Chuyện ghi ở ngôi trường đặc biệt

Ở trung tâm giáo dục dạy nghề cho người mù, lớp học không bảng cũng chẳng phấn, học viên không nhìn thấy gương mặt của thầy, cô giáo… việc dạy và học đều thông qua những tiếng gõ lạch cạch, những con chữ nổi. Nhưng ở nơi đây, người mù đang từng ngày, từng giờ chứng minh họ có thể sinh hoạt, làm việc, giải trí gần tương tự người sáng mắt.

Lớp học tiền hòa nhập tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề cho người mù tỉnh.

“Chúng em không bất hạnh, chỉ bất tiện thôi ạ”

Nép mình ở một góc nhỏ trên đường Phan Bội Châu, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa, Trung tâm Giáo dục dạy nghề cho người mù, kiêm trụ sở của Hội Người mù tỉnh luôn đông vui, ríu rít bởi tiếng cười nói, nô đùa của những đứa trẻ. Không giống như bao trẻ bình thường khác, các em có những số phận kém may mắn bởi cuộc đời gắn với chữ “mù”. Phần lớn các em nhỏ ở đây đều có cảnh đời khó khăn, trước khi đến trung tâm là chuỗi ngày dài ngập chìm trong bóng tối. Nhưng khi đến đây, các em không chỉ được học các lớp tiền hòa nhập giúp khắc phục những khiếm khuyết của đôi mắt, để có thể tự ăn uống, vệ sinh, định hướng di chuyển, học chữ nổi Braille, tiếp thu thông tin bên ngoài thông qua việc đọc sách báo, giao lưu với bạn bè… mà còn được học nghề, xây dựng tương lai.

Trong một lớp học rộng chừng 30m2, từ bạn nhỏ đến lớn đều tập trung say sưa với bài học của mình, có em học viết chính tả qua bảng chữ Braille, em thì sờ học chữ nổi và em thì học bảng chữ trên mô hình con cắm (giai đoạn đầu tiên của học chữ). Hì hụi dùng dùi để tập viết chính tả thay vì dùng bút viết như các trẻ bình thường, cậu bé Phan Đức Bính, 13 tuổi cười bẽn lẽn khi có người gọi tên.

Bính chia sẻ: “Em bị mù bẩm sinh nên bố mẹ đặt đâu em ngồi đó, đến giờ ăn thì ăn, ngủ thì ngủ, phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ. Em chưa bao giờ tiếp xúc với bên ngoài cho đến khi vào trung tâm. Khi mới vào lớp học còn lạ lẫm, chưa quen, em cũng như các anh chị phải bắt đầu học từ vị trí các đồ đạc trong phòng, học cách tự tắm, ngồi vào bàn ăn và tự rửa bát… Ngày ngày được học, được cô giáo, anh chị giúp đỡ nên bây giờ em đã có thể tự lo cho mình. Em đã biết mặt chữ, em biết đánh vần rồi”.

15h10, tiếng trống trường báo hiệu giờ nghỉ giải lao. Các em chạy ra hành lang nô đùa, quàng vai, bá cổ nhau tự tin, thoải mái không một chút gượng gạo, sợ hãi. Cô giáo Lương Thị Yến lý giải: “Đây là “địa bàn” của người mù. Các em thuộc lòng từng viên gạch, bức tường nên không có bất cứ một trở ngại gì khi học tập và sinh hoạt ở đây”.

Tiếng sáo du dương dẫn chúng tôi lên căn phòng của Nguyễn Thế Linh, chàng trai 20 tuổi đến từ Nghệ An. Bị mù bẩm sinh, tuổi thơ của Linh chìm trong bóng tối và cô đơn. Được học tập và sinh hoạt tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề cho người mù Thanh Hóa, Linh đã tìm thấy ánh sáng của đời mình. Tại đây, nhờ sự động viên, chăm sóc, dạy dỗ của các thầy, cô giáo và các bạn, Linh được học tập, vui chơi như bạn bè cùng trang lứa.

“Đôi mắt không nhìn thấy gì khiến em rất buồn. Đến trung tâm em được học nhạc, được học chữ Braille, em cảm thấy rất vui khi được hòa nhập với các bạn, không còn mặc cảm tự ti về bản thân mình nữa”, Linh nói.

Linh thích thổi sáo và có niềm đam mê đặc biệt với nhạc cụ dân tộc này. Linh cũng gieo niềm yêu thích ấy đến các bạn của mình. Câu lạc bộ thổi sáo của Linh thu hút khá đông thành viên tham gia, đủ mọi lứa tuổi. Chỉ cần có thời gian rảnh rỗi là các bạn lại cùng nhau luyện tập. Thậm chí, các em còn sử dụng điện thoại thông minh quay và live lại đăng trên facebook để gia đình và bạn bè cùng thưởng thức. Nhờ những phần mềm đọc màn hình cho người mù trên điện thoại, Linh và các bạn cũng như hầu hết người mù đều có thể sử dụng mạng xã hội, đặt xe công nghệ... tự lập được mọi thứ trong cuộc sống mà không cần nhờ sự giúp đỡ của gia đình.

“Khả năng của người mù phong phú hơn chúng ta tưởng. Họ phải học cách thích nghi và phải cố gắng rất nhiều”, cô giáo Yến giảng dạy ở đây nhìn nhận.

Dù bất tiện là không được như người sáng mắt để nhìn người khác làm và bắt chước, nhưng người mù vẫn hoạt động bình thường trong xã hội, vẫn làm được nhiều việc, ít nhất là trong không gian của họ. Có chăng, sự sợ hãi chỉ xuất hiện bên kia cánh cửa trung tâm. Để các em tiếp cận dần với thế giới bên ngoài, trung tâm cũng thường xuyên tổ chức các buổi học ngoại khóa về kỹ năng sống, định hướng và di chuyển. Tuy không thường xuyên ra khỏi trung tâm vì lý do an toàn, nhưng khi có việc cần thiết học viên vẫn có thể ra ngoài dưới sự giám sát của giáo viên mắt sáng.

“Chúng em không bất hạnh, chỉ bất tiện thôi ạ!”, Linh và các bạn khiếm thị của mình khẳng định.

Xin hãy cho người khiếm thị cơ hội

Bên cạnh trẻ mù ăn học tại trung tâm, Trung tâm Giáo dục dạy nghề cho người mù còn mở các lớp xóa mù cho người mù của các huyện, thị xã, thành phố gửi lên học tập. Trong hơn 20 năm, trung tâm xóa mù cho hơn 2.000 lượt người mù và chống tái mù chữ. Một số cán bộ hội viên sau khi học thành thạo chữ Braille đã trở về huyện hội làm giáo viên dạy cho hội viên khác trong đơn vị. Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp với địa phương tổ chức dạy chữ Braille cho người mù không có điều kiện đến trung tâm để học.

Cùng với lớp dạy chữ, trung tâm mở các lớp dạy nghề và đào tạo nâng cao tay nghề cho hội viên. Các ngành nghề chính được đào tạo như sản xuất tăm, tẩm quất cổ truyền, giác hơi, bấm huyệt, vi tính… Ngoài ra, một số người mù trẻ cũng đã có thêm những ngành nghề mới như bán hàng online, nhân viên chăm sóc khách hàng (qua điện thoại và máy tính), chủ cơ sở sản xuất dịch vụ, ca sĩ… Thu nhập bình quân của người mù có việc làm là 3,5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Số lượng người mù có việc làm ngày càng tăng.

“Trung tâm đã tạo ra một lớp người mù mới trong xã hội, có tri thức, vượt qua mặc cảm, sự tự ti. Nhiều người có việc làm, có thu nhập, tự nuôi sống bản thân và gia đình, hòa nhập với cộng đồng xã hội”, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, kiêm Giám đốc Trung tâm Giáo dục dạy nghề cho người mù Nguyễn Xuân Trung cho biết.

Chia tay lớp học, chia tay các bạn nhỏ, song trong chúng tôi ai cũng như lặng đi bởi tiếng sáo trong trẻo theo lời bài hát “giấc mơ trưa” của Linh và những người bạn. Những giai điệu đẹp ấy chính là ước mơ của các em về một cuộc sống bình yên, giản dị.

Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/chuyen-ghi-o-ngoi-truong-dac-biet/170101.htm