Chuyển đổi số để tăng năng suất: Con đường nhanh nhất để thoát tụt hậu

Tại Công ty May 10, từ khi chuyển đổi số thông qua đầu tư công nghệ mới, năng suất đã tăng theo cấp số nhân.

Tại Công ty May 10, từ khi chuyển đổi số thông qua đầu tư công nghệ mới, số hóa tất cả các phần mềm ứng dụng trên những dây chuyền sản xuất, năng suất đã tăng theo cấp số nhân. Thời gian để sản xuất một sản phẩm của May 10 đã giảm từ 1.980 giây xuống còn 690 giây. Mỗi công nhân giờ điều khiển một lúc hai máy và năng suất lao động đã tăng lên 52%, tỷ lệ hàng lỗi giảm xuống còn 8%. Thu nhập người lao động tăng 10%.

Chuyển đổi số đã giải quyết thách thức lớn nhất của dệt may Việt Nam là chi phí sản xuất ngày càng tăng lên, lợi thế nhân công giá rẻ không còn so với các nước trong khu vực. Nhiều đơn hàng có xu hướng chuyển sang các nước như Lào, Campuchia, Bangladesh vì ở đó tiền lương lao động thấp. Mặt khác, khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu còn thách thức không thể bỏ qua là xu hướng Fast Fashion (thời trang nhanh), sản xuất trong giai đoạn cực ngắn, không phải theo mùa nữa mà theo tuần. Vì vậy, luôn cần tiến độ sản xuất nhanh và giá cả cạnh tranh. Chỉ có chuyển đổi số, đầu tư cho công nghệ hiện đại mới mang đến sự thay đổi toàn diện, đáp ứng được những đòi hỏi này.

Ở một hãng nước giải khát hàng đầu Việt Nam, quyết định đầu tư dây chuyển công nghệ ứng dụng chuyển đổi số tự động 100% giúp nhà máy từ chỗ hơn 100 công nhân xuống còn 20 người và thực chất mỗi ca điều hành không quá 5 người. Năng suất tăng cả trăm lần nhưng quan trọng hơn đã cắt giảm toàn bộ sự tham gia bàn tay con người. Chu trình khép kín đã đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất thẳng vào Mỹ. Giảm chi phí lao động, xuất khẩu bán giá cao DN đã ăn lợi kép nhưng cái lớn hơn là nhờ chuyển đổi số mà thương hiệu địa phương đã vụt lên tầm quốc tế.

Còn một DN tuổi đời lâu năm với các sản phẩm truyền thống như Rạng Đông, vị lãnh đạo già gần 80 tuổi ở đây cũng xác định chiến lược của DN là chuyển đổi số. Toàn bộ các dự án đầu tư mới đều dựa trên tiêu chí cốt lõi chuyển đổi số để: tăng năng suất, nâng cao chất lượng, sáng tạo sản phẩm mới và giải pháp mới,... như thế mới tạo lợi thế cạnh tranh trước hàng giá rẻ và hàng Trung Quốc.

Sau 30 năm đổi mới, mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào các nguồn lực truyền thống đã đến mức tới hạn và Việt Nam đang đối mặt với bẫy thu nhập trung bình do không tăng được năng suất và hiệu quả của nền kinh tế.

Mặc dù có mức tăng trưởng năng suất lao động cao trong 10 năm qua (bình quân hơn 5%/năm), nhưng Việt Nam vẫn chưa thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác trong khu vực. Cụ thể, theo ước tính của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), năng suất lao động của Việt Nam hiện thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore. Còn Báo cáo 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) công bố cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.

Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đến 2030, trở thành nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao. Muốn hiện thực hóa khát vọng này, theo kinh nghiệm thế giới, tăng trưởng GDP trong vòng 20 năm tới phải đạt mức 8% mỗi năm. Với mức tăng trưởng GDP bình quân chỉ 6%/năm trong10 năm qua, thì Việt Nam khó vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.

Đột phá từ chuyển đổ số

Theo các chuyên gia, muốn đạt mức tăng trưởng GDP hàng năm cao thì phải dựa vào sự gia tăng của năng suất lao động, thay vì thâm dụng vốn như hiện nay. Chuyển đổi số sẽ tạo nguồn lực tăng trưởng mới và đây là cơ hội cho Việt Nam bứt phá vươn lên. Nếu không chuyển đổi số thì tăng năng suất lao động trung bình trong nhưng những năm tới khoảng 5-6%, nhưng nhờ chuyển đổi số mà chúng ta có thể tăng năng suất lên 8-10%. Khi tăng được năng suất lao động lên từ 8-10%, Việt Nam có khả năng vượt bẫy thu nhập trung bình.

Giáo sư Trần Thọ Đạt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong DN, sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy năng suất lao động.

Một kết quả nghiên cứu gần đây của Tổ chức Data 61 (Úc) cho thấy, giai đoạn từ 2020-2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số đóng góp từ 7% cho đến 16,5% trong 100% tốc độ tăng trưởng năng suất lao động tổng thể. Như vậy có thể thấy, đóng góp của kinh tế số là rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế và là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng năng suất lao động.

Theo ước tính của công ty tư vấn Mckinsey, chuyển đổi số sẽ mang lại hàng nghìn tỷ USD lợi ích nhờ tăng hiệu quả quản lý, tăng sản lượng, tăng giá trị và giảm chi phí vật tư.

Tại Việt Nam, chuyển đổi số mới bắt đầu và đang gặp nhiều thách thức. Theo thống kê, khối lượng dữ liệu đã được số hóa của các tổ chức tại Việt Nam hiện nay mới ước đạt 30%. Còn lại chưa triển khai và chưa có biện pháp quản lý khai thác hiệu quả.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương và Chương trình phát triển Liên hợp quốc khảo sát 2.659 DN thuộc 18 ngành công nghiệp, về độ sẵn sàng tiếp cận các thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, có 21% mới ở vị trí nhập cuộc và 61% còn đứng ngoài.

Điều tra mới đây của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho thấy, hầu hết các DN Việt vẫn chưa biết phải bắt đầu chiến lược chuyển đổi số từ đâu. Tư duy ngại thay đổi, sợ rủi ro là rào cản lớn nhất trong cộng đồng DN hiện nay. Những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ hiện rất mơ hồ về khái niệm chuyển đổi số. Phần lớn chưa tiếp cận các công nghệ kỹ thuật số, chưa được trang bị tư duy kinh doanh trên nền tảng số, thiếu sự thấu hiểu khách hàng, thiếu nguồn thu thập và lưu trữ dữ liệu vận hành, thiếu chiến lược kinh doanh trên nền tảng số.

Cùng với đó, chi phí DN bỏ ra để phục vụ chiến lược chuyển đổi số không hề nhỏ nếu muốn có nền tảng số riêng cho mình. Ví dụ như các công cụ phần mềm quản lý mối quan hệ với khách hàng, quản lý nhân sự, quản lý tài chính, quản lý công việc,... Với nguồn lực hạn chế và khó khăn trong tiếp cận vốn đang là điểm yếu đối vối các DN trong chuyển đổi số.

Ngoài ra, các chính sách và khuôn khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh và còn nhiều kẽ hở trong việc giải quyết các tranh chấp đang hạn chế các DN đẩy mạnh chuyển đổi số, mà cụ thể là những vướng mắc trong các quy định về giao dịch điện tử, chữ ký số, hợp đồng điện tử, quy định trách nhiệm của các bên khi xảy ra tranh chấp,...

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh việc khắc phục những yếu kém đặc trưng của một nền kinh tế ở giai đoạn thu nhập trung bình thấp, Việt Nam cần bắt tay ngay vào phát triển kinh tế sáng tạo. Muốn đưa đất nước đi vào quỹ đạo của nền kinh tế sáng tạo, trước hết phải tạo ra đột phá về chuyển đổi số. Một nền kinh tế sáng tạo luôn là sự kết hợp giữa các ứng dụng công nghệ hiện đại với năng suất lao động cao với sự học hỏi không ngừng và sự đổi mới. Phương tiện kỹ thuật số nói riêng và công nghệ số nói chung sẽ gia tăng cơ hội đáng kể trong việc phát triển kinh tế sáng tạo.

Một nghiên cứu của Công ty tư vấn PwC chỉ ra rằng, mức tăng trưởng của kinh tế sáng tạo ước tính sẽ vượt xa mức tăng trưởng kinh tế trung bình thế giới. Năm 2021 sẽ đạt 4,6%, cao hơn 4,2% mức trung bình của tất cả các nền kinh tế.

Cũng theo Vietnam Report, các DN đã nhận thức được phải quyết tâm chuyển đổi số, nếu không sẽ bị bỏ lại ở phía sau. Tuy nhiên, cần có sự hỗ trợ hiệu quả từ Chính phủ cho công cuộc chuyển đổi số thành công. Các giải pháp mà DN đề xuất đó là: Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực số, nâng cấp hạ tầng Internet và an ninh mạng. Hỗ trợ các DN xây dựng chiến lược chuyển đổi số với kế hoạch hành động cụ thể. Có chế tài khuyến khích chuyển đổi số.

Trần Thủy

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/chuyen-doi-so-de-tang-nang-suat-con-duong-nhanh-nhat-de-thoat-tut-hau-n-474640.html