Chuyển đổi số giúp làng nghề Bát Tràng 'giữ lửa' lò gốm

Làng gốm Bát Tràng đang nắm bắt dòng chảy công nghệ số, từng bước chuyển mình mạnh mẽ, tạo điều kiện cho những sản phẩm làng nghề truyền thống vươn xa hơn. Do đó, Bát Tràng được biết đến là một trong những làng nghề đầu tiên trên địa bàn Hà Nội ứng dụng công nghệ số để phát triển 'du lịch thông minh'...

Nghệ nhân Vũ Như Quỳnh đang giới thiệu sản phẩm gốm đắp nổi cho du khách, tại làng gốm Bát Tràng. Ảnh Nguyễn Vũ

Nghệ nhân đưa công nghệ số vào làng nghề

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống 4 đời làm gốm tại làng gốm Bát Tràng, Vũ Như Quỳnh ban đầu không chọn làm gốm mà học ngành thiết kế thời trang tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Nhưng, duyên phận của người con sinh ra từ làng gốm đã in sâu trong từng hơi thở của cô gái 8x nên sau thời gian trải nghiệm, thử làm những công việc bên ngoài, Như Quỳnh quyết định về nhà và trở thành thế hệ thứ 5 làm gốm của gia đình.

Với tình yêu gốm mãnh liệt và sự chỉn chu, cẩn thận trong nghiên cứu thị trường, nắm bắt thời đại công nghệ mới nữ nghệ nhân Vũ Như Quỳnh chọn cho mình một lối đi riêng, đó là chế tác sản phẩm gốm phong thủy, tâm linh, đưa gốm truyền thống đi vào đời sống bằng công nghệ số.

Nghệ nhân Vũ Như Quỳnh chia sẻ: Mình chọn dòng hàng gốm tâm linh cũng là do nghĩ sản phẩm dòng gốm đó cần tỉ mỷ vừa mang tính thẩm mỹ, vừa toát lên hồn cốt của người Việt. Nhất là dòng sản phẩm này đưa kỹ thuật 3D vào phục hồi lại họa tiết hoa văn cổ như hoa mẫu đơn, đào, chim công, rồng chầu mặt nguyệt… Nhiều năm âm thầm thử nghiệm những kỹ thuật mới, đắp nổi hoa văn cổ, từng họa tiết lông chim công... được đắp nổi và “tỉa” tinh tế như thật trên bình gốm cũng là từng ấy thời gian nữ nghệ nhân trẻ phải đập bỏ hàng nghìn sản phẩm.

Thành công với dòng sản phẩm gốm hoa văn đắp nổi, sơn son thếp vàng, dát vàng, khảm ngọc... để tạo ra những sản phẩm có giá trị mỹ thuật, kinh tế cao, phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Những sản phẩm nổi bật nhất của chị là dòng sản phẩm lọ lộc bình các loại, chóe và các đồ thờ cúng, tâm linh...

Nghệ nhân Vũ Như Quỳnh chia sẻ với các cộng sự về quy trình đưa sản phẩm lên trang điện tử. Ảnh: Nguyễn Vũ

Ứng dụng công nghệ marketing cho sản phẩm

Với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thì những sản phẩm làng nghề đang dần đến gần hơn với nhiều người. Vừa áp dụng thiết bị máy móc vào sản xuất, vừa bắt nhịp công nghệ số vào quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, các sản phẩm làng nghề truyền thống kết hợp với các hình thức bán hàng thương mại điện tử, các làng nghề tích cực đổi mới nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ người tiêu dùng.

Nhưng điều khiến những sản phẩm làng nghề truyền thống đi xa hơn vẫn là nhờ vào sự nỗ lực và trí tuệ của con người thợ và nghệ nhân, doanh nhân làng nghề. Vượt qua thách thức của thời gian và địa lý, với sự kiên trì gìn giữ tinh hoa làng nghề mong cho những sản phẩm của quê hương mình vươn ra thế giới. Vũ Như Quỳnh ngày đêm không ngừng tìm hiểu thị trường, tìm hiểu thương mại điện tử.

Nghệ nhân Vũ Như Quỳnh chia sẻ kinh nghiệm: Muốn đưa sản phẩm của mình lên trang điện tử rất cần kỹ thuật nhưng không quên mình phải xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm. Như khi làm tiktok, youtube... thì câu chuyện chính là hồn cốt sản phẩm, câu chuyện phải chạm đến trái tim khách hàng. Khách hàng bây giờ chủ yếu mua sản phẩm qua mạng xã hội nên không có điều kiện tận mắt nhìn hay cầm sản phẩm vậy nhờ những kỹ thuật trên sản phẩm đã đến tận tay khách dù là ở đâu. Đây là kênh bán hàng rất thuận lợi và chi phí trung gian thấp khách hàng có lợi nên mặc dù năm nay kinh tế khó khăn nhưng nhìn chung sản phẩm của gốm Bát Tràng vẫn bán được trên thị trường trong và ngoài nước.

Vừa là nghệ nhân, vừa là doanh nhân, hiện Vũ Như Quỳnh được bầu là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Nữ nghệ nhân, doanh nhân Bát Tràng. CLB hiện có 135 chị em phụ nữ tham gia. Chị cũng là người “truyền lửa” - lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho thế hệ trẻ, cho những chị em phụ nữ Bát Tràng, qua đó góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống của quê hương.

Tâm sự với PV ấn phẩm Pháp luật & Xã hội (Báo Kinh tế và Đô thị), nghệ nhân Vũ Như Quỳnh cho biết: Sang năm 2024, chị mong muốn tìm được một chuyên gia đào tạo cho chị em trong CLB kỹ năng bán hàng cho từng dòng sản phẩm gốm. Đồng thời sẽ tạo nhiều điều kiện cho chị em trong CLB đi tham quan, giao lưu học hỏi các làm thị trường trong và ngoài nước với nghề truyền thống. Kết nối với một số nước gửi chị em trong CLB sang học kỹ thuật nghề nâng cao, học công nghệ, học maketinh... nhất là mở các lớp học ngoại ngữ tại địa phương cho chị em học để phục vụ giao tiếp bán hàng, đọc tài liệu tìm hiểu thị trường, luật thương mại các nước khi có nhu cầu xuất hàng sang đó.

Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Hà Nội chia sẻ: Thực tế việc triển khai chuyển đổi số đang tạo ra những thay đổi cụ thể cho du lịch làng nghề Bát Tràng. Bên cạnh đó, Bát Tràng cũng được biết đến là một trong những làng nghề đầu tiên trên địa bàn Hà Nội ứng dụng công nghệ số để phát triển "du lịch thông minh". Đến nay, UBND xã cũng đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên số, bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ, thương mại Bát Tràng dưới dạng phim 3D, băng âm thanh, hình ảnh, văn bản; phần mềm du lịch thông minh ứng dụng trên thiết bị thông minh; lắp đặt wifi miễn phí...

Nói về nghệ nhân nữ ở Bát Tràng, bà Hà Thị Vinh chia sẻ: Vũ Như Quỳnh là phụ nữ điển hình tiếp nối truyền thống phụ nữ Bát Tràng. May mắn, được sinh ra trong gia đình có truyền thống của nghề gốm, nghệ nhân Vũ Như Quỳnh có điều kiện và thăng hoa trong sáng tác và làm nghề. Với những đóng góp cho làng nghề Bát Tràng, nghệ nhân Vũ Như Quỳnh cũng đạt được các giải thưởng cao trong nghề như: Giải vàng “Bộ 3 sản phẩm gốm” trong triển lãm Hương sắc gốm Bát Tràng tại Cung thành Huế; Bằng khen của Hội liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội và được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2022...

Nguyễn Vũ - Hải Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chuyen-doi-so-giup-lang-nghe-bat-trang-giu-lua-lo-gom-368582.html