'Chuyến du hành vũ trụ lịch sử'

'Chuyến du hành vũ trụ lịch sử' là tên cuốn sách kể về sự kiện tàu Liên hợp - 37 đưa nhà du hành Phạm Tuân vào vũ trụ.

Kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga và 40 năm chuyến du hành vũ trụ của tàu "Liên hợp - 37", Trung tâm Lưu trữ quốc gia III phối hợp Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành cuốn Chuyến du hành vũ trụ lịch sử, bản tiếng Việt.

Cuốn sách là tuyển tập những tài liệu, hình ảnh tiêu biểu kể về chuyến du hành vũ trụ của tàu Liên hợp - 37 đưa nhà du hành vũ trụ Liên Xô V.V. Gorbatko và nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam - Phạm Tuân - bay vào không gian.

Những tài liệu, hình ảnh này được lựa chọn từ các cơ quan lưu trữ và văn hóa của hai nước: Viện Lưu trữ Lịch sử Chính trị Xã hội quốc gia Nga, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, một số tài liệu, tư liệu do nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân cung cấp...

 Sách Chuyến du hành vu trụ lịch sử. Ảnh: T. H.

Sách Chuyến du hành vu trụ lịch sử. Ảnh: T. H.

Hiện thực hóa giấc mơ bay vào vũ trụ

Năm 1980, với sự giúp đỡ của Liên Xô, Phạm Tuân đã bay vào không gian. Sự kiện này không chỉ hiện thực hóa ước mơ chinh phục vũ trụ của người Việt, mà còn đánh dấu nhiều mốc quan trọng.

Lần đầu tiên, Việt Nam có nhà du hành vũ trụ tham gia thực hiện chinh phục không gian. Việt Nam cũng là nước châu Á đầu tiên có nhà du hành đặt chân vào vũ trụ bao la.

Sự kiện lịch sử này không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt khoa học, mà còn về cả chính trị xã hội, ngoại giao.

18 giờ 33 phút 03 giây, ngày 23/7/1980, theo giờ Greenwich Mean Time (GMT), tàu vận tải vũ trụ Liên hợp - 37 chở đội bay quốc tế khởi hành và được đưa lên quỹ đạo gần Trái Đất.

20 giờ 02 phút 29 giây, ngày 24/7/1980, tàu Liên hợp - 37 ghép nối với tổ hợp nghiên cứu khoa học trên quỹ đạo “Chào mừng - 6” - Liên hợp - 36.

Sau một tuần lễ trong không gian, 15 giờ 15 phút 03 giây, ngày 31/7/1980, máy đổ bộ của tàu vũ trụ Liên hợp - 36 hạ cánh xuống vùng dự kiến ở Liên Xô.

Trong suốt hành trình hơn một tuần lễ ấy, trong tình trạng không trọng lượng, các nhà du hành vũ trụ đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, tiến hành các vòng quay quanh quỹ đạo của Trái Đất, chụp ảnh, quan sát Trái Đất từ không gian vũ trụ, triển khai các cuộc thí nghiệm khoa học về hàng không, thí nghiệm hóa học, địa chất, khí hậu; các thí nghiệm “bèo hoa dâu” nhằm gây nuôi thực vật cao cấp trong điều kiện chuyến bay vũ trụ...

Chuyến bay trên con tàu Liên hợp - 37 do nhà du hành vũ trụ Liên Xô V.V. Gorbatko và nhà du hành vũ trụ Việt Nam Phạm Tuân thực hiện đã thành công, trở về Trái Đất an toàn.

Tàu liên hợp - 37 đưa Phạm Tuân, nhà du hành vũ trụ Việt Nam đầu tiên, bay vào không gian. Nguồn: Lưu trữ Liên bang Nga.

Giới thiệu một số tài liệu vừa được giải mật

Theo ban biên soạn, tài liệu, hình ảnh công bố trong cuốn sách được lựa chọn gắn với chủ đề và trình bày, sắp xếp theo trình tự thời gian phù hợp nội dung của mỗi phần, theo trình tự: Tiêu đề văn bản; nội dung văn bản là những bản scan tài liệu, hình ảnh; tiếp đến là nguồn gốc lưu trữ, bảo quản, cung cấp tài liệu, hình ảnh.

Đặc biệt, cuốn sách có một số tài liệu vừa được giải mật và lần đầu tiên được công bố, giới thiệu đến công chúng.

Nội dung cuốn sách được bố cục thành 3 phần (kèm phụ lục): Phần 1 “Hợp tác nghiên cứu vũ trụ. Công tác chuẩn bị và quá trình huấn luyện trước chuyến bay năm 1980”, giới thiệu những tài liệu, hình ảnh về quá trình chuẩn bị của hai nước Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga và việc tuyển chọn phi công cho chuyến bay, cũng như quá trình nỗ lực tập luyện.

Phần 2 “Khởi hành và hoạt động” giới thiệu một số tài liệu, hình ảnh của các nhà du hành trong khoang tàu bên ngoài Trái Đất.

Phần 3 “Trở về Trái đất”, gồm hình ảnh hoạt động của các nhà du hành sau khi kết thúc chuyến bay, từ đó làm nổi bật giá trị, ý nghĩa của chuyến bay. Đó là mở ra thời kỳ mới, niềm tin, hy vọng, tự hào và quyết tâm trong đời sống, lao động sản xuất, học tập, cũng như chinh phục thiên nhiên, vũ trụ của con người.

Lễ công bố sách dự kiến diễn ra đầu tháng 3. Trước đó, Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga đã ra mắt trực tuyến bản tiếng Nga tại Moskva ngày 21/10/2020.

Minh Châu - Trần Hoàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-du-hanh-vu-tru-lich-su-post1187068.html