Chuyển đổi số trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

Tận dụng những tiện ích và tính lan tỏa của mạng xã hội, thời gian qua Sở Tư pháp Tuyên Quang đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Thông qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận các thông tin pháp luật ở bất kỳ đâu, bất cứ lúc nào.

Tăng số lượng các cuộc thi trực tuyến

Trong năm 2023, Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tiếp tục quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL. Công tác tuyên truyền, PBGDPL được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Bên cạnh hình thức PBGDPL trực tiếp được ưu tiên sử dụng thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đối thoại chính sách, Sở đã chỉ đạo tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL.

Đáng chú ý nhất trong năm nay, Sở đã tham mưu để UBND tỉnh đã tổ chức 2 cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật, gồm: Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, đã tổ chức 2 vòng với 3 đợt thi, thu hút 20.346 lượt người tham gia dự thi với 37.477 bài thi; Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và cải cách chế độ công vụ”, thu hút 13.638 lượt người tham gia dự thi, với 30.096 bài thi.

Đồng thời tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”, thu hút 6.917 người tham gia dự thi. Để cuộc thi diễn ra thành công, Ban tổ chức cuộc thi đã xây dựng 2 infographic về cuộc thi với đầy đủ thông tin, trực quan, dễ hiểu để đăng tải trên trang thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật Tuyên Quang, trang thông tin điện tử Sở Tư pháp.

Sở Tư pháp ứng dụng CNTT vào tuyên truyền pháp luật lưu động và thi tìm hiểu pháp luật.

Đồng thời, đặt các banner và đường link của cuộc thi ở trang chủ để cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân dễ tìm kiếm và tham gia cuộc thi. Với việc tổ chức cuộc thi trực tuyến, từ Bộ đề thi gồm 100 câu hỏi, phần mềm của cuộc thi đã tạo ra trên 80 nghìn đề thi khác nhau. Sở Tư pháp đã xây dựng phần mềm cuộc thi, bổ sung chức năng, nâng cấp giao diện hiển thị, phân hệ thống kê... nhằm đáp ứng tối đa các yêu cầu của cuộc thi. Trong thời gian diễn ra cuộc thi, Sở Tư pháp đã ưu tiên tối đa máy chủ và hạ tầng kỹ thuật có liên quan để vận hành cuộc thi ổn định, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin...

Chị Nguyễn Thị Khuyên, công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Hào Phú (Sơn Dương) cho biết, chị thường vào tra cứu trên trang Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật Tuyên Quang hoặc trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp. Thông qua đó, chị cập nhật, nắm bắt được ngay các văn bản mới của cấp trên. Chị cũng tích cực tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, trong đó có cuộc thi tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Cuộc thi vừa là sân chơi, vừa là nơi giúp chị trau dồi thêm các kiến thức pháp luật, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ công tác và chấp hành đúng theo quy định.

Ngành cũng phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức Hội thi “Hòa giải viên giỏi tỉnh Tuyên Quang, năm 2023”. Hội thi được truyền hình trực tiếp trên Báo Tuyên Quang online với gần 40.000 lượt người xem. Trong mỗi phần thi, các đội thi đều tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các phần thi của Đội mình, thông qua đó tăng tính trực quan, sinh động, dễ dàng nắm bắt các thông tin và nội dung của phần thi.

Phù hợp với xu thế

Sở Tư pháp hiện quản lý và duy trì hiệu quả hoạt động của Trang Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật Tuyên Quang (pbgdpl.tuyenquang.gov.vn), Trang Thông tin điện của Sở Tư pháp (tuphaptuyenquang.gov.vn) và fanpage Phổ biến, giáo dục pháp luật Tuyên Quang. Đây là các trang tin quan trọng, thường xuyên đăng tải, cung cấp các thông tin, văn bản chỉ đạo về công tác PBGDPL, thông tin về hoạt động PBGDPL trên địa bàn tỉnh; cung cấp các tài liệu tuyên truyền pháp luật bằng các hình thức như: Hỏi - đáp pháp luật, đề cương giới thiệu văn bản pháp luật, tài liệu tìm hiểu pháp luật, tình huống pháp luật, sách pháp luật, phản ánh, kiến nghị... Qua đó, giúp cán bộ, công chức và người dân dễ dàng tra cứu, khai thác, sử dụng, phục vụ tốt hơn cho công tác PBGDPL.

Đồng thời, trực tiếp phản ánh, kiến nghị về những nội dung còn thắc mắc để được ngành chức năng trả lời, giải đáp. Trong năm qua, chỉ tính riêng Trang Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật Tuyên Quang đã thực hiện đăng tải, cập nhật trên 550 tin, bài, văn bản; thu hút 494 nghìn lượt truy cập.

Ông Vi Văn Tiến, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Ka Nò, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) chia sẻ: ở thôn hiện nay, bà con nhân dân hay gặp các vướng mắc liên quan đến vấn đề đất đai, tảo hôn. Thôn đã thành lập 3 nhóm zalo. Các nhóm thường xuyên khai thác các thông tin về Luật Đất đai và Luật Hôn nhân và gia đình trên trang Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật Tuyên Quang hoặc trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp, chia sẻ vào các nhóm zalo để bà con nắm bắt. Hầu hết bà con có điện thoại thông minh, nhất là lớp trẻ, chính vì vậy mà việc PBGDPL đến bà con rất nhanh chóng, tiện lợi, giúp bà con hiểu biết, không vi phạm pháp luật…

Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Thược khẳng định, việc ứng dụng CNTT để tuyên truyền, PBGDPL trên mạng xã hội là hình thức phù hợp với thực tiễn và xu hướng tiếp cận thông tin hiện nay, đảm bảo thuận lợi cho việc cập nhật, đăng tải các tài liệu văn bản quy phạm pháp luật. Thời gian tới, để công tác tuyên truyền, PBGDPL tiếp tục đạt được hiệu quả, Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL; tiếp tục quản lý, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các trang thông tin điện tử, trang fanpage đã xây dựng; đẩy mạnh việc tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật; tạo các Infographic với các nội dung thông tin về pháp luật ngắn gọn, dễ hiểu, tạo sự liên tưởng giữa các quy định của pháp luật với các hình ảnh trong đời sống xã hội thực tế.

Sở kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về PBGDPL, trong đó bổ sung quy định về nội dung chi, mức chi tuyên truyền nhắm đến các đối tượng (giới tính, độ tuổi, ngành nghề…), khu vực cụ thể (trong nước, trong tỉnh, bao nhiêu km quanh vị trí cụ thể…) thông qua công cụ quảng cáo của: Facebook, Zalo, official, Youtube... Qua đó, phục vụ tốt hơn nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp; nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Bài, ảnh: Thu Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/an-ninh-trat-tu!/chuyen-doi-so-trong-tuyen-truyen-pho-bien-giao-duc-phap-luat-184996.html