Chuyển đổi số trong cho vay tín dụng chính sách

Ngồi trên bè cá của mình ở lòng hồ Trị An (H.Vĩnh Cửu), ông Nguyễn Thanh Bình - một ngư dân ngoài 60 tuổi, xem số kỳ đóng gốc lãi đối với khoản vay chính sách của gia đình bằng điện thoại di động. Điều này thay thế cho việc ông phải gọi điện hay gặp trực tiếp tổ trưởng tổ kiết kiệm và vay vốn (TKVV) để hỏi thăm như trước kia.

Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (bìa trái) cùng người vay ở P.Tân Hòa (TP.Biên Hòa) trao đổi thông tin qua ứng dụng trên điện thoại trong phiên giao dịch tín dụng chính sách diễn ra vào tháng 6-2023. Ảnh: V.TRUYÊN

Sự tiện lợi mà ông Bình cũng như các khách hàng đang thụ hưởng là nhờ thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã tích cực thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng chính sách.

Tải hồ sơ, tìm hiểu thông tin từ điện thoại

Đa số tổ trưởng tổ TKVV hiện nay là tay ngang và phần lớn đều đã lớn tuổi, còn khách hàng vay chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn, hộ dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người cao tuổi… Do đó, việc ứng dụng thiết bị di động vào hoạt động cho vay chính sách không hề đơn giản.

Đến thời điểm này, tổng dư nợ trong toàn hệ thống Ngân hàng CSXH tỉnh là trên 4,45 ngàn tỷ đồng với trên 118 ngàn khách hàng đang vay vốn. So với đầu năm 2023, số tiền cho vay của Ngân hàng CSXH tăng hơn 250 tỷ đồng và tăng gần 4 ngàn khách hàng vay.

Ông Lưu Đình Nguyên, Tổ trưởng Tổ TKVV ấp 8, xã Sông Trầu (H.Trảng Bom) cho biết, ông đang quản lý 60 thành viên với số tiền vay trên 1,9 tỷ đồng. Chủ hộ vay hầu hết đều cao tuổi và ít vận dụng hay tìm hiểu các ứng dụng trên thiết bị di động. Bà con vẫn quen tìm hiểu thông tin vay vốn từ văn bản giấy, đóng tiền gốc lãi thì gặp mặt trực tiếp. Do vậy, việc ứng dụng của Ngân hàng CSXH trên thiết bị di động giúp ông giảm tải nhiều việc, bà con cũng thuận lợi khi có thể nhờ con cháu hay hàng xóm tải và đọc cho nghe các bước làm thủ tục vay vốn, in hồ sơ để điền thông tin.

Còn theo ông Võ Văn Dũng, Tổ trưởng Tổ TKVV KP.1, TT.Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu), hiện khu phố có 59 hộ vay là gia đình nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Biết chiếc điện thoại thông minh có cài ứng dụng của Ngân hàng CSXH, bà con chủ động cài để tìm hiểu thông tin về chương trình mình muốn vay.

Khi đã vay rồi, thông qua ứng dụng bà con chủ động nắm bắt thông tin về tiền gốc lãi hàng tháng mà mình đã trả đến giai đoạn nào và còn cần thanh toán bao nhiêu. Điều này rất quan trọng vì phòng tránh những thất thoát, hạn chế việc chậm trễ hay rủi ro khi phải qua bước trung gian thu nộp hộ giữa người vay và ngân hàng.

Chủ động hướng dẫn người vay

Theo thống kê của Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai, hiện có trên 50 ngàn khách hàng trong tổng số 118 ngàn trường hợp vay vốn chính sách đang thực hiện các giao dịch qua ứng dụng của ngân hàng trên thiết bị di động; 138/170 xã, phường, thị trấn đã triển khai chương trình này song mới chỉ có 1,1 ngàn/2,3 ngàn tổ trưởng tổ TKVV sử dụng các tiện ích giao dịch này.

Để tiếp tục tăng số lượng khách hàng và người làm công tác tín dụng chính sách sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động, theo ông Lê Bá Chuyên, Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai, việc thực hiện hiệu quả công tác tin học và chuyển đổi số, đặc biệt triển khai ứng dụng Mobile banking là một trong 11 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 của Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai.

Qua đó, nhiều chương trình tập huấn đã được Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai, các phòng giao dịch cấp huyện đẩy mạnh thực hiện. Từ đầu năm đến nay, hàng chục lớp tập huấn về nghiệp vụ tín dụng chính sách dành cho người kiêm nhiệm phối hợp thực hiện tín dụng CSXH là tổ trưởng TKVV, các trưởng khu phố, ấp; các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã đã được tổ chức. Trong chương trình, cán bộ Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã tập huấn, hướng dẫn các nội dung liên quan đến cài đặt, sử dụng các tiện ích trên thiết bị di động đối với ứng dụng của Ngân hàng CSXH.

Đồng thời, thông qua từng buổi tập huấn, người học còn được trao đổi các nội dung liên quan đến chương trình cho vay tín dụng ưu đãi, công tác bình xét cho vay, công tác tham dự bình xét của trưởng khu phố, ấp, hội đoàn thể nhận ủy thác. Ngoài ra, mỗi người còn được hướng dẫn, tuyên truyền sử dụng vốn vay đúng mục đích, công tác thu tiền gửi tiết kiệm, lãi hàng tháng của tổ trưởng tổ TKVV theo quy định...

Văn Truyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202307/chuyen-doi-so-trong-cho-vay-tin-dung-chinh-sach-3171298/