Chuyện ghi ở chợ buôn bán trái phép quân trang

'Cần mua thắt lưng, tất ngành… cứ đến đây, cửa hàng cô có hết', cô chủ tuổi ngoài 60 ngồi vắt vẻo trên chiếc ghế nhựa thản nhiên mời chào khi thấy tôi đang có nhu cầu 'sắm' một số quân trang, quân dụng, công cụ hỗ trợ của lực lượng Công an. Nghe những lời mời chào trên cũng như qua tìm hiểu thực tế, tôi thấy lo ngại trước những hậu quả khôn lường đi kèm với những phiên 'chợ đen' này.

Phố Lê Duẩn (Hà Nội) từ lâu được biết đến với nhiều cửa hàng kinh doanh các sản phẩm, trang phục bảo hộ lao động. Sẽ không có gì đáng bàn, nếu một số cửa hàng nơi đây không kiêm thêm dịch vụ cung cấp quân trang, quân dụng của lực lượng Công an. Do đơn vị chủ quản đang sửa chữa cơ sở hạ tầng, nên nhiều cửa hàng đã tận dụng bờ tường, vỉa hè làm nơi kinh doanh.

Ghi nhận trên tuyến phố này, không khó để bắt gặp cảnh chủ các cửa hàng ngồi trên vỉa hè, khi thấy khách lại gần liền đon đả mời chào mua hàng. Sáng 6-8, tôi tìm đến tuyến phố Lê Duẩn để ghi nhận thực tế. Thấy xe của tôi giảm tốc độ, cô chủ tuổi ngoài 60 đang ngồi trên chiếc ghế nhựa, bên cạnh là những bộ quần áo bảo hộ lao động được treo trên những chiếc móc áo nơi bờ tường hồ hởi: “Cháu trai mua gì nào?”. “Có thắt lưng ngành không cô?”.

Giao diện một trang mạng xã hội chuyên rao bán quân trang CAND.

Nghe vậy, cô chủ liền nhìn tôi như thể thăm dò điều gì đó. Như đã tin tưởng vị khách mới đến, cô chủ bèn lia một tràng: “Cần mua thắt lưng, hay tất ngành? Cửa hàng cô có hết!”. “Thắt lưng ngành Công an giá bao nhiêu cô?”, tôi vờ hỏi. “200 ngàn đồng/dây”. “Đắt quá, 150 ngàn đồng/dây thôi!”, tôi mặc cả.

Sau ít phút cò kè, cô chủ đồng ý với mức giá: “300 ngàn đồng cho hai chiếc dây lưng mang nhãn hiệu Công an”. Theo cô chủ này, cơ sở của mình không chỉ cung cấp dây lưng mà còn cung cấp thêm một số dụng cụ hỗ trợ, quân trang, quân dụng như tất ngành, gậy chỉ dẫn phương tiện giao thông...

Nói đoạn đến đây, như để làm tin, cô chủ này liền bảo nhân viên cửa hàng chạy về kho lấy số quân trang, quân dụng cho tôi xem. Kho cất giữ các sản phẩm quân trang, quân dụng nằm cách đó khoảng 4m, có hệ thống cửa xếp kiên cố. Khi khách có nhu cầu mua, chiếc khóa kiên cố bên ngoài mới được mở. Chưa đầy 1 phút, nữ nhân viên đã trở lại, trên tay là chiếc túi ni lông màu đen.

Nữ nhân viên này mắt đảo như rang lạc rồi lấy từ bên trong chiếc túi ra hai chiếc dây lưng trông không khác xa là mấy so với dây lưng mà lực lượng Công an cấp phát định kỳ cho các cán bộ, chiến sĩ. Mặt dây lưng cũng làm bằng inox với dòng chữ nổi “CA”. Mặt trong của dây lưng in nội dung tên một công ty chuyên sản xuất, cung cấp quân trang, quân dụng...

Để “né” lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, số sản phẩm này thường được cất giữ ở một nơi kín đáo, thay vì bàn bán lộ liễu. Sau gần 20 phút giáp mặt, ngã giá với chủ cơ sở chuyên cung cấp quân trang, quân dụng trái quy định trên phố Lê Duẩn, tôi cũng như nhiều người chứng kiến cảnh giao dịch này cảm thấy bất an, bởi câu hỏi đặt ra, liệu số sản phẩm, đồ dùng trên lọt vào tay đối tượng xấu, hậu quả của nó sẽ thế nào?

Quân trang, quân phục, công cụ hỗ trợ của lực lượng Công an là những sản phẩm được cấp phát theo quy định riêng, không phải là hóa trao đổi mua bán trên thị trường. Các hoạt động mua bán, sử dụng trái quy định đều bị pháp luật cấm. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh quân trang, quân phục ở “chợ đen” vẫn diễn ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp.

Thực tiễn cũng cho thấy, không chỉ cất giữ, giao dịch tại các cửa hàng nhỏ lẻ, nhiều đầu nậu còn sử dụng mạng Internet, mạng xã hội Facebook phục vụ hoạt động kinh doanh quân trang, quân dụng lực lượng Công an. Chính bởi thế mà khi gõ từ khóa liên quan trên trang mạng tìm kiếm google.com.vn, sau ít giây trên giao diện màn hình máy vi tính sẽ hiện ra vô số đường link, trang mạng xã hội chuyên rao bán, cung cấp quân trang, phụ kiện của lực lượng Công an.

Nhấp chuột vào một đường link có tên miền www.facebook.comxxx, tôi giật mình trước hình ảnh thắt lưng, mũ kê pi, ve hàm, quân phục… thậm chí cả còng số tám, bảng tên lực lượng Công an được công khai rao bán.

Nghị định số 29/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21-4-2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2007/NĐ-CP quy định: “Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục CAND. Trường hợp vi phạm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Số quân trang mang nhãn Công an được chủ một cửa hàng trên phố Lê Duẩn rao bán.

Quy định là thế, song nhiều trường hợp vì lợi nhuận vẫn cố tình vi phạm. Để rồi, chính việc kinh doanh này là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc gây mất ANTT. Đơn cử như vào sáng 16-6, Nguyễn Hùng Thái (23 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đã mặc sắc phục Cảnh sát, mang theo khóa số 8, đội mũ kê pi của lực lượng Công an trà trộn vào nhóm người tụ tập đông người tại Công viên Tao Đàn với mục đích gây rối ANTT. Rất may sau đó Thái đã bị lực lượng Công an phát hiện, đưa về trụ sở cơ quan Công an, nếu không hậu quả thật khó lường.

Trong sáng 16-6, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã phát hiện Trần Quốc Đạt và Vũ Quốc Huy (cùng 39 tuổi ở quận Gò Vấp – TP Hồ Chí Minh) đi xe máy, mặc áo khoác có logo Công an TP Hồ Chí Minh. Hai người này đều có biểu hiện gây rối trật tự công cộng nên sau đó được lực lượng chức năng đưa về trụ sở cơ quan Công an xác minh, xử lý.

Trên đây chỉ là những vụ việc điển hình trong số nhiều vụ án xảy ra trong thời gian qua có liên quan đến các đối tượng mạo danh cán bộ Công an. Tất nhiên, để thực hiện mục đích xấu của mình, số đối tượng này trước đó đã sắm cho mình những bộ trang phục, công cụ hỗ trợ của lực lượng Công an ở các phiên “chợ đen”.

Để ngăn chặn hậu họa do hoạt động kinh doanh quân trang của lực lượng Công an gây ra, ngay lúc này, các đơn vị chức năng cần mở đợt ra quân, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo đánh giá của Bộ Công an, thời gian qua, hoạt động mua bán, sử dụng trái phép quân trang, quân dụng và công cụ hỗ trợ của lực lượng Công an diễn ra công khai ở nhiều cửa hàng kinh doanh quần áo nhỏ lẻ, các chợ, trên mạng xã hội, ở phạm vi toàn quốc. Một số đối tượng chống đối, phần tử xấu đã sử dụng trang phục, công cụ hỗ trợ của lực lượng Công an thực hiện một số hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí giả danh lực lượng Công an thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất ANTT, gây ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng CAND.

Trước tình hình trên, ngày 23-7-2018, Bộ trưởng Bộ Công an đã có Công điện gửi các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ; các học viện, Trường CAND; Công an, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường đấu tranh, xử lý với hoạt động mua bán, sử dụng trái phép quân trang, quân dụng, công cụ hỗ trợ lực lượng Công an.

Trần Huy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/chuyen-ghi-o-cho-buon-ban-trai-phep-quan-trang-505508/