Chuyện ghi ở điểm trường Zlao

Hai năm trước, tôi đã có loạt phóng sự viết về các thầy giáo cắm bản ở thôn Aunr, xã A Vương, Tây Giang, Quảng Nam, một thôn đồng bào Cơ Tu nằm lọt thỏm giữa rừng già nguyên sinh trên dải Trường Sơn, phải đi bộ một ngày ròng rã mới tới. Lên Tây Giang lần này, tôi lại nghe, vẫn còn một ngôi làng Cơ Tu nữa nằm cheo leo trên sườn núi, bao quanh là lòng hồ thủy điện A Vương, con đường lên thôn cũng duy nhất là một ngày cuốc bộ, hoặc phải dùng bè bơi qua lòng hồ đầy bất trắc hiểm nguy.

Điểm trường ZLao nằm chênh vênh trên sườn núi Coong Dong.

Người ta ví ngôi làng như một "ốc đảo" giữa rừng, nhưng nguyên nhân, lý do vì sao ngôi làng ấy lại chịu cảnh cô lập như thế, tôi sẽ dành cho bạn đọc trong một bài viết khác… Còn bây giờ, sắp đến ngày 20-11, ngày hiến chương của các nhà giáo Việt Nam, tôi muốn dành cho các thầy, cô giáo đang cắm bản nơi đây, bằng chính những câu chuyện của các thầy, cô, như một lời tri ân, như một sự tôn vinh đúng nghĩa, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: "Trong những nghề cao quý, nghề giáo viên là một trong những nghề cao quý nhất".

Ngôi làng ấy có tên ZLao, xã Dang, H. Tây Giang, phải mất gần ba giờ đồng hồ, chúng tôi mới lên được tới làng, sau khi đã di chuyển bằng cả xe máy và cuốc bộ. Lên đến làng ZLao rồi, theo chân Phó Trưởng thôn-BRiu Bác, phải mất gần 20 phút leo theo con đường dốc đứng trơn trượt, mới lên đến điểm trường ZLao, nằm chênh vênh trên sườn núi Coong Dong. Thấy có khách lạ, thầy giáo A Vô Hoàng cứ cuống quýt cả lên, vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ, thầy bảo: "Lần đầu tiên điểm trường em có khách, lại là nhà báo, em vui quá…!". Điểm trường ZLao có 3 lớp, 28 em học sinh, lớp mẫu giáo 8 em do cô giáo A Lăng Thị Bưa phụ trách, lớp ghép 3-4 cũng 8 em do thầy Hoàng phụ trách, còn lại là lớp ghép 1-2 do thầy A Bing Hương phụ trách, đây là điểm trường Tiểu học duy nhất nằm cách biệt của trường Phổ thông cơ sở xã Dang.

Lớp học mẫu giáo của cô giáo Bưa ở ZLao.

Gọi là cách biệt, bởi gần 20 năm nay, từ khi thủy điện A Vương hình thành, ZLao không có đường giao thông, không có điện lưới quốc gia, không trạm xá, chỉ có một điểm trường Tiểu học tạm bợ. Thầy Hoàng bảo, so với cô Bưa và thầy Hương, gia đình thầy ở xa nhất, vợ thầy cũng giáo viên, dạy hợp đồng ở thị trấn PRao, Đông Giang, vợ chồng thầy đã có 1 con gái. Từ ZLao về Đông Giang chỉ khoảng 50km, nhưng một năm thầy Hoàng cũng chỉ gặp vợ con mỗi tháng 1 lần.

Năm 2015, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đà Nẵng, thầy Hoàng nhận công tác ở Tây Giang và được phân công lên ZLao ngay, vậy mà mới đấy đã gần 4 năm. Cô Bưa và thầy Hương thì gia đình ở ngay xã Dang, chỉ cách điểm trường chừng 20km, nhưng cũng vì cái sự cách biệt của ZLao, cả tháng mới về thăm gia đình một lần. Thầy Hương và cô Bưa cũng lên ZLao được hơn 4 năm, Thầy Hương đã có vợ và 2 con, nhưng cô Bưa năm nay đã 33 tuổi, vẫn "phòng không", hỏi chuyện gia đình, ánh mắt cười buồn cô Bưa bảo: "Năm nay đang mùa mưa, lại không có mưa nên mới về thăm gia đình được, chứ mọi năm mưa suốt mấy tháng, chỉ quanh quẩn ở điểm trường, thì ai dám "dũng cảm" vượt dốc cả ngày đường rừng lên thăm em được…!".

Thầy Hương hướng dẫn các em học sinh lớp ghép 1-2 ở ZLao học bài.

Đã xế trưa, vừa trò chuyện với chúng tôi, thầy Hoàng tranh thủ vào bếp nhóm lửa nấu cơm, bữa cơm của 3 thầy, cô giáo chỉ là một nhúm cá khô và mớ rau rừng. Cá khô thì mỗi lần về trường Trung tâm, thầy cô mang lên, còn rau rừng, bà con trong thôn đi rẫy hái cho. Thầy Hoàng phân trần, các thầy, cô cũng dọn hẳn một miếng đất để trồng rau, nhưng lợn của bà con trong làng thả rông phá hết, nuôi mấy con gà, đám chồn, chuột núi cũng lẻn vào cắn chết sạch cả. Không có điện lưới, điểm trường có một tua-bin chạy bằng nguồn nước suối, nhưng 5 năm khô hạn, các khe quanh làng đều không có nước, tua-bin đành để không. Tối đến, không tivi, không đài, thầy cô treo ngược đèn pin lên để soạn giáo án, rồi đốt lửa ngồi kể chuyện gia đình cho nhau nghe xua đi nỗi nhớ nhà. Điện thoại di động, thầy, cô đều có, nhưng phải chờ hôm nào về thăm nhà sạc đủ điện mang lên, chỉ để dành thỉnh thoảng gọi về cho vợ con để biết tình hình. Thầy Hương dí dỏm nói, tài sản có "giá trị" nhất của điểm trường là cái kẻng báo bằng thép lưỡi cày, tiếng kẻng cũng là chiếc đồng hồ báo cho các em học sinh đến trường mỗi ngày…

Niềm động viên, an ủi nhất của thầy, cô là sự ham học của những đứa trẻ Cơ Tu nơi đây và sự quan tâm thầy cô của bà con trong làng. Trường nằm chênh vênh trên sườn núi cao nhất làng, chỉ tội cho lũ trẻ những hôm trời mưa, đường lên trường trơn như đổ mỡ, thầy cô phải dìu, dắt từng em lên lớp học, rồi lại dìu, dắt từng em về nhà. Có hôm mưa to quá, tan buổi học, lũ trẻ không thể về nhà, thầy cô dọn cơm ra ăn, nhưng không đành để lũ trẻ bụng đói, nồi cơm cùng nhúm cá khô của 3 thầy cô đành nhường hết cho bọn trẻ.

Thầy giáo Hoàng nhóm lửa nấu cơm ở điểm trường ZLao.

Khó khăn thế, vất vả thế, nhưng từ điểm trường này, 5 năm qua đã có 24 em học sinh học hết tiểu học, lên học cấp 2 trường xã, 5 em vào cấp 3, 3 em đang theo học các trường đại học, cao đẳng. Chúng tôi hỏi thầy Hoàng, ở điểm trường đầy gian khó này, ngày 20-11 các em học sinh có tặng hoa cho thầy cô không. Thầy Hoàng cười tươi và trả lời chúng tôi đầy hứng khởi: "Các em còn nhỏ, chưa biết làm việc ấy, nhưng sự ham học của các em, sự yêu thương thầy cô của bà con ZLao, và cả rừng hoa trên sườn núi Coong Dong này là quà tặng vô cùng to lớn đối với chúng tôi. Chúng tôi muốn gửi cả rừng hoa này đến các thầy cô giáo, những đồng nghiệp cũng đang "cắm bản" như chúng tôi, với lời thề, dù khó khăn đến đâu cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của người giáo viên nhân dân…". Vâng, các thầy cô đang là những đóa hoa tỏa ngát hương thơm giữa cuộc đời này…

HỒNG THANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_198298_chuyen-ghi-o-diem-truong-zlao.aspx