Chuyển đổi số ở Cà Mau: Khẩn trương, quyết liệt và trọng tâm

Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2030 số hóa toàn diện các lĩnh vực, đưa kinh tế số thành lợi thế cạnh tranh (chiếm 20% GRDP của tỉnh) và trở thành một trong những tỉnh chuyển đổi số thành công của cả nước.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt dự Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp giai đoạn 2022 -2025.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt dự Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp giai đoạn 2022 -2025.

Xác định chuyển đổi số là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, từ tháng 12/2020, tỉnh Cà Mau bắt tay triển khai “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 749/QÐ-TTg, ngày 3/6 của Thủ tướng Chính phủ.

Những tín hiệu tích cực

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng, với sự quyết tâm, năng động, toàn tỉnh triển khai các giải pháp kỹ thuật trong hoạt động của chính quyền số, nhất là trong chuyển đổi số thực hiện mục tiêu giải quyết thủ tục hành chính mà Chỉ số Cải cách hành chính (PAR index) về hiện đại hóa hành chính tỉnh Cà Mau đứng thứ hai cả nước, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đây có thể xem là kết quả nổi bật của tỉnh trong xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số. Riêng Chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính (SIPAS) của tỉnh đạt 87,92%, xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ ba khu vực ĐBSCL (sau tỉnh Sóc Trăng và Đồng Tháp).

Tiếp nối những tín hiệu tích cực của năm 2021, bước sang năm 2022, công tác triển khai chương trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn. Tính trong tám tháng đầu năm nay, toàn tỉnh Cà Mau đã có 167.300 số thuê bao băng rộng cố định (cáp quang), tăng 12,4%; có 797.573 thuê bao băng rộng di động (3G/4G), tăng 11,3%, so với cùng kỳ của năm 2021.

Hệ thống iOffice đã triển khai trên 655 cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh, có gần 11.000 tài khoản người dùng. Tổng số chữ ký số chuyên dùng đang sử dụng tại các cơ quan, đơn vị nhà nước là 1.733, tăng 592 chữ ký so với năm 2021.

Về ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp, đã công khai 1.974 thủ tục hành chính cấp tỉnh; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ là 37%. Trong tám tháng năm 2022, có 2.191 lượt cài đặt ứng dụng CaMau-G, lũy kế đến nay có 4.950 lượt cài đặt; số lượng sử dụng ứng dụng (trong năm 2022) là 2.975; đã tiếp nhận 142 phản ánh của tổ chức, cá nhân trên ứng dụng phản ánh hiện trường.

Đặc biệt, Cà Mau triển khai ứng dụng CaMau-G trên cả nền tảng IOS và Android làm đại diện cho các hệ thống phần mềm chính quyền điện tử của tỉnh. Mục đích là tập trung về một đầu mối cài đặt một lần để sử dụng nhiều dịch vụ số, hướng tới phục vụ đa dạng người dùng, tăng trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp trên môi trường số.

Thông qua ứng dụng, người dân, doanh nghiệp và khách du lịch có thể phản ánh những vấn đề bất cập ở địa phương, từ đó giúp các cơ quan liên quan kịp thời đưa ra các phương án xử lý, phát huy hiệu quả công tác quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng chất lượng phục vụ người dân.

Ngày 4/3/2022, UBND tỉnh Cà Mau quyết định chủ trương đầu tư Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) với tổng kinh phí 28 tỷ đồng. IOC là hệ thống hiển thị thông tin tập trung, là bộ phận cốt lõi trong triển khai Chính phủ số, Chính quyền số. Đây được xem là một trong những giải pháp trọng tâm hiện thực hóa, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia từ các cấp chính quyền địa phương tới các bộ, ngành Trung ương.

Hình ảnh về Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy người dân làm trung tâm

Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Cà Mau được giao thực hiện 20 nhiệm vụ, trong đó 10 nhiệm vụ có thời hạn và 10 nhiệm vụ không có thời hạn, thực hiện theo định kỳ hàng năm.

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành năm nhiệm vụ, năm nhiệm vụ đang triển khai. Đối với các nhiệm vụ không có thời hạn, đã triển khai bảy nhiệm vụ, hai nhiệm vụ chưa đến kỳ triển khai, một nhiệm vụ chưa triển khai.

Ngày 14/7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1929/QĐ-UBND ngày 1/8/2022 ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương về triển khai thực hiện việc đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cung ứng dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường cung ứng các dịch vụ công trực tuyến.

Tất cả thực hiện với mục tiêu chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là dễ dàng, thiết thực. Từ đó, tạo nên cộng đồng số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Cà Mau ngày 18/8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt - Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã đề nghị các cấp, các ngành tập trung thực hiện một số nội dung, giải pháp trọng tâm sau:

Các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt công tác chuyển đổi số đạt kết quả theo các chỉ tiêu Nghị quyết tỉnh ủy, đề án UBND tỉnh ban hành. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi số vào các hoạt động cơ quan, đơn vị địa phương đảm bảo phù hợp.

Tăng cường khả năng kết nối liên thông tích hợp chia sẻ sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống thông tin. Tăng cường sử dụng các văn bản điện tử, nhất là chữ ký số, hộp thư điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Cập nhật tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh, xây dựng kế hoạch đảm bảo triển khai đồng bộ, hiệu quả. Bên cạnh đó, tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu và tích cực thực hiện công tác chuyển đổi số với tinh thần người dân là chủ thể, trung tâm.

Đặc biệt, phổ biến các phần mềm, các ứng dụng cho người dân biết sử dụng hiệu quả như: dịch vụ công trực tuyến, phản ánh hiện trường, thanh toán không dùng tiền mặt, đặt lịch khám bệnh từ xa, sổ khám sức khỏe điện tử, khai thuế điện tử... tổ chức tập huấn hướng dẫn Tổ công nghệ số cộng đồng đảm bảo thiết thực, chất lượng.

Với sự lãnh đạo sát sao, khẩn trương cùng quyết tâm, nỗ lực của toàn bộ chính quyền tỉnh Cà Mau, mục tiêu đến năm 2030 sẽ số hóa toàn diện các lĩnh vực, đồng thời đưa Cà Mau trở thành một trong những tỉnh chuyển đổi số thành công của cả nước chắc chắn sẽ thu được nhiều “trái ngọt”.

Bà Hồ Lệ Quyên, Phó Giám đốc VNPT Cà Mau

Trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi, từng bước thích ứng với trạng thái bình thường sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số là chiến lược tất yếu, là lựa chọn cần thiết giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Tất cả các giải pháp công nghệ số đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là tiện ích của người dân. Chính vì vậy, sự tiếp cận, ứng dụng các tiện ích của người dân đóng vai trò quyết định trong tiến trình chuyển đổi số.

Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động, tỉnh Cà Mau đã qua luôn tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy giá trị đổi mới sáng tạo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Theo đánh giá của tôi, việc tiếp cận, trải nghiệm các ứng dụng tiện ích của người dân Cà Mau cũng đã khá nhiều.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao hơn, theo tôi, chúng ta cần phải tăng cường truyền thông, hướng dẫn tích cực, thiết thực để nâng cao trải nghiệm của người dân. Hiện nay, UBND tỉnh đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng và hoạt động chính của tổ công nghệ số là tập huấn, hướng dẫn trực tiếp cho người dân sử dụng các tiện ích của công nghệ số. Bắt đầu sẽ thí điểm tại một vài xã, sau đó sẽ nhân rộng. Đây cũng là giải pháp đột phá, sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy nhận thức và hiểu biết của người dân, doanh nghiệp về lợi ích và tầm quan trọng của chuyển đổi số.

(Nguồn: Báo Cà Mau)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-doi-so-o-ca-mau-khan-truong-quyet-liet-va-trong-tam-198503.html