Chuyển đổi số sẽ thay đổi Đà Nẵng thế nào?

Chuyển đổi số (CĐS) sẽ giúp Đà Nẵng phá vỡ 'điểm nghẽn' phát triển, hướng tới mục tiêu kinh tế số chiếm 25% GRDP của thành phố trong 5 năm tới. Lâu nay, doanh nghiệp (DN) Đà Nẵng tự ti vì quy mô siêu nhỏ, khó cạnh tranh với những 'cá mập' khác khi ra thương trường. Nhưng trong cuộc đua CĐS rất công bằng hiện nay sẽ không có cảnh 'cá lớn nuốt cá bé' mà ai nhanh hơn sẽ thắng.

Chuyển đổi số (CĐS) sẽ giúp Đà Nẵng phá vỡ “điểm nghẽn” phát triển, hướng tới mục tiêu kinh tế số chiếm 25% GRDP của thành phố trong 5 năm tới. Lâu nay, doanh nghiệp (DN) Đà Nẵng tự ti vì quy mô siêu nhỏ, khó cạnh tranh với những “cá mập” khác khi ra thương trường. Nhưng trong cuộc đua CĐS rất công bằng hiện nay sẽ không có cảnh “cá lớn nuốt cá bé” mà ai nhanh hơn sẽ thắng.

Ông Lê Quang Nam, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia CĐS Đà Nẵng, cho rằng CĐS là “chìa khóa chính” để gỡ điểm nghẽn, tạo phát triển đột phá cho TP.

Ông Lê Quang Nam, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia CĐS Đà Nẵng, cho rằng CĐS là “chìa khóa chính” để gỡ điểm nghẽn, tạo phát triển đột phá cho TP.

Phát động giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021

Ngày 6-4, tại Đà Nẵng, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phát động Chương trình bình chọn, trao tặng giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards” năm 2021 (VDA 2021). Đây là giải thưởng danh giá, tôn vinh thành tựu CĐS xuất sắc của những cá nhân, DN, đơn vị sự nghiệp, cơ quan Nhà nước, góp phần thúc đẩy công cuộc CĐS quốc gia. VDA 2021 sẽ có 4 hạng mục giải thưởng gồm Sản phẩm CĐS tiêu biểu, DN CĐS xuất sắc, Cơ quan Nhà nước CĐS xuất sắc, Sản phẩm CĐS vì cộng đồng. BTC sẽ nhận hồ sơ đến hết tháng 7-2021 và tiến hành trao giải vào tháng 10-2021.

Nếu CĐS và có những sản phẩm sang tạo phổ biến, những doanh nghiệp nhỏ của Đà Nẵng hoàn toàn có thể biến thành khổng lồ trong thời gian ngắn. Cuộc đua CĐS đang diễn ra mạnh mẽ giữa các quốc gia, các thành phố, các doanh nghiệp... và sẽ tạo ra những thay đổi căn bản.

Thần tốc hơn nữa!

Trong chuyển đổi số (CĐS) ai chuyển đổi trước người đó sẽ làm chủ cuộc chơi và chiếm lĩnh toàn bộ sân chơi không còn chỗ cho những ai đi sau. Điều đó đòi hỏi cuộc đua này phải thần tốc, thần tốc hơn nữa. Ông Vũ Tuấn Anh – Phó Tổng Giám đốc Dr SME cho biết, trong quá khứ, thật khó cho DN nhỏ địa phương có các công nghệ hiện đại như các DN lớn trên thế giới đang sử dụng. Nhưng hiện nay, với các công nghệ CĐS như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo DN nhỏ nếu thực sự quyết tâm CĐS vẫn có thể tiếp cận.

Sân chơi CĐS là công bằng, chỉ có cảnh “cá nhanh nuốt cá chậm” chứ không còn phụ thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ. Do đó, DN địa phương càng nhỏ, càng phải CĐS nếu không sẽ bị đè bẹp, chết yểu. Cũng theo ông Anh, CĐS là xu hướng bắt buộc, DN cần phải thực hiện ngay lập tức. Tuy nhiên thực hiện CĐS ngay lập tức không phải là tư duy ngày mai đi mua một phần mềm hay một công nghệ về áp dụng mà không quan tâm tới bối cảnh nguồn lực và những điều kiện riêng mà DN đang có. Để CĐS thành công trong DN ngoài tốc độ cần đánh giá năng lực của DN mình, tiến hành đào tạo phát triển kỹ năng tri thức số cho toàn bộ nhân lực và thúc đẩy tinh thần sáng tạo, dấn thân.

Trong khi đó, ông Ngô Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Softech Đà Nẵng cho rằng, để CĐS nhanh và thành công, DN cần biết rõ mình đang có gì, muốn gì, cần giải quyết cái gì? Trước khi áp dụng các phần mềm ứng dụng thì phần quy trình nghiệp vụ cần phải chuẩn hóa, có cấu trúc thông tin rõ ràng, logic. Đặc biệt, ông Tùng cho biết, hiện nay chưa có quy định hoặc khung hướng dẫn đối với các đơn vị triển khai phần mềm phổ biến, điều này gây khó khăn cho DN khi CĐS. Chẳng hạn với các phần mềm có hơn 100 khách hàng thì phải xây dựng bộ API để các phần mềm khác (của các đơn vị khách triển khai) có thể tích hợp hoặc khai thác dữ liệu, nếu việc này phổ biến sẽ giúp các DN CĐS tăng tốc độ chuyển đổi, tiết kiệm nhiều chi phí.

Tất nhiên ngoài yếu tố công nghệ, nhận thức về tư duy CĐS thì nguồn nhân lực phục vụ CĐS luôn là bức thiết hàng đầu. Làm sao có đủ nguồn nhân lực CĐS đảm bảo chất lượng vẫn là thách thức lớn với Đà Nẵng. Hiện TP có 25 trường đại học, cao đẳng có khoa CNTT mỗi năm bổ sung 5.000 nhân lực. Tuy vậy, trước nhu cầu và yêu cầu cao hơn của cuộc chạy đua CĐS, chất lượng nhân lực CNTT mới là thách thức chính. TS Nguyễn Quang Như Quỳnh, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết, để tạo ra những đột phá đáp ứng nhu cầu CĐS thì phải giải quyết tốt yêu cầu nguồn nhân lực. Mà muốn thế, trước tiên phải xây dựng chương trình đạo tạo chuẩn, gắn kết giữa nhà trường và DN. Mặt khác, cần tạo đột phá trong nghiên cứu khoa học trong sinh viên bằng cách gắn liền nghiên cứu khoa học với đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Từ đây, có thể là khởi đầu cho các sáng tạo, giải pháp về CĐS hoặc chí ít cũng tập dượt kỹ năng, tạo bản lĩnh, tâm lý cho sinh viên khi ra trường tiếp cận ngay được với yêu cầu CĐS của DN.

DN công nghệ số của Đà Nẵng phần lớn quy mô nhỏ, gia công, do đó cần chuyển đổi sang hoàn thiện sản phẩm tại TP mới thúc đẩy kinh tế số phát triển.

Gỡ “điểm nghẽn” phát triển

Đà Nẵng đang vướng phải những điểm nghẽn làm chậm lại quá trình phát triển mà CĐS được xác định như là “chìa khóa chính” để tháo gỡ, tạo ra động lực phát triển đột phá. Ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, CĐS là chìa khóa để tiếp cận cách mạng 4.0, là bước chuyển đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cũng như lối sống, làm việc của người dân sang môi trường số rộng mở, văn minh, an toàn hơn. Vì lẽ đó, Đà Nẵng đã tích cực triển khai Chính quyền điện tử, TP thông minh. Nhiều sản phẩm sử dụng công nghệ số, dữ liệu số được xây dựng, sử dụng tại Đà Nẵng và nhiều địa phương khác. Nhiều sản phẩm CĐS xuất phát từ Đà Nẵng đã đạt các giải thưởng danh giá. Chẳng hạn năm 2020, Đà Nẵng đạt 5/40 giải thưởng về CĐS Việt Nam.

Theo ông Nam, trong tháng 4 này, Đà Nẵng sẽ ban hành Đề án CĐS với nhiều nội dung mở rộng theo đặc thù phát triển của TP, vượt lên so với Chương trình CĐS quốc gia. Để thực hiện thành công Đề án CĐS, đạt mục tiêu kinh tế số chiếm 25% GRDP TP trong 5 năm tới, ông Nam mong muốn các DN công nghệ số cần giảm tỷ lệ gia công sản phẩm cho nước ngoài, tập trung sản phẩm hoàn thiện, phục vụ tại TP và trong nước. Với các DN khác cần chủ động thiết kế lại mô hình, tối ưu hóa quy trình, áp dụng công nghệ, dữ liệu số để phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh cho biết, thuận lợi của TP khi CĐS là có nền tảng hạ tầng chuẩn bị tốt. Cụ thể đã kế thừa kết quả từ xây dựng Chính quyền điện tử, có các cơ sở đào tạo nhân lực dồi dào, số lượng DN công nghệ số /1.000 dân cao (2,5 DN). Tuy nhiên, ông Thanh cũng chỉ ra những khó khăn, như việc CĐS là thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, thay đổi cách làm việc… tức là diễn ra trên diện rộng, đòi hỏi sự vào cuộc tổng thể. Bên cạnh đó, DN số dù có tỷ lệ cao so với bình quân cả nước nhưng đa số là DN nhỏ và siêu nhỏ, chỉ có 2 DN quy mô trên 3 ngàn nhân lực. Các DN số của TP cũng chủ yếu gia công sản phẩm, giá trị gia tăng không cao. Muốn CĐS thành công, kinh tế số chiếm 25% GRDP của TP vào năm 2025 thì nhất thiết DN số phải xây dựng hoàn thiện các sản phẩm “made in Da Nang”.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_241080_chuyen-doi-so-se-thay-doi-da-nang-the-nao-.aspx