Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu - Tạo động lực mới cho doanh nghiệp

Cùng với cơ hội từ Hiệp định EVFTA, xu hướng chuyển đổi số từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu, tạo động lực, giúp doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tạo động lực cho doanh nghiệp xuất khẩu

Phát biểu tại Diễn đàn "Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA" sáng 28/7/2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh: Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức được ký kết, mở ra cánh cửa mới và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng. Theo đó, EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.

Tương tác giữa các diễn giả và khách mời tại Diễn đàn "Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA"

Tương tác giữa các diễn giả và khách mời tại Diễn đàn "Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA"

Cùng với cơ hội từ EVFTA, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020 cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C).

6 tháng đầu năm 2020 là giai đoạn dịch bệnh Covid-19 lây lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Dịch bệnh kéo theo các hệ lụy đối với hoạt động kinh tế như thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, tình hình khan hiếm nguyên liệu do chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn; các vấn đề về tài chính do gián đoạn sản xuất. Đặc biệt khi các nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ là các quốc gia có số ca bệnh lớn nhất và phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài, đây cũng là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, đây thực sự là thời điểm để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số. Trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho hay.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trước đây, hoạt động xuất khẩu chủ yếu là các doanh nghiệp lớn. Sự ra đời của các nền tảng thương mại điện tử đã giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có được cơ hội vươn ra thị trường thế giới, ngày càng bình đẳng với doanh nghiệp lớn trong nền thương mại toàn cầu. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ giờ đây có thể tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng nước ngoài. Hơn nữa, nhờ công nghệ dữ liệu lớn, họ có thể dễ dàng phân tích chính xác hành vi của người tiêu dùng ở mọi thị trường, chăm sóc khách hàng, tiếp thị đúng đối tượng với chi phí thấp…- ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Xu hướng tất yếu của chuyển đổi số

Theo Sách trắng Việt Nam và Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C). Xét trên phạm vi toàn cầu, thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng rất nhanh và trở thành xu thế nổi bật của thương mại điện tử trong những năm gần đây.

Báo cáo Kinh tế số 2019 của UNCTAD chỉ ra rằng, kinh tế số chiếm khoảng 4,5% -15,5% GDP toàn cầu. Nhiều công nghệ tiên phong đã thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh, bao gồm blockchain, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, in ba chiều, Internet vạn vật, robot và tự động hóa, điện toán đám mây. Ba thành phần trụ cột tạo nên nền kinh tế số là các nền tảng số (digital platform), dữ liệu số (digital data) và thương mại điện tử.

Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 5 và tháng 6/2020 vừa qua, xác định rõ chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam nhằm đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

Từ 1/8/2020, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này. Các doanh nghiệp còn có thể đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định. Vai trò chính trong chuyển đổi số đối với việc tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại chính là việc cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam một nền tảng số để có thể tiếp cận thị trường EU một cách hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây- Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phân tích.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt thông qua việc ứng dụng Thương mại điện tử trong giai đoạn hoạt động trao đổi thương mại gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Các đại biểu nhấn nút khai trương Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang khẩn trương hoàn tất Kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, đồng thời tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung cũng như hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về Hiệp định EVFTA và các xu hướng/mô hình chuyển đổi số phù hợp, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của EVFTA mà của cả thị trường EU.

Thời gian tới, Bộ Công Thương cam kết sẽ mở rộng và phát triển nhiều dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 hơn nữa, xứng đáng là một trong những đơn vị tiên phong trong cải cách hành chính, triển khai Chính phủ điện tử, thực hiện phương châm Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn- Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định.

Tại Diễn đàn, Bộ Công Thương cũng đã khai trương Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN. Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN phiên bản 2020 với nhiều tính năng tiện lợi, nổi bật là tính năng Cộng đồng doanh nghiệp Xuất nhập khẩu, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm cơ hội giao thương trên môi trường trực tuyến.

Lê Kim Liên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-xuat-nhap-khau--tao-dong-luc-moi-cho-doanh-nghiep-xuat-khau-d176786.html