Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh

Đây là một trọng tâm hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp trong khuôn khổ Hội nghị Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Chiều 14/4, tại Hà Nội đã diễn ra phiên Hội thảo chuyên đề “Thành phố thông minh - Số hóa”. Hội thảo do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh và ông Denis Thuriot, Chủ tịch Vùng Never và nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp đồng chủ trì.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết: Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đã trở thành xu hướng tất yếu, khách quan và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, thúc đẩy chuyển đổi và xuất hiện các hình thái mới trong quản lý, vận hành, phát triển kinh tế - xã hội cũng như quản trị quốc gia. Việt Nam xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030: “Hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới”.

Từ thực tiễn xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số tại thành phố Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh cho rằng, đây là hành trình liên tục, lâu dài, đi từ thấp đến cao, trải qua nhiều giai đoạn trưởng thành và phát triển. Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam: nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Do đó, hợp tác quốc tế là một trong những giải pháp quan trọng để tiếp cận sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình, sáng kiến trong chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nguồn lực tài chính từ các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường cho biết, trong thời gian qua, thành phố Hải Phòng cũng xác định, định hướng thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thu được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, thành phố đặt mục tiêu chuyển đổi số dựa trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số.

Thành phố Hải Phòng cũng đang nghiên cứu, tập trung xây dựng phát triển đô thị thông minh gắn với xây dựng chính quyền điện tử, triển khai chuyển đổi số thực hiện quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị thông minh tích hợp trên nền ứng dụng địa lý sớm tích hợp đồng bộ, làm cơ sở cho việc xây dựng phát triển đô thị thông minh, bền vững thành phố Hải Phòng, gắn kết với khu vực và quốc tế.

Với chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh và số hóa tại thành phố Hà Nội”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh: Hà Nội là một đô thị hết sức đặc biệt. Bên cạnh việc phát triển hạ tầng đô thị, mở rộng hệ thống các trường học, bệnh viện thì việc ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là Công nghệ thông tin trong các lĩnh vực là giải pháp thành phố Hà Nội đang thực hiện nhằm hướng tới xây dựng thành phố Hà Nội thông minh và phát triển bền vững. Xây dựng thành phố thông minh nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp cho người dân, lấy người dân làm trung tâm là quan điểm nhất quán của Chính quyền thành phố Hà Nội trong quá trình triển khai xây dựng thành phố Hà Nội thông minh. Năm 2023, thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Hà Nội cũng mong muốn các đối tác và doanh nghiệp Pháp tham gia tư vấn về xây dựng Đề án thành phố thông minh, giao thông thông minh. Tư vấn chuyển giao công nghệ thông minh trong lĩnh vực quản lý đô thị, môi trường, y tế, giáo dục và an toàn vệ sinh thực phẩm...

Chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số tại địa phương của mình, ông Denis Thuriot, Chủ tịch vùng Nevers chia sẻ, thành phố Nevers có khoảng 35 nghìn dân. Đây là thành phố tầm trung của Pháp và đã có những ứng dụng chuyển đổi số mang lại tiện ích hiệu quả cho người dân. Nhận ra số hóa sẽ góp phần lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, khi bắt đầu xây dựng thành phố thông minh, chính quyền địa phương đã đặt ra các câu hỏi là sẽ hướng vào đối tượng nào và mục tiêu là gì.

Thành phố xác định thành phố thông minh là thành phố không để ai bị bỏ lại phía sau, người dân được hưởng các tiện ích một cách dễ dàng. Đồng thời, thỏa mãn các điều kiện việc đi lại được thông suốt, năng động về kinh tế; cân bằng đáp ứng nhu cầu của người dân; có hoạt động văn hóa, sống động. Khi triển khai thành phố thông minh, xác định yếu tố đầu - cuối không phải là thiết bị, máy tính mà chính là người dân sống trong đô thị đó…

Chia sẻ tham luận về “Thành phố cảng thông minh”, Bà Caroline Leclerq, Phó Thị trưởng thành phố Le Havre cho biết, mục tiêu năm 2030, thành phố trở thành điển hình của Pháp trên quy mô thế giới về đô thị có cảng quốc tế, chất lượng đời sống và hiệu suất công nghiệp; Xây dựng một nền tảng số liệu lớn - Big data về cảng và người dân mang tính điển hình, hỗ trợ dịch vụ đổi mới nhất cho người và hàng hóa. Thành phố cũng đã thực hiện nhiều dự án thông minh và dịch vụ biển thông minh.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp khẳng định, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh là một trọng tâm hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp trong thời gian tới.

Thái Nhung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chuyen-doi-so-xay-dung-thanh-pho-thong-minh-5715171.html