Chuyển đổi số y tế - bước ngoặt cho bệnh viện 'xóa sổ' giấy tờ

Để triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, theo lộ trình Bộ Y tế sẽ đưa vào sử dụng hồ sơ sức khỏe cá nhân, thực hiện khám chữa bệnh ngoại trú không dùng giấy; triển khai bệnh viện không dùng giấy tờ…

Chia sẻ về những bước Chuyển đổi số y tế trong tổng thể Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua ngành y tế đã thực hiện triển khai một loạt chương trình, kế hoạch để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của ngành y tế. Trong lĩnh vực quản lý, Bộ đã chính thức khai trương Cổng Công khai y tế, những thủ tục hành chính được đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

“Bộ Y tế là một trong hai bộ đã đạt 100% tất cả các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Trong đó, 60.000 loại thuốc, 28.000 loại thực phẩm chức năng, tất cả trang thiết bị y tế lưu hành ở Việt Nam và toàn bộ dịch vụ y tế của các cơ sở đều được công khai”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Bên cạnh đó, Bộ xây dựng hệ thống khám, chữa bệnh từ xa. Cho đến nay đã có trên 1500 cơ sở y tế đã nối tuyến toàn bộ, kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo… Trong đó, Y tế Việt Nam là mạng kết nối hơn 500.000 cán bộ y tế trong cả nước nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, chuyên môn. Tại 12.000 điểm trạm y tế xã sẽ không còn dùng hồ sơ giấy mà sẽ điều hành bằng phần mềm điện tử với sự hỗ trợ của các nhà mạng. Trí tuệ nhân tạo được đưa vào trong chẩn đoán, hỗ trợ bác sĩ lựa chọn phác đồ điều trị và tương lai sẽ được ứng dụng trong quản lý, cấp phép.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đến nay Bộ Y tế đã công khai 532 thủ tục hành chính. 20 bệnh viện trực thuộc Bộ đã triển khai thanh toán điện tử. Còn tại các địa phương, đến cuối 2019, khoảng 41% bệnh viện triển khai nội dung này.

Từ năm 2021, Bộ Y tế sẽ chính thức đưa vào sử dụng hơn 90 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân. Trong năm 2021 tới, Bộ sẽ thực hiện khám chữa bệnh ngoại trú không còn dùng giấy với khoảng 120 triệu lượt hồ sơ, bao gồm cả hồ sơ khám sức khỏe giấy phép lái xe.

Cùng đó, Bộ Y tế đã quan tâm, chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, thực hiện tốt công tác y tế dự phòng và phòng, chống dịch bệnh khác; Công tác quản lý môi trường y tế cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Mạng lưới bảo hiểm y tế toàn dân tăng từ 75% năm 2015 lên 90,7% năm 2020.

Năm 2022 và 2023, Bộ sẽ đi vào triển khai bệnh viện không giấy tờ và mở rộng mô hình. Khi có sự thay đổi về cơ chế, cách thức điều hành, chương trình chuyển đổi số y tế sẽ được đẩy mạnh hơn, cao hơn và nhanh hơn.

Việt Nam đang hướng tới nền y tế thông minh, công khai, minh bạch và hiệu quả hơn để phục vụ người dân tốt hơn. Chuyển đổi số là quá trình mang tính tổng thể, do đó, các nền tảng số cần được tạo dựng trên cơ chế mở, đồng bộ, kết nối cao nhằm đảm bảo độ tin cậy, minh bạch, bảo mật.

“Tới đây chúng tôi sẽ tạo ra tất cả các cơ chế để khuyến khích, thúc đẩy cũng như tạo áp lực đối với các bệnh viện phải triển khai chương trình chuyển đổi số”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Song song đó, ngành y tế sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách và cơ chế tài chính để nâng cao chất lượng hiệu quả dịch vụ khám chữa bệnh với yêu cầu dễ tiếp cận dịch vụ và giảm chi phí khám chữa bệnh…

Đồng thời, ứng dụng công nghệ trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh. Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt; Phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh. Duy trì kết quả 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế được xây dựng thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, thực hiện kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, một cửa ASEAN.

Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế thông tin thêm, thực hiện chương trình chuyển đổi số của ngành có rất nhiều mục tiêu, trong đó có 3 trụ cột chính: Chuyển đổi số y tế trong xây dựng và quản trị ngành y tế; Trụ cột thứ hai là trụ cột về phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe; chuyển đổi số trong khám chữa bệnh trong bệnh viện.

Về mục tiêu chuyển đổi số trong xây dựng và trị ngành y tế, mục tiêu là tiếp tục duy trì hoạt động các cơ quan hành chính ở Bộ, các sở y tế bằng môi trường điện tử-phê duyệt, trình tất cả bằng văn bản điện tử bỏ hoàn toàn văn bản giấy. Việc công khai y tế tạo địa chỉ tin cậy cho người dân, của doanh nghiệp và các nhà quản lý để phục vụ công khai về giá trang thiết bị y tế, giá khám bệnh chữa bệnh, giá thuốc… đồng thời làm cơ sở cho các đơn vị, doanh nghiệp tham khảo để thực hiện cho việc đấu thầu.

Hiện nay Bộ Y tế là Bộ đầu tiên hoàn thành dịch vụ công trực tuyến. Chúng tôi hiện nay đang tiếp tục nâng cấp lên các bản mobile để người dân doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi, dễ dàng hơn và đang thực hiện kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia của Chính phủ.

Hiện nay đã kết nối được hơn 100 dịch vụ công- tức là đạt và vượt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu 30% nhưng đã đạt khoảng 50% kết nối với Văn phòng Chính phủ). Ngoài ra, tất cả các hoạt động của các cơ quan đơn vị đều phải được thực hiện chuyển đổi số đểgiúp việc quản trị y tế, quản lý y tế được thông minh, hiện đại thậm chí ứng dụng nhiều trí tuệ nhân tạo.

“Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đang chỉ đạo các vụ cục không chỉ xử lý hồ sơ trực tuyến mà thậm chí còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc giải quyết các hồ sơ trực tuyến để đảm bảo nhanh, chính xác, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính”, ông Trần Quý Tường nêu.

Trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe, ngành y tế xác định là trụ cột hết sức quan trọng phải ưu tiên triển khai. Bộ Y tế đã triển khai quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cho toàn dân. Trên cơ sở hồ sơ sức khỏe của toàn dân thì mỗi người dân có thể có một bác sĩ riêng của mình. Nghĩa là người dân khi có hồ sơ bệnh án điện tử có thể kết nối với bất cứ một bác sĩ nào mà mình biết, mình muốn để nhờ bác sĩ đó tư vấn cho mình chăm sóc sức khỏe.

Về chuyển đổi số trong khám chữa bệnh trong bệnh viện, điển hình trong bệnh viện là thực hiện bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy. Đến nay đã có 10 bệnh viện thành công trong việc triển khai bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy. Rất nhiều thuận lợi cho người dân, cho bệnh viện và cho cơ quan quản lý.

Trí tuệ nhân tạo được đưa vào trong chẩn đoán, hỗ trợ bác sĩ lựa chọn phác đồ điều trị và tương lai sẽ được ứng dụng trong quản lý, cấp phép.

Chuyển đổi số trong y tế là xu hướng tất yếu, và chắc chắn sẽ mang lại những đổi thay vượt bậc trong hoạt động quản trị, công tác khám chữa bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung.

Trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest 2020), hội thảo chuyên đề mang tên “Chuyển đổi số cho y tế thông minh – Digital transformation solutions to revolutionize healthcare” đã được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân, Hà Nội. Tại đây, ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) đã khẳng định, trải qua đại dịch COVID-19 vừa rồi, chúng ta nhận ra rằng Việt Nam sở hữu trí tuệ tuyệt vời cùng với sự sáng tạo và lòng đoàn kết. Đặc biệt đối với ngành y tế, công nghệ góp phần rất lớn để tạo nên sức mạnh chiến thắng dịch bệnh.

Tất cả các chuyên gia đều khẳng định, chuyển đổi số trong y tế là một trong 8 ngành trọng điểm được Chính phủ ưu tiên chuyển đối số”.

Hà Dũng

Hà Dũng

Nguồn Ngày Nay: https://ngaynay.vn/chuyen-doi-so-y-te-buoc-ngoat-cho-benh-vien-xoa-so-giay-to-post101680.html