Chuyển đổi số cấp xã tạo tiện ích cho chính quyền và người dân

Ngày 14/7/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 143/KH-UBND về thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi số (CĐS) cấp xã tại xã Nam Thượng (Kim Bôi) và xã Liên Sơn (Lương Sơn). Đến nay, mô hình thí điểm mang lại kết quả nhất định, từng bước tạo nên mô hình xã thông minh đem lại nhiều tiện ích cho chính quyền và người dân địa phương.

Cán bộ UBND xã Nam Thượng (Kim Bôi) sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong công việc.

Theo đánh giá của Sở TT&TT, thực hiện thí điểm CĐS cấp xã tại Nam Thượng và Liên Sơn được các doanh nghiệp, đơn vị tham gia CĐS tích cực triển khai thực hiện. 100% thôn, xóm được nâng cấp hạ tầng viễn thông; phủ sóng internet và phủ sóng di động 3G, 4G tất cả các thôn, xóm; mạng truyền số liệu chuyên dùng được thiết lập để sử dụng các dịch vụ triển khai chính quyền điện tử/chính quyền số theo yêu cầu. Hệ thống camera giám sát lắp đặt tại các điểm công cộng, điểm tập trung đông người, kết nối về Trung tâm giám sát điều hành thông minh IOC các xã nhằm tăng cường công tác bảo đảm ANTT công cộng, ngăn chặn hành vi trộm cắp, xả rác bừa bãi ra môi trường. Trong 3 nhóm nhiệm vụ chính, gồm: Xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số thì hiệu quả triển khai các nội dung về xây dựng chính quyền số có sự chuyển biến rõ rệt nhất.

Để đạt hiệu quả cao trong xây dựng chính quyền số, Ban chỉ đạo của tỉnh và tổ công tác tổ chức hướng dẫn nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT, bồi dưỡng kiến thức về an toàn, an ninh thông tin; kỹ năng sử dụng các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh như hệ thống quản lý văn bản, điều hành đến lãnh đạo, cán bộ cấp xã. Qua đó, tạo chuyển biến trong công tác quản lý, điều hành của UBND các xã, như việc sử dụng hiệu quả hệ thống quản lý văn bản và chữ ký số chuyên dùng. Lãnh đạo và cán bộ xã có thể giải quyết công việc ở mọi lúc, mọi nơi kể cả khi đi công tác, nên mọi việc được giải quyết nhanh chóng, kịp thời.

Đồng chí Bùi Văn Toán, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thượng cho biết: Việc thực hiện CĐS tạo nhiều tiện ích trong điều hành của chính quyền và giải quyết các thủ tục hành chính của người dân. 100% lãnh đạo xã sử dụng chữ ký số; 100% văn bản đi, đến của cơ quan được xử lý qua môi trường mạng; 100% ký số văn bản được duyệt chuyển phát hành trên phần mềm văn phòng điện tử văn bản điều hành. Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế "một cửa, một cửa liên thông” đã có 116 thủ tục hành chính cấp xã thuộc 11 lĩnh vực được niêm yết công khai, đầy đủ. Người dân hiểu và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tiếp nhận qua phần mềm một cửa điện tử đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ nộp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 100%.

Về phát triển kinh tế số, các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của 2 xã như chuối Viba (xã Liên Sơn), bí xanh, dưa chuột (xã Nam Thượng) đã được Bưu điện tỉnh và Viettel Hòa Bình hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn giúp các HTX, hộ sản xuất nông nghiệp mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thêm đối tác ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, kinh doanh. Về triển khai thanh toán điện tử, 100% cán bộ, công chức, viên chức xã được hỗ trợ công cụ và tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt. Tại các xã đều có điểm cung cấp dịch vụ nạp/rút tiền cho người dân.

Đối với phát triển xã hội số, các xã được triển khai ứng dụng phản ánh hiện trường, qua đó cung cấp kênh thông tin để hỗ trợ cho người dân phản ánh toàn diện các hoạt động trên địa xã khi nhận thấy các vấn đề bất cập, bằng cách cung cấp phản ánh của người dân tới UBND xã để kịp thời xử lý. Nhiều giải pháp giáo dục thông minh được cung cấp tại 100% trường học trên địa bàn các xã nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Hồ sơ sức khỏe của 100% người dân được thu thập, số hóa lên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, thiết lập hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) cho trạm y tế 2 xã nhằm nâng cao năng lực, chất lượng phục vụ người dân trong công tác khám, chữa bệnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thí điểm CĐS tại xã Nam Thượng và Liên Sơn còn một số nhiệm vụ chưa hoàn thành như: Chưa tổ chức các đợt tập huấn tuyên truyền đến nhân dân về công tác CĐS, sử dụng dịch vụ công, các dịch vụ tiện tích trong CĐS; hướng dẫn người dân tạo tài khoản, chụp ảnh, xây dựng video quảng bá sản phầm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Tỷ lệ thanh toán điện tử trong thương mại còn thấp… Thời gian tới, Sở TT&TT, Viettel Hòa Bình và Bưu điện tỉnh tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Nam Thượng, Liên Sơn tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng tới người dân; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của CĐS…

Thu Thủy

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/167103/chuyen-doi-so-cap-xa-tao-tien-ich-cho-chinh-quyen-va-nguoi-dan.htm