Chuyện ghi ở phòng hòa giải, đối thoại

Bước đầu sáu trung tâm hòa giải, đối thoại tại TP Đà Nẵng được ngành tòa án địa phương đánh giá cao về tính hiệu quả.

14 giờ một chiều tháng 3, không khí tại phòng hòa giải, đối thoại (HG-ĐT) thuộc Trung tâm HG-ĐT quận Hải Châu, TP Đà Nẵng khá căng thẳng bởi cuộc tranh luận của một cặp vợ chồng trung niên. Chị L. là nguyên đơn, còn anh T. là bị đơn trong vụ ly hôn mà trung tâm này đang tiếp nhận giải quyết.

Hàn gắn rạn nứt

Trình bày trước hòa giải viên (HGV), chị L. cho hay anh T. là một người chồng bạo lực, luôn có thói quen kiểm soát người khác. Mỗi lần chị đi ra ngoài đều bị chồng dò xét, vặn vẹo đủ điều. “Ổng rất hay ghen tuông vô cớ. Mỗi lần ghen là lôi tui ra đánh đập. Tết vừa rồi ổng mua xăng định thiêu sống tui nhưng may mắn là các con tui can ngăn kịp thời. Mọi thứ đã đến giới hạn, tui không thể sống chung với người chồng bạo lực thêm ngày nào nữa” - chị L. nói trong nước mắt.

Ngồi nghe vợ kể tội, anh T. cúi gằm mặt, hai bàn tay đan chặt vào nhau như cố giấu sự lúng túng. Nắm bắt tâm lý này, HGV Nguyễn Phước Cử bắt đầu tìm hướng gỡ rối cho câu chuyện từ người chồng. Ông Cử đặt mình ở vị trí người anh, người cha để tỉ tê tìm hiểu nguyên do, phân tích trái phải cho anh T. hiểu mức độ nguy hiểm từ hành vi của mình. Cảm nhận được sự hối hận từ đôi mắt người chồng, ông khuyên chị L. cho anh T. cơ hội. “Em không thể vì con mà tha thứ cho anh sao?” - anh T. nói. Chị L. đáp: “Cũng vì con nên tui đã chịu đựng anh suốt 25 năm qua. Giờ thì tui không chịu nổi nữa, giải thoát cho nhau đi”.

Bầu không khí trở nên căng thẳng, HGV Cử ra dấu nhắc anh T. kiềm chế cảm xúc của mình. Đợi chị L. bình tĩnh, ông chuyển sang hỏi han vợ chồng về chuyện học hành của con, dần khơi gợi trong chị những điều tốt đẹp về tình cảm gia đình, về những đứa trẻ cần vòng tay yêu thương của cả cha lẫn mẹ. Chị L. nghe xong thì im lặng, đôi mắt đỏ hoe vẫn hướng ra phía khung cửa sổ ngập nắng.

Hòa giải viên Nguyễn Phước Cử (trái) đang hòa giải cho cặp vợ chồng trong vụ ly hôn. Ảnh: T.AN

Hòa giải viên Nguyễn Phước Cử (trái) đang hòa giải cho cặp vợ chồng trong vụ ly hôn. Ảnh: T.AN

Ông Cử ôn tồn: “Bát đĩa còn có lúc xô lệch, cuộc sống gia đình khó tránh khỏi mâu thuẫn. Nhưng mỗi người cần phải tự điều chỉnh mình, anh bớt nóng tính, còn chị thì bao dung cho anh. Đập bỏ cái cũ thì dễ, xây cái mới mới khó. Chi bằng chị cho anh và các con thêm cơ hội giữ lại tổ ấm tròn vẹn, nếu tới đây anh vẫn không thay đổi thì mình quyết định cũng chưa muộn”.

Gần 45 phút khuyên nhủ, chị L. cuối cùng cũng mềm lòng và đồng ý dành thời gian suy nghĩ trước khi quyết định. Nhìn anh chồng bối rối bước sau lưng vợ, muốn níu tay gọi nhưng không dám, ông Cử trầm tư: “Vụ này căng đấy, vì anh chồng quá bạo lực nên người vợ kiên quyết muốn ly hôn. Có lẽ phải điện thoại cho từng người tỉ tê, khuyên nhủ rồi gọi lên đây hòa giải một, hai lần nữa may ra mới xuôi”.

Bước đầu hiệu quả

Ông Cử là một trong bảy HGV, đối thoại viên đang làm nhiệm vụ “hàn gắn rạn nứt, kiến tạo hòa bình” tại Trung tâm HG-ĐT quận Hải Châu. Hơn bốn tháng làm việc, ông và đồng nghiệp đã giải quyết hàng trăm vụ việc dân sự, trong đó phần lớn là những vụ ly hôn.

Vốn là luật sư, có kinh nghiệm giải quyết các loại án, HGV Trần Thiên Thanh bảo rằng khuôn mặt ngây thơ, hồn nhiên của những đứa bé là điều khiến ông luôn ám ảnh, xót xa mỗi khi hòa giải các vụ ly hôn. Thế nên có nhiều vụ dù biết chắc cơ hội hòa giải bằng không nhưng ông vẫn ráng viện cớ hồ sơ thiếu cái này cái kia để vợ chồng có thêm thời gian suy nghĩ, như một cách giúp con trẻ giữ lại một mái ấm.

Theo ông Thanh, công việc này tuy không vất vả nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Sau khi nhận hồ sơ, ông thường dành thời gian để nghiên cứu, phân tích tìm ra hướng đối thoại, hòa giải sao cho phù hợp với từng đối tượng. Chẳng hạn, nếu là người bằng tuổi, ông đặt mình vào vị trí những người bạn để cùng nhau chia sẻ, giãi bày. Nếu là người nhỏ tuổi hơn, ông xem họ như người thân trong gia đình để tỉ tê, khuyên nhủ.

Cũng theo ông Thanh, ngoài am hiểu về pháp luật, HGV cần phải có kiến thức sâu rộng về xã hội, sự tinh tế, nhạy bén trong xử lý vấn đề thực tế trong cuộc sống. Từ đó giúp các bên tìm ra được những giải pháp tốt nhất để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp mà tự họ chưa làm được.

Ông Trần Đình Quảng, Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng, cho biết qua hơn bốn tháng triển khai thí điểm, sáu trung tâm HG-ĐT tại TAND hai cấp TP Đà Nẵng đã đạt được kết quả tích cực. HG-ĐT thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện mà không phải mở phiên tòa xét xử. Nó còn tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự và giảm áp lực công việc cho thẩm phán. Việc thi hành các quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự, quyết định công nhận đối thoại thành lúc nào cũng thuận lợi, nhanh chóng hơn thi hành án.

Con số ấn tượng

Đầu tháng 11-2018, sáu trung tâm HG-ĐT tại Đà Nẵng bắt đầu hoạt động. Tính đến ngày 28-2, các cơ sở này đã thụ lý 1.498 đơn, tỉ lệ được HG-ĐT thành, rút đơn khởi kiện là 699 vụ (chiếm 54,74% số vụ việc kết thúc HG-ĐT). Trong những vụ hòa giải đạt kết quả thì có 107 vụ ly hôn được hòa giải đoàn tụ, 201 vụ đương sự rút đơn khởi kiện.

VĨNH KỲ

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/chuyen-ghi-o-phong-hoa-giai-doi-thoai-824871.html