sẽ suy thoái đặc biệt là đất kém màu mỡ và bị phèn hóa.

Trong ba thập niên qua, tiểu vùng Đồng Tháp Mười hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển sản xuất lúa, đưa Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu. Tuy nhiên, hiện nay các nước Campuchia, Myanmar, Bangladesh đang phát triển sản xuất lúa gạo và đẩy mạnh xuất khẩu. Mặt khác, nhiều nước thực hiện chính sách tự túc lương thực, sử dụng các sản phẩm an toàn có chất lượng cao và truy xuất nguồn gốc - là thách thức lớn đối với ngành hàng lúa gạo ĐBSCL nói chung và Đồng Tháp Mười nói riêng.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng thủy lợi, hệ thống giao thông nội vùng và liên vùng, hệ thống logistics vẫn còn hạn chế và chưa thông suốt giữa các tỉnh, chưa đủ thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp và chuyển dịch kinh tế nông thôn dài hạn theo hướng bền vững trong bối cảnh mới.

Đồng Tháp là trung tâm của tiểu vùng Đồng Tháp Mười cũng chịu sự tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, việc xây dựng các đập thượng nguồn gây tiềm ẩn nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, tăng trưởng nông nghiệp đang có xu hướng giảm dần nền nông nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, chuyển dịch kinh tế nông nghiệp chậm. Các doanh nghiệp (DN) tại tỉnh hoạt động quy mô nhỏ, chủ yếu thu mua nguyên liệu thô để chế biến xuất khẩu, hàm lượng giá trị gia tăng chưa cao, liên kết sản xuất còn kém bền vững làm hạn chế khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Cầu Cao Lãnh và Cầu Vàm Cống hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần thu hút doanh nghiệp đầu tư (ảnh: Thanh Phong)

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn còn hạn chế, chưa thu hút các DN trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này; chất lượng an toàn thực phẩm các mặt hàng nông sản còn là rào cản trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; tình hình sạt lở bờ sông diễn biến ngày càng phức tạp.

Đứng trước những cơ hội và thử thách mới, để triển khai tốt tiềm năng của tiểu vùng Đồng Tháp Mười, lãnh đạo 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang chủ động đề xuất và được sự đồng ý của Chính phủ xây dựng Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Đề án thực hiện với tầm nhìn dựa trên giá trị cốt lõi của hệ sinh thái tự nhiên lịch sử và văn hóa bản địa Đồng Tháp Mười, phát triển thương hiệu và giá trị những ngành hàng nông sản đặc trưng, cải tiến chất lượng cuộc sống của cư dân và giữ gìn văn hóa bản địa đến năm 2030.

Hòa chung vào sự phát triển của tiểu vùng, Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, tỉnh tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập, mức sống của nông dân. Xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn ứng phó với biến đổi khí hậu, thu hút DN đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản chủ lực, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa nông nghiệp thông qua ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Trong quá trình thực hiện Đề án, đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, thời gian qua, tỉnh được bố trí vốn thực hiện dự án Đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản tại huyện Cao Lãnh và huyện Châu Thành, quy mô cấp nước cho diện tích 942ha, tổng kinh phí 103 tỷ đồng. Trong năm 2018, tỉnh đã triển khai thực hiện dự án với tổng kinh phí 95 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh triển khai một số dự án kết nối về giao thông với các tỉnh trong khu vực như: Bến khách Phong Hòa (thuộc huyện Lai Vung) - Ô Môn (thuộc quận Ô Môn, TP.Cần Thơ); đường ĐT.854 (thuộc huyện Châu Thành) kết nối với đường ĐT.908 (thuộc tỉnh Vĩnh Long); hệ thống cầu trên đường ĐT.846 (đoạn Mỹ An - Bằng Lăng, huyện Tháp Mười) kết nối với đường ĐT.865 (thuộc tỉnh Tiền Giang); cầu Cái Vừng và nâng cấp bến khách ngang sông Mương Lớn (kết nối huyện Hồng Ngự và TX.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp với huyện Phú Tân, tỉnh An Giang).

Phát triển ngành “công nghiệp không khói”, tỉnh ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh; ký kết bản ghi nhớ liên kết phát triển du lịch vùng Đồng Tháp Mười. Đồng thời, 3 tỉnh tiểu vùng Đồng Tháp Mười ký kết bản thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2017-2020. Trong đó, nội dung trọng tâm hợp tác là khai thác, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, tham quan trải nghiệm Đồng Tháp Mười; phát triển tour du lịch “Một hành trình ba điểm đến”.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc tạo điều kiện sản xuất chuyển đổi sinh kế bền vững cho người dân tiểu vùng Đồng Tháp Mười, tại hội thảo tham vấn để xây dựng, đề xuất dự án Chuyển đổi ĐBSCL tại Việt Nam và Campuchia do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ (khoảng 40 triệu USD), tỉnh Đồng Tháp có một số kiến nghị Ngân hàng Thế giới, GCF nghiên cứu hỗ trợ nhân rộng việc chuyển đổi sinh kế của các hộ nông dân sản xuất theo hướng có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và tăng cường sự tham gia của nông dân vào chuỗi sinh kế mùa lũ.

Đồng thời, GCF hỗ trợ đầu tư xây dựng một số hạ tầng thiết yếu phục vụ cho quá trình chuyển đổi sinh kế, tăng cường khả năng chống chịu khí hậu. Quan tâm thực hiện chương trình nâng cấp chuỗi và phát triển thương hiệu nông sản đặc trưng Đồng Tháp Mười. Trong đó, tập trung phát triển chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo trên cơ sở nâng cao năng lực hợp tác xã, kết nối thị trường xây dựng thương hiệu sản phẩm. Về phát triển du lịch sinh thái cần nâng cấp cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đồng thời quảng bá và xúc tiến du lịch kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, sản phẩm du lịch sinh thái đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười.

Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, hướng tới sản xuất bền vững

Bên cạnh đó, Đồng Tháp đề nghị Bộ, ngành liên quan, Ngân hàng Thế giới quan tâm hỗ trợ sinh kế, di dời người dân vùng sạt lở vào cụm, tuyến dân cư. Đồng thời, tỉnh đề xuất ý tưởng đầu tư các dự án tại Đồng Tháp như dự án chuyển đổi đất lúa sang trồng sen, phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch; xây dựng hệ thống tưới tiêu thông minh...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương, trước thách thức bởi biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, đặt ra nhu cầu cấp bách là chuyển đổi mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện tự nhiên và phát huy lợi thế mùa lũ làm kinh tế nông nghiệp. Trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đồng Tháp nhiều lần đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cơ chế chính sách phù hợp phát triển hài hòa cho vùng ĐBSCL với cách tiếp cận phát triển quy mô liên vùng. Điều này xuất phát từ nhu cầu nội tại liên quan mật thiết đến quản lý sử dụng nguồn nước phát triển kinh tế, giải quyết liên quan đến vấn đề xã hội và đối phó với các biến đổi khí hậu...

Y DU

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/chuyen-doi-sinh-ke-cho-nguoi-dan-tieu-vung-dong-thap-muoi-85231.aspx