Chuyển đổi số - Bài 2: EVN triển khai cách đây 20 năm

Với EVN, hành trình chuyển đổi số được bắt đầu rất sớm, cách đây khoảng 20 năm, với bước 'đột phá' đầu tiên trong lĩnh vực Văn phòng điện tử.

Giai đoạn chuyển đổi số của EVN. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Giai đoạn chuyển đổi số của EVN. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Là một trong những đơn vị tiên phong tại Việt Nam thực hiện chuyển đổi số, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã sử dụng thành công hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, đồng thời là đơn vị duy nhất tính tới nay không phải là cơ quan cung cấp dịch vụ công, nhưng đã hoàn thành dịch vụ trực tuyến tương đương dịch vụ công cấp độ 4 - cấp độ cao nhất.

Đặc biệt, EVN là một trong những đơn vị đầu tiên được Chính phủ cho phép được góp mặt trên Cổng dịch vụ công quốc gia ngay từ giai đoạn đầu.
Theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, thực chất việc chuyển đổi số rất phức tạp và cơ bản là không có đường đi định sẵn. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp, tổ chức phải tự tìm con đường riêng. Với EVN, hành trình chuyển đổi số được bắt đầu rất sớm, cách đây khoảng 20 năm, với bước “đột phá” đầu tiên trong lĩnh vực Văn phòng điện tử.
Theo đó, EVN đã nhanh chóng đưa các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các lĩnh vực chủ yếu như: Sản xuất, vận hành, truyền tải, quản trị doanh nghiệp và đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh - dịch vụ khách hàng.
Việc chuyển đổi số được thực hiện theo 2 mục tiêu rõ ràng: Thứ nhất, hướng tới cung cấp dịch vụ điện một cách hiện đại, công khai, minh bạch, dễ dàng và thuận tiện cho người dân. Thứ hai, trong nội bộ EVN, phải hỗ trợ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và quản trị Tập đoàn.
Tại EVN, quá trình chuyển đổi số được thực hiện triệt để với quyết tâm cao của lãnh đạo, đặc biệt là từ Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Tập đoàn. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, xuất hiện nhiều công nghệ mới, phù hợp với các yêu cầu về ứng dụng CNTT của EVN. “Tập đoàn đã đặt ra yêu cầu, phải sử dụng công nghệ tốt nhất, phải làm sao để việc ứng dụng trở nên đơn giản, thuận tiện, bất cứ người lao động ở vị trí công việc nào của Tập đoàn cũng có thể sử dụng phần mềm một cách hiệu quả” - Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm nhấn mạnh.
Trên thực tế trong các năm qua, dưới sự chỉ đạo của EVN, Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) đã triển khai các giải pháp công nghệ cho hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng, giải pháp CMIS 3.0 số hóa các nhóm quy trình về quản lý cấp điện và cung cấp dịch vụ điện; Quản lý thực hiện hợp đồng mua bán điện; Quản lý thiết bị đo đếm; Quản lý ghi chỉ số; Lập hóa đơn tiền điện; Quản lý thu và theo dõi nợ; Quản lý và tính toán tổn thất điện năng; Lập báo cáo Kinh doanh.
EVNICT đã tích hợp giữa hệ thống CMIS (Hệ thống thông tin quản lý khách hàng sử dụng điện) với các cổng thanh toán, cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử mọi nơi, mọi lúc bằng nhiều hình thức từ: website, mobile, ngân hàng…
EVNICT cũng triển khai giải pháp hóa đơn điện tử đối với các dịch vụ điện; Cung cấp các dịch vụ điện cấp độ 4 cho khách hàng, tích hợp các dịch vụ điện trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia; Cung cấp dịch vụ điện theo hình thức hợp đồng điện tử.
Đối với việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý vận hành, EVNICT đã triển khai giải pháp quản lý kỹ thuật nguồn (PMIS nguồn) và lưới điện (PMIS lưới), số hóa thông tin thiết bị, công tác vận hành nhà máy, truyền tải, phân phối. Các nghiệp vụ quản lý gồm thiết bị, vận hành, sự cố/khiếm khuyết, sửa chữa/công việc, vật tư, an toàn, hành lang an toàn, sản xuất điện, độ tin cậy lưới điện, thủy văn, thư viện tài liệu.
Cùng với đó, EVNICT đang nghiên cứu để triển khai thực hiện “Tin học hóa quy trình sửa chữa bảo dưỡng thiết bị điện theo phương pháp RCM”;
EVNICT cũng đang triển khai việc ứng dụng công nghệ trong đo đếm như giải pháp đo xa (EVNHES) và cơ sở dữ liệu đo đếm (MDMS); trong đó, giải pháp EVNHES là thống nhất giải pháp đo xa toàn EVN đối với các nhà cung cấp khác nhau, giải pháp MDMS là quản lý toàn bộ số liệu công tơ điện tử, hỗ trợ theo dõi lịch sử hoạt động của từng công tơ; tổng hợp báo cáo giao nhận quyết toán nội bộ; cung cấp chỉ số phục vụ tính toán hóa đơn tiền điện khách hàng và trả lời tại trung Trung tâm Chăm sóc khách hàng.
Bên cạnh đó, EVNICT nghiên cứu và triển khai thành công trạm biến áp không người trực, giúp các thao tác đối với hệ thống thiết bị, thu thập thông số kỹ thuật đều được thực hiện tự động. Các thao tác đóng cắt, điều khiển thiết bị trạm đều được tiến hành ngay tại Trung tâm điều khiển thông qua hệ thống máy tính điều khiển và giám sát. Bên cạnh đó, tín hiệu từ các hệ thống phụ trợ như camera giám sát an ninh; hệ thống báo cháy, báo khói tự động… cũng sẽ được truyền về Trung tâm điều khiển phục vụ công tác theo dõi và quản lý vận hành trạm.
Đối với giải pháp công nghệ cho hoạt động quản trị , EVNICT đã ứng dụng công nghệ trong công tác văn phòng - văn phòng điện tử E-Office, đang nâng cấp hệ thống E-Office trở thành giải pháp văn phòng số (Digital-Office); Xây dựng và triển khai hệ thống chữ ký số chuyên dụng nội bộ (EVNCA) tại EVN và các đơn vị thành viên.
Tích hợp ký số với E-Office, CMIS, PMIS (Hệ thống quản lý kỹ thuật lưới điện), HRMS (hệ thống quản lý nguồn nhân lực), đầu tư xây dựng nhằm giảm hệ thống báo cáo giấy, giúp việc quản lý và tổng hợp báo cáo nhanh và đơn giản hơn.
EVNICT đã hoàn thành triển khai, ứng dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp ERP đến tận các đơn vị cấp 3, cấp 4 của Tập đoàn, đây là một thành công và có ý nghĩa to lớn trong việc minh bạch hệ thống quản trị của Tập đoàn.
Riêng đối với giải pháp quản lý nguồn nhân lực (HRMS), EVN hiện đang quản lý hồ sơ gần 100 nghìn nhân sự đang làm việc; Quản lý các quy trình nhân sự (cán bộ, lương, hợp đồng…); Quản lý đào tạo (kế hoạch, thực hiện, quản lý khóa học, đào tạo chuyên gia, kỹ sư tài năng, tích hợp E-learning…); Quản lý cơ cấu tổ chức các đơn vị; Quản lý thi đua khen thưởng; Quản lý hồ sơ sức khỏe, cấp phát thuốc, điều dưỡng; Quản lý chấm công, tính lương, tính thuế thu nhập cá nhân, tính bảo hiểm xã hội.
Đặc biệt, đối với giải pháp quản lý đầu tư xây dựng, EVNICT đã triển khai phần mềm quản lý thông tin dự án đầu tư xây dựng; Quản lý công tác kế hoạch đầu tư xây dựng; Quản lý thủ tục đầu tư; Quản lý đấu thầu, kho dữ liệu nhà thầu; Quản lý thông tin hợp đồng, thực hiện hợp đồng; Quản lý thông tin nghiệm thu, thanh toán, quyết toán
Ứng dụng công nghệ cho công nhân hiện trường như giải pháp ứng dụng mobile tại hiện trường, cung cấp các giải pháp giám sát hiện trường trong hoạt động đầu tư xây dựng; giám sát thông qua ảnh chụp tại công trường; hiện trạng, thời gian thực tế thi công; tọa độ xác định vị trí thi công đường dây; khảo sát cấp điện; thi công treo tháo, lắp đặt thiết bị đo đếm, đóng cắt điện; thay đổi thông tin khách hàng; ghi chỉ số; thu tiền và kiểm tra điện.
Xác định dữ liệu là thành phần quan trọng trong chuyển đổi số, EVNICT đã nghiên cứu triển khai các giải pháp tổ chức, quản trị dữ liệu dùng chung trong EVN. EVNICT đang tiếp tục xây dựng tiêu chuẩn đánh mã cho các đối tượng dùng chung trong Tập đoàn. Cùng với việc hoàn thành triển khai giải pháp báo cáo thông minh cho công tác kinh doanh, EVNICT đang tiếp tục mở rộng cho các phần mềm dùng chung khác như: ERP, Đầu tư xây dựng, HRMS, PMIS.

Còn tiếp: Bài 3: Chuẩn bị nguồn lực

Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chuyen-doi-so-bai-2-evn-trien-khai-cach-day-20-nam/153659.html