Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân

Ngày 13/10, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hà Nội diễn ra hội thảo 'Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân' do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì và giao Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt điện tử thực hiện.

Các đại biểu chủ trì Hội thảo.

Hội thảo nằm trong chuỗi Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2023 và sự kiện Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân lần thứ 5 năm 2023. Hội thảo diễn ra vào dịp kỷ niệm 93 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2023) và kỷ niệm Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10/2023.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nêu rõ: Cuộc cách mạng công nghiệp công nghệ lần thứ 4 gắn liền với chuyển đổi số, phát triển Kinh tế số, Xã hội số, Chính phủ số đã và đang trở thành động lực chính dẫn dắt xu thế phát triển kinh tế giới và mỗi quốc gia.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu khai mạc Hội thảo.

“Sứ mệnh lớn lao của chuyển đổi số là phổ cập, cá nhân hóa dịch vụ số như giáo dục, y tế, ngân hàng để tới người dân. Từ đó, từ nông thôn, vùng sâu, vùng xa... đều có thể tiếp cận được dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, văn minh và hiện đại. Hội Thảo chuyển đổi số diễn ra trong dịp kỷ niệm về chuyển đổi số Quốc gia càng cho thấy ý nghĩa của hoạt động này”, ông Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.

Phủ sóng dịch vụ ngân hàng

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số, trong đó, người nông dân là trung tâm của chuyển đổi số. Đối với ngành ngân hàng, tương tự như ngành nông nghiệp lấy nông dân làm trung tâm của chuyển đổi số, ngành ngân hàng lấy khách hàng làm trung tâm của chuyển đổi số, làm thước đo của kết quả chuyển đổi số thông qua tiện ích gia tăng, trải nghiệm của người dùng.

Theo Vụ Trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Anh Tuấn, hiện nay, chúng ta đã và đang triển khai chiến lược tài chính toàn diện. Trong đó, với mục tiêu ứng dụng công nghệ số thúc đẩy đổi mới sáng tạo để làm sao sản xuất sản phẩm phù hợp với nhu cầu cũng như khả năng chi trả của nông dân; đặc biệt, với người dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đối tượng thu nhập thấp.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Anh Tuấn.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến nay, đã có 124 tổ chức tín dụng; 1179 Quỹ Tín dụng Nhân dân, 4 tổ chức tài chính vi mô; 16 Công ty tài chính; số lượng cây ATM đạt hơn 21 nghìn và hơn 490 nghìn POS. Tỷ lệ bao phủ cũng đã tăng trưởng mạnh với tỷ lệ xã/thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính trên tổng số xã/thị trấn trên toàn quốc đạt 32,60% (năm 2022).

Bên cạnh đó, đã triển khai hơn 92.000 điểm giao dịch, trong đó số điểm ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa chiếm hơn 62%. Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ đạt 13,9 triệu; số lượng giao dịch đạt 25,63 triệu với giá trị đạt hơn 183.000 tỷ đồng. Đồng thời, trên ứng dụng mobile banking cho phép người nông dân đăng ký, sử dụng các dịch vụ ngân hàng (tiền gửi, thanh toán, vay,..) không cần đến phòng giao dịch, chi nhánh.

Nâng cao chuyển đổi số cho nông dân

Có thể nói, hành lang pháp lý và cơ sở hạ tầng đối với lĩnh vực chuyển đổi số trong ngành ngân hàng đang dần hoàn thiện nhằm mang dịch vụ tốt nhất đến với người nông dân. Tuy nhiên, tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đặt ra vấn đề: “cần suy nghĩ tầm quốc gia về chuyển đổi số cho người nông dân, nông thôn”.

Theo Tiến sĩ Hiển, các chính sách của Nhà nước đều nhấn mạnh chuyển đổi số sẽ được thực hiện trong hai ngành ưu tiên: tài chính ngân hàng và nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tại Việt Nam, khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn rất quan trọng, hiện 65,4% số dân đang ở khu vực nông thôn. Đóng góp trong GDP của lĩnh vực nông lâm, thủy sản hiện chiếm 11,8%, nhưng nếu tính toán đủ thì lớn hơn nhiều bởi ngành này có tính lan tỏa rất lớn.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển.

“Chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, khâu trung gian vẫn có tỷ lệ lớn. Vì vậy, người nông dân cần chuyển đổi số, bán hàng trên môi trường điện tử nhằm rút ngắn khâu trung gian, gia tăng giá trị nông sản của chính mình, đa dạng khách hàng.. Khu vực nông nghiệp là thị trường, khách hàng quan trọng đặc biệt. Việt Nam xác định chuyển đổi số là toàn dân, toàn diện, rút ngắn chuyển đổi số đặc biệt cho nông nghiệp, bởi tính chất ngành nghề và những đóng góp của nông nghiệp là lớn", ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.

Đối với ngân hàng, đây là mạch máu của nền kinh tế, lĩnh vực tiên phong chuyển đổi số. Vì vậy, TS Nguyễn Đức Hiển cũng cho rằng cần triển khai tài chính toàn diện, nâng cao chuyển đổi cho nông dân và thúc đẩy công nghệ chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cũng bày tỏ băn khoăn, liệu chúng ta có đưa ra sản phầm quy trình, công nghệ dành riêng cho bà con nông dân hay nông? Hay tới đây sẽ không có phân biệt là bà con nông dân hay không phải nông dân? Nông nghiệp hay công nghiệp hay dịch vụ hay đây là nền tảng chung cho mọi ngành?

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh.

“Sự chuyển dịch nông nghiệp, nông dân trong thời gian gần đây, tôi cho rằng đối tượng của Hội nông dân không chỉ là bà con nông dân trực tiếp mà tất cả những người tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp, rất nhiều thành phần. Đơn cử, một người du học ở nước ngoài, bản thân họ cũng là một nông dân. Trình độ, tư duy của người nông dân hiện tại và 10 năm tới rất khác biệt so với nông dân hiện nay. Tôi mong rằng những chia sẻ ở đây không phải riêng cho người nông dân mà trình độ, mặt bằng đã tiến tới ngang bằng của xã hội trong cách thức làm chính sách, ứng xử với bà con nông dân", Tiến sĩ Ánh bày tỏ.

Bên cạnh những mặt tích cực của việc chuyển đối số trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính đối với người nông dân, Trung tá Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng A05 (Bộ Công an) cũng đã đề cập tới tình trạng và nguy cơ có thể bị chiếm đoạt tài sản thông qua các ứng dụng tài khoản ngân hàng: "Thứ nhất, tội phạm mạng, tội phạm lừa đảo qua mạng không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn phổ biến trên toàn cầu, ngay cả những nước tiên tiến như: Mỹ, Australia... cũng có tình trạng lừa đảo qua mạng.

Sở dĩ có những tội phạm lừa đảo qua mạng là vì chúng ta sử dụng các dịch vụ qua mạng rất lớn, vô hình chung các hoạt động đời sống, tài nguyên, tài sản đưa lên môi trường mạng. Trong khi đó, các biện pháp bảo vệ của Nhà nước, cá nhân chưa tương xứng, thì đương nhiên dẫn đến những nguy cơ thách thức liên quan tới tội phạm”, Trung tá Tùng chia sẻ.

Trung tá Triệu Mạnh Tùng.

Cũng theo ông Triệu Mạnh Tùng, hiện nay, Bộ Công an đang phối hợp Ngân hàng Nhà nước triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn lừa đảo, dẫn đến tình trạng lừa đảo cũng đã giảm đi nhiều. Trong thời gian tới, các ngân hàng sử dụng ứng dụng nhận diện qua khuôn mặt sẽ hạn chế được việc sử dụng tài khoản của người khác để thực hiện giao dịch…

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuyen-doi-so-ngan-hang-tai-chinh-va-co-hoi-cua-nong-dan-post777461.html