Chuyện gì đang xảy ra với Pháp trước thềm World Cup nữ 2023

Chưa đầy 5 tháng trước khi World Cup diễn ra, bóng đá nữ Pháp rơi vào khủng hoảng khi lần lượt 3 cầu thủ ngôi sao rời đi, chủ tịch liên đoàn từ chức và HLV có nguy cơ bị sa thải.

Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2023 sắp diễn ra tại Australia và New Zealand vào tháng 7 tới, nhưng đội tuyển Pháp lúc này còn đang quay cuồng.

3 trong số những cầu thủ ngôi sao đã dứt áo ra đi, còn vị huấn luyện viên trưởng có nguy cơ bị sa thải trong cuộc họp tuần tới, theo The Atlantic.

Làn sóng tẩy chay của cầu thủ

Ngày 24/2, Wendie Renard, đội trưởng đội tuyển quốc gia Pháp và hiện chơi cho Lyon, đưa ra một thông báo khiến nhiều người hâm mộ sững sờ.

Renard, người được đánh giá là một trong những hậu vệ tốt nhất của bóng đá nữ, cho biết sẽ không tham gia kỳ World Cup năm nay.

Ngôi sao của tuyển Pháp, Wendie Renard, sẽ không góp mặt trong kỳ World Cup nữ 2023.

Khoảng 1 tiếng sau, Kadidiatou Diani và Marie-Antoinette Katoto, bộ đôi chơi cho Paris Saint-Germain, cũng tuyên bố không muốn thi đấu trong đội tuyển quốc gia Pháp.

4 ngày sau, Noel Le Graet, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Pháp (FFF), tuyên bố từ chức tại một cuộc họp của ủy ban điều hành sau 11 năm tại vị.

Trước đó 2 tuần, RMC tiết lộ FFF mở cuộc điều tra nhắm vào ông Le Graet. FFF muốn làm rõ các cáo buộc quấy rối tình dục của ông Le Graet trong gần một thập niên qua. Một số nữ nhân viên từng làm việc tại FFF tố cáo Le Graet "quấy rối tình dục" và khiến họ phải nghỉ việc.

"Ông Le Graet không còn tư cách hợp pháp để quản lý và đại diện cho bóng đá Pháp. Chúng tôi tin rằng những hành vi buông thả của ông Le Graet đang gây bất lợi cho hình ảnh của liên đoàn và mời các cơ quan chức năng xem xét trường hợp này để xử lý theo quy định", trích một báo cáo sau cuộc điều tra của Chính phủ Pháp.

Hiện mọi ánh mắt đổ dồn vào huấn luyện viên trưởng đội tuyển nữ Pháp Corinne Diacre, nhất là sau khi Renard cùng các đồng đội Katoto và Diani tuyên bố tẩy chay đội tuyển quốc gia Pháp.

Renard cho biết lý do rời đi của cô không phải việc cá nhân, mà liên quan đến việc thiết lập hệ thống tổng thể của đội bóng nữ. Cô nói rằng mình “không còn có thể hỗ trợ hệ thống hiện tại”.

Noel Le Graet từ chức Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Pháp (FFF) sau scandal quấy rối tình dục. Ảnh: AP.

“Đây là một ngày đáng buồn, nhưng tôi cần làm vậy để giữ gìn sức khỏe tinh thần của mình. Tôi sẽ không thể chơi ở World Cup trong điều kiện môi trường làm việc như vậy”, hậu vệ 32 tuổi chia sẻ.

Hai cầu thủ Katoto và Diani cũng tuyên bố tạm dừng chơi cho đội tuyển quốc gia, trừ khi “những thay đổi cần thiết được thực hiện”.

Vốn dĩ, vấn đề của đội tuyển bóng đá nữ sẽ được đề cập trong buổi họp ngày 28/2 vì chỉ có chủ tịch FFF mới có thể quyết định thuê hay sa thải một HLV.

Nhưng vào hôm đó, vị chủ tịch đã từ chức.

Sự bất hòa dai dẳng

Dù thông báo của Renard, được ủng hộ bởi những cầu thủ giành Quả bóng vàng châu Âu Ada Hegerberg (Na Uy) và Megan Rapinoe (Mỹ), gây sốc cho những người yêu mến đội tuyển Pháp, đó không phải quyết định vội vàng. Cô đã suy nghĩ về điều đó suốt vài tháng.

Một tuần trước khi Giải bóng đá giao hữu quốc tế (Tournoi de France) do FFF tổ chức diễn ra, cầu thủ 8 lần vô địch Champions League đã thông báo với Le Graet và chủ tịch CLB Lyon Jean-Michel Aulas rằng cô sẽ ngừng chơi cho Les Bleues.

Marie-Antoinette Katoto (trái) và Kadidiatou Diani, bộ đôi chơi cho Paris Saint-Germain, cũng từ chối chơi cho đội tuyển quốc gia sau khi đội trưởng rời đi. Ảnh: PSG; PSG Talk.

Ngày 22/2, Renard nâng cao cúp vô địch Tournoi de France nhưng với biểu cảm không mấy vui vẻ. Dường như, cô biết rằng đây có thể là trận cuối cùng cô thi đấu trong màu áo xanh của tuyển quốc gia.

Vấn đề giữa HLV Diarce với Renard và một số cầu thủ khác vốn tồn tại từ lâu.

Sau khi lên nắm quyền vào cuối năm 2017, HLV Diarce tước băng đội trưởng của Renard bởi cho rằng cô chỉ thi đấu “với 40% khả năng của mình cho đội tuyển Pháp” và “có lẽ chiếc băng đội trưởng đã tiêu hao quá nhiều năng lượng”. Cô chỉ mới lấy lại băng đội trưởng vào năm 2021.

Tháng 2/2020, tiền vệ người Pháp Gaetane Thiney gợi ý rằng HLV Diarce hoặc những người khác “nên được truyền cảm hứng” về cách giao tiếp và quản lý từ HLV trưởng đội nam Didier Deschamps.

Tháng 7/2019, thủ thành lâu năm Sarah Bouhaddi rút lui khỏi đội tuyển Pháp. Ban đầu, cô lấy lý do về sự thất bại tại World Cup 2019 để rời đi. Nhưng tháng 10/2020, chia sẻ trên kênh truyền hình của thành phố Lyon (Pháp), cô thẳng thắn đề cập đến HLV Diarce.

“Giành chức vô địch dưới sự lãnh đạo của HLV này là bất khả thi. Những lời này nghe có vẻ nặng nề nhưng sự thực là chúng tôi đang sống trong môi trường rất tiêu cực. Nhiều cầu thủ cũng nghĩ vậy, song họ không nói ra. Tôi cam đoan rằng Pháp không thể vô địch Giải vô địch bóng đá nữ châu Âu 2022 nếu Corinne Diacre vẫn nắm quyền”, cô nói.

HLV Diarce được cho là nguồn cơn khiến đội tuyển bóng đá nữ Pháp tan rã.

HLV này cũng bất hòa với các tiền vệ của Lyon, Eugenie Le Sommer và Amandine Henry. Sau World Cup 2021, HLV Diarce chỉ trích màn trình diễn của Le Sommer ngay trên chương trình truyền hình bóng đá Pháp Telefoot của đài TF1.

Le Sommer không được gọi tên vào đội tuyển quốc gia từ tháng 4/2021, còn Henry, đội trưởng lúc bấy giờ, cũng không góp mặt kể từ tháng 10/2020 do “phong độ thi đấu không đảm bảo”.

Bước ngoặt vĩ đại

Tuy nhiên, bản chất vấn đề có thể còn sâu xa hơn, không chỉ nằm ở việc quản lý đội tuyển quốc gia. Đó là lý do Renard dùng từ “hệ thống” trong tuyên bố của mình.

Trước khi được Le Graet mang về vào năm 2017 và trở thành HLV trưởng của đội tuyển nữ quốc gia Pháp, Diacre là người phụ nữ đầu tiên quản lý một đội chuyên nghiệp nam là CLB Clermont, từ năm 2014 đến năm 2017. Người phụ nữ 47 tuổi này nổi tiếng với lối giao tiếp thiếu nhất quán, thiếu tôn trọng và thiếu tế nhị.

Bất chấp màn trình diễn đáng thất vọng tại Euro 2022, nơi đội tuyển Pháp bị Đức đánh bại ở bán kết, cựu chủ tịch FFF đã gia hạn hợp đồng với HLV Diacre mà không bàn với bất kỳ ai khác. Bản hợp đồng này được cho là trị giá 424.000 USD/năm và kéo dài cho đến Thế vận hội Olympic Paris 2024.

Nhưng ở tình thế hiện tại, vị trí công tác của bà rất dễ bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh người đứng đầu “hệ thống”, ông Le Graet, đã bị loại bỏ, đây là cơ hội để FFF sang trang mới.

Mối bất hòa giữa nhà cầm quân người Pháp với các cầu thủ của mình kéo dài trong nhiều năm. Ảnh:Molly Darlington/Reuters.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của liên đoàn không muốn bị coi là nhượng bộ trước áp lực từ các cầu thủ. Dòng cuối cùng trong tuyên bố của FFF được đưa ra hôm 24/2 cho biết: “Không có cá nhân nào đứng trên tổ chức của đội tuyển Pháp”.

Việc định đoạt tương lai của HLV Diacre được giao cho một nhóm làm việc gồm Jean-Michel Aulas, người cũng phụ trách bóng đá nữ tại FFF, Chủ tịch CLB Strasbourg Marc Keller, Thủ quỹ FFF Aline Riera và Tổng thư ký FFF Laura Georges, người cũng chơi trung vệ cùng với Renard.

Nhóm này sẽ đưa ra quyết định cho Philippe Diallo, người tạm thời đảm nhận vị trí Chủ tịch FFF sau khi Le Graet từ chức, tại cuộc họp tiếp theo diễn ra vào ngày 9/3.

Chỉ chưa đầy 5 tháng nữa là World Cup nữ 2023 khai mạc, nhưng nền bóng đá Pháp đang đứng trước bước ngoặt trọng đại.

Nếu tiếp tục giữ HLV Diacre và các cầu thủ ngôi sao không trở lại thi đấu, Pháp sẽ giảm cơ hội thành công tại Giải vô địch bóng đá thế giới. Nhưng liệu một HLV mới có thể tác động thế nào tới đội bóng khi giải đấu quốc tế đang cận kề?

Thời gian dường như không đứng về phe Les Bleues.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-voi-phap-truoc-them-world-cup-nu-2023-post1408488.html