Chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip, tội phạm mạng có giảm?

Theo Đại tá Đỗ Anh Tuấn, thẻ từ được ngành ngân hàng ứng dụng rộng rãi trong những năm qua, mang lại những thành quả rất tích cực. Tuy nhiên, tội phạm mạng đã lợi dụng những lỗ hổng, những hạn chế của tấm thẻ từ để thực hiện phạm tội, để lại nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

Đại tá Đỗ Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: T.Anh

Đại tá Đỗ Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: T.Anh

Tại Hội thảo - Triển lãm Quốc gia về An ninh bảo mật 2019 (Security World 2019) với chủ đề “Tăng cường bảo mật dữ liệu và an toàn, an ninh mạng cho ngành tài chính – ngân hàng và cơ quan quản lý Nhà nước” (diễn ra ngày 29.5), Đại tá Đỗ Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an nhận định: “Trên thực tế, Việt Nam cũng là đất nước được hưởng lợi rất nhiều từ sự phát triển của KH-CN. Những ứng dụng về KH-CN đã được triển khai rất rộng rãi trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội; đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng”.

Điển hình như mới đây, ngành ngân hàng đã có sự tích hợp việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip. Từ hôm nay (29.5), người dùng có thể sử dụng thẻ chip nội địa đầu tiên ở Việt Nam do 7 ngân hàng phát hành gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Sacombank, TPBank, ABBank.

Vietcombak là một trong 7 ngân hàng phát hành thẻ chip nội địa ở Việt Nam

Theo Một Thế Giới đã đưa tin, thẻ chip nội địa đáp ứng đầy đủ các yếu tố kỹ thuật về an toàn, bảo mật theo Tiêu chuẩn quốc tế EMV, hạn chế các rủi ro về gian lận giả mạo trong thanh toán thẻ, đảm bảo an ninh an toàn thanh toán cho khách hàng; làm nền tảng quan trọng để tích hợp, ứng dụng cho các dịch vụ cũng như phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cho nhiều dịch vụ khác nhau.

Việc sử dụng thanh toán bằng thẻ chip nội địa với công nghệ không tiếp xúc cho các giao dịch giá trị nhỏ sẽ mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng khi chỉ cần thực hiện một thao tác chạm thẻ vào máy POS là có thể hoàn thành giao dịch. Các ngân hàng phát hành sẽ quy định ngưỡng giá trị thanh toán không cần xác thực khách hàng dành cho các giao dịch giá trị nhỏ.

Nói về việc hạn chế của thẻ từ, theo Đại tá Đỗ Anh Tuấn, tội phạm mạng đã lợi dụng những lỗ hổng, những hạn chế của tấm thẻ từ để thực hiện phạm tội, để lại nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Đảm bảo an ninh mạng và an toàn thông tin trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, việc chuyển đổi này là một yêu cầu cấp thiết.

Lý giải cho sự cấp thiết và quan trọng này, Đại tá Tuấn cho biết rất nhiều người Việt Nam cấu kết với tội phạm quốc tế để làm giả các loại thẻ từ nhằm rút tiền tại các cây ATM, thậm chí còn lấy trộm thông tin khách hàng và làm thẻ giả để mua hàng hóa.

Trong giai đoạn vừa qua, đã có rất nhiều những vụ việc hacker thâm nhập vào hệ thống ngân hàng, kể cả những hệ thống thông tin quan trọng của quốc gia như lĩnh vực hàng không, những tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán… cũng đã hứng chịu rất nhiều cuộc tấn công mạng và cũng đã để lại thiệt hại về kinh tế rất lớn.

Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành

Sử dụng tài sản ảo để phạm tội

Thời gian qua Cục An ninh mạng đã phối hợp bóc gỡ rất nhiều những tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Từ đầu năm 2019 đến nay đã phát hiện nhiều nhóm đối tượng người nước ngoài đến Việt Nam để thực hiện hành vi phạm tội. Nhiều tổ chức tội phạm sử dụng Việt Nam làm bàn đạp để thực hiện hành vi phạm tội ở các nước khác vì môi trường mạng là môi trường không biên giới. Thậm chí, có cả người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài liên quan đến tội phạm mạng.

Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng đưa ra ví dụ về các hình thức tội phạm mạng. Điển hình như gần đây xuất hiện các nhóm người nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các hoạt động thanh toán thẻ với nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi. Các đối tượng lợi dụng hình thức kinh doanh đa cấp để phạm tội, điển hình như các vụ pincoin, ifan, tố cáo số tiền lên hàng chục nghìn tỉ đồng.

Hoặc như vụ đào tiền ảo sky mining, các đối tượng đã lợi dụng vào sự cả tin và hám lời của một bộ phận người dân đã góp tiền cùng các đối tượng để mua máy đào tiền với giá 5.000 USD/máy. Sau đó thuê chúng vận hành máy này để đào tiền ra để bán.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ và giải pháp bảo mật có mặt tại Triển lãm diễn ra song song với Hội thảo

Sự xuất hiện của tiền ảo cho thấy trong môi trường mạng hiện nay xuất hiện rất nhiều hình thức thanh toán, nhiều loại tài sản mới. Thực tế cho thấy, tài sản ảo đang được các tổ chức tội phạm sử dụng để thực hiện các hành vi phạm tội khác, như tài trợ khủng bố, sử dụng tiền ảo để mua bán ma túy, mua bán vũ khí, rửa tiền,…

Theo ông Tuấn, một trong những nguyên nhân căn bản khiến tội phạm mạng tồn tại là sự phát triển quá nhanh của KH-CN mà chúng ta chưa theo kịp, trong khi tội phạm luôn nghiên cứu những phương thức, thủ đoạn mới. Những thách thức về an ninh mạng, đặc biệt là tội phạm về an ninh công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của quốc gia. Vì vậy, Bộ Công an khuyến nghị các tổ chức, doanh nghiệp… cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, chủ động về công nghệ…

Bài, ảnh: Thu Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/chuyen-doi-tu-the-tu-sang-the-chip-toi-pham-mang-co-giam-114127.html