Chuyển đổi thẻ ATM sang thẻ chip: Bao giờ?

Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chậm nhất đến hết năm 2018, toàn bộ thẻ ghi nợ nội địa (ATM) đang sử dụng công nghệ từ, vốn dễ bị làm thẻ giả, bị 'tấn công' (hack), rút tiền sẽ phải chuyển sang thẻ chip với tính bảo mật cao hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm này gần như chưa có ngân hàng nào công bố kế hoạch lộ trình chuyển đổi.

Chủ thẻ nên kiểm tra và không giao dịch nếu nghi ngờ ATM có thiết bị lạ, bất thường để tránh rủi ro

Chủ thẻ nên kiểm tra và không giao dịch nếu nghi ngờ ATM có thiết bị lạ, bất thường để tránh rủi ro

“Vùng trũng” của tội phạm thẻ

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ các chủ tài khoản ngân hàng bị kẻ gian “hack” thẻ, làm thẻ giả nhằm rút trộm tiền khiến khách hàng hoang mang về vấn đề an toàn thẻ ngân hàng. Đáng nói, việc sao chép thông tin, đánh cắp dữ liệu như những trường hợp này sẽ không thể thực hiện nếu các thẻ được sử dụng công nghệ chip.

Tuy nhiên, hiện hầu như toàn bộ khoảng 77 triệu thẻ các loại (trong đó khoảng 90% là thẻ ATM) đang sử dụng công nghệ từ, một công nghệ có tính an toàn không cao, dễ dàng bị sao chép, đánh cắp dữ liệu làm thẻ giả. Điều này lý giải vì sao dù các ngân hàng luôn tăng cường các công nghệ và tuyên truyền về bảo mật thẻ nhưng tội phạm thẻ vẫn không ngừng gia tăng và có xu hướng ngày càng tinh vi.

Lý giải điều này, một cán bộ công tác trong lĩnh vực thẻ ngân hàng cho hay, thẻ từ áp dụng công nghệ bảo mật bằng từ tính và lưu trữ thông tin trên dải băng từ ở mặt sau thẻ. Các thông tin chỉ được mã hóa một lần và khi quẹt thẻ qua máy thanh toán, thông tin sẽ được giải mã. Do vậy kẻ gian có thể dễ dàng đánh cắp thông tin trên thẻ từ của người dùng.

Trong khi đó, trên thế giới đã thực hiện chuyển đổi sang thẻ chip từ lâu. Thẻ chip áp dụng công nghệ gắn chip điện tử với bộ vi xử lý, giống như một máy tính thu nhỏ và hoàn toàn độc lập, các thông tin quan trọng đều được mã hóa. Cùng với đó, quy trình giao dịch bằng thẻ chip phải trải qua nhiều bước với độ bảo mật cao, do đó an toàn hơn nhiều so với thẻ từ.

Tuy nhiên, hiện nay gần như toàn bộ thẻ ATM ở Việt Nam đều là thẻ từ, chỉ có thẻ tín dụng một số ngân hàng sử dụng công nghệ thẻ chip hoặc vừa từ, vừa chip để khách hàng có thể thanh toán tại các cửa hàng chưa có đầu đọc thẻ chip. “Đây chính là lý do khiến Việt Nam trở thành “vùng trũng” của tội phạm thẻ, nhiều tội phạm thẻ từ nước ngoài đã chọn Việt Nam làm điểm đến” - cán bộ công tác trong lĩnh vực thẻ ngân hàng nói.

Vì sao các ngân hàng chưa chuyển?

Năm 2016, NHNN đã ban hành kế hoạch chuyển đổi sang thẻ chip đối với toàn bộ thẻ ATM, theo đó đến hết năm 2018 toàn bộ thẻ ATM sẽ phải chuyển từ thẻ từ sang thẻ chip. Dự án chuyển đổi này do Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) thực hiện, dưới sự chỉ đạo của NHNN và sự phối hợp từ các ngân hàng thương mại.

Thế nhưng, đến nay, tức là sau 2 năm rưỡi, duy chỉ có Ngân hàng TPBank hồi đầu năm nay đã chính thức thử nghiệm và phát hành thẻ nội địa chuẩn chip trên cơ sở hợp tác với Napas. Đây được coi là bước thí nghiệm và Napas cho biết kết quả thành công từ việc phát hành thẻ chip của TPBank sẽ được đơn vị này sử dụng để tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thương mại khác. Nhưng thực tế, đến nay chưa có thêm bất cứ ngân hàng nào khác công bố kế hoạch hay lộ trình phát hành thẻ chip.

“Khi cách mạng công nghiệp 4.0 thì ngân hàng số sẽ phát triển. Công nghệ nhanh lắm, bây giờ đi đâu không cần thẻ ngân hàng nữa mà chỉ cần sở hữu 1 chiếc điện thoại di động là thanh toán được. Vì vậy, vấn đề có dùng nhiều thẻ nữa hay không, kể cả thẻ từ lẫn thẻ chip là điều các ngân hàng cần cân nhắc”.

TS. Cấn Văn Lực (Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng)

Ngay cả bộ tiêu chuẩn thẻ chip, theo kế hoạch của NHNN thì dự kiến từ 12 đến 15 tháng sau khi ban hành kế hoạch này (tức chậm nhất khoảng tháng 4-2017) Napas sẽ phải ban hành. Thế nhưng nay đã quá thời hạn trên hơn 1 năm, bộ tiêu chuẩn này vẫn chưa có.

Trước thực tế này, có ý kiến lo ngại mốc thời gian 2020 sẽ không đủ để toàn bộ 77 triệu thẻ, hoặc nếu trừ đi 40% thẻ “rác” thì ít nhất khoảng 46 triệu thẻ chuyển sang thẻ chip. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực lại cho rằng nếu thực sự các ngân hàng quyết làm thì sẽ không khó. “Nếu quyết làm thì tôi nghĩ là nhanh thôi, vì đầu tư công nghệ không quá phức tạp, công nghệ có sẵn rồi. Vấn đề là có quyết định mua hay không” - TS. Cấn Văn Lực nói.

Vấn đề, theo vị chuyên gia này là ở chỗ hiện các ngân hàng vẫn đang phải cân nhắc, chưa kiên quyết chuyển đổi do xu hướng thanh toán di động đang lên ngôi. “Về lâu dài, khi cách mạng công nghiệp 4.0 thì ngân hàng số sẽ phát triển. Công nghệ nhanh lắm, bây giờ đi đâu không cần thẻ ngân hàng nữa mà chỉ cần sở hữu 1 chiếc điện thoại di động là thanh toán được. Vì vậy, vấn đề có dùng nhiều thẻ nữa hay không, kể cả thẻ từ lẫn thẻ chip là điều các ngân hàng cần cân nhắc” - TS. Cấn Văn Lực cho biết.

Đồng tình quan điểm trên, chuyên gia thẻ ngân hàng cũng cho rằng hiện nay chi phí đầu tư thẻ chip không hề rẻ nên các ngân hàng sẽ phải tính toán. Cụ thể, mỗi phôi thẻ chip có giá thành rơi vào khoảng 1-1,5 USD, đắt hơn nhiều lần so với phôi thẻ từ. Với các ngân hàng lớn, số lượng lên đến hàng chục triệu thẻ thì số tiền phải bỏ ra để mua phôi thẻ không hề nhỏ, chưa kể chi phí đầu tư nâng cấp hệ thống. “Trên thực tế, việc triển khai chip hóa toàn bộ thẻ không hề đơn giản. Không chỉ chi phí mua phôi mà các ngân hàng còn phải đầu tư nâng cấp hệ thống quản lý thẻ và thiết bị thanh toán thẻ như máy ATM/POS/mPOS để tương thích với thẻ chip” - vị chuyên gia cho biết.

Hiện tại, Ngân hàng Vietcombank, Vietinbank đang dẫn đầu với gần 14 triệu thẻ; Agribank và BIDV dao động quanh mức 11 triệu thẻ. Các ngân hàng cổ phần cũng có số lượng phát hành hàng triệu thẻ. Như vậy, tính ra riêng số tiền các ngân hàng phải bỏ ra để phát hành thẻ chip lên đến nhiều nghìn tỷ đồng.

Những lưu ý để không trở thành nạn nhân của tội phạm mạng

Theo nhận định của các ngân hàng và các chuyên gia, thủ đoạn tội phạm mạng phổ biến thời gian qua là “skimming”. Theo Hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam, dù cơ quan chức năng và các ngân hàng thương mại đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng tình hình tội phạm “skimming” vẫn gia tăng.

Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn phức tạp, tinh vi gây tổn thất cho ngân hàng, đe dọa đến bảo đảm an toàn, an ninh cho hoạt động kinh doanh thẻ. Để tránh trở thành nạn nhân của loại tội phạm này, các ngân hàng thương mại khuyến cáo khách hàng nếu quan sát kỹ có thể nhận biết các nguy cơ bị đánh cắp thông tin khi giao dịch trên máy ATM.

Theo đó, chủ thẻ cần cảnh giác khi thấy những bất thường tại máy ATM như bàn phím nhập mã PIN nhô cao bất thường, nhập PIN cảm giác có khoảng trống phía dưới hay khu vực thường bị gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ có dấu hiệu khả nghi như có vệt băng dính hai mặt, keo dán quanh đầu đọc thẻ; camera lấy cắp PIN cũng có thể được giấu trong hộp đựng biên lai gần đó…

“Để hạn chế rủi ro, chủ thẻ nên kiểm tra và không giao dịch nếu nghi ngờ ATM có thiết bị lạ, bất thường; luôn che bàn phím khi nhập mã PIN để tránh lộ thông tin khi giao dịch. Nếu nghi ngờ thẻ bị lộ thông tin hoặc ATM bị gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ, khách hàng cần lập tức liên hệ với ngân hàng để khóa thẻ” - Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank) khuyến cáo.

Hà Loan

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/chuyen-doi-the-atm-sang-the-chip-bao-gio/766641.antd