Chuyện 'đụng hàng' ở V-League

Ở hai mùa giải V-League đầu tiên (2001 và 2002), Công ty Tiếp thị thể thao Strata nhận thầu toàn bộ chi phí. Đổi lại, toàn bộ bảng quảng cáo trên sân cũng như áo thi đấu của các CLB đều chỉ gắn tên nhà tài trợ do công ty Strata vận động được. Nhưng chỉ sau 2 mùa giải, Strata không kham nổi tài chính.

Từ đó về sau, các CLB được phép tự khai thác quảng cáo nhưng không được cùng ngành hàng với nhà tài trợ chính. Đổi lại, phía đơn vị tổ chức giải phải công bố ngành hàng tài trợ ít nhất 2 tháng trước khi giải khai diễn để các đội bóng biết đường mà tránh. Thế nên mới có chuyện vui là dù chưa ký hợp đồng với đối tác thì VFF phải tranh thủ “xí phần” ngành hàng, đến lúc thương thảo không xong, đành chấp nhận V-League không có tài trợ.

Ví dụ như mùa giải 2006, do không kiếm được tài trợ từ đầu giải, nên VFF đành ra thông báo là các CLB muốn ký với ai thì ký. Từ chỗ được ưu tiên, nhà tổ chức V-League lại rơi vào cảnh phải “né” những nhà tài trợ của các CLB nên đến hết lượt đi mùa giải đó mới ký được hợp đồng cùng Eurowindow với giá trị bèo bọt.

Dù là ưu tiên độc quyền nhưng có khi nhà tài trợ của V-League buộc phải “đụng hàng” mà chẳng làm gì được như các mùa giải Eximbank tham gia trong khi các ngân hàng khác vẫn được quảng cáo thoải mái nhờ là doanh nghiệp sở hữu đội bóng như SHB Đà Nẵng, Kienlongbank Kiên Giang hay Navibank Sài Gòn.

Cũng liên quan đến chuyện “đụng hàng”, có một vấn đề nhỏ nhưng khiến bóng đá Việt Nam hiếm khi nhận được tài trợ từ những thương hiệu thuộc ngành hàng tiêu dùng. Lịch sử V-League ghi nhận một loạt nhãn hàng nổi tiếng chịu chi cho quảng cáo như Pepsi, Sting, Kinh Đô, Masan, Nuti café, Tiger beer từng tham gia nhưng chỉ sau 1 mùa giải là “im lặng rút lui” không một lời giải thích dù ban đầu họ cam kết thời hạn tài trợ rất dài.

Thậm chí, ngành hàng tiêu dùng hay gia dụng cũng hạn chế tài trợ cho các CLB, mãi cho đến khi có vụ việc giữa HA.GL - VPF vừa qua. Một trong những nguyên nhân quan trọng là việc bảo vệ quyền lợi cho nhà tài trợ không được bảo đảm. Đặc điểm của các thương hiệu thuộc ngành hàng tiêu dùng là thường tổ chức bán hoặc dùng thử sản phẩm ở nơi họ tài trợ, nhưng các hoạt động này thường thất bại khi khuôn viên sân bóng cũng như trên khán đài vẫn bán tràn lan các sản phẩm của đối thủ mà chẳng ai quản lý, giám sát. Lý do là không một CLB bóng đá nào thực sự sở hữu sân bóng, toàn phải đi thuê, quyền hạn chẳng được bao nhiêu.

YẾN PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chuyen-dung-hang-o-v-league-post677659.html