Chuyện gì đang xảy ra với phim Việt?

Chất lượng tụt dốc khiến khán giả dần thờ ơ và quay lưng với phim Việt. Nhiều dự án phải rút rạp sớm trong tình trạng thua lỗ nặng nề.

 Hình ảnh phim Huyền sử vua Đinh.

Hình ảnh phim Huyền sử vua Đinh.

Doanh thu phim Việt đã lên đến “đỉnh cao” với Bố già (2021) – tác phẩm đầu tiên và duy nhất đạt đến cột mốc 420 tỷ đồng, hiện là dự án ăn khách nhất mọi thời. Nhưng phim Việt cũng bắt đầu rơi xuống “vực sâu” và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Gần nhất, Huyền sử vua Đinh (đạo diễn Anthony Võ) ghi nhận mức doanh thu thấp kỷ lục. Sau một tuần công chiếu, phim chỉ đạt 42 triệu đồng theo thống kê từ Box Office Vietnam - đơn vị kiểm toán doanh thu phòng vé độc lập. Trước đó Virus cuồng loạn (đạo diễn Nguyễn Ngọc Nhất Duy) cũng rơi vào tình trạng tương tự khi ế ẩm tại phòng vé, lỗ nặng với tổng doanh thu chỉ hơn 157 triệu đồng so với kinh phí công bố gần 8 tỷ đồng.

Chất lượng thảm họa

Trước nay, điểm khiến phim Việt bị đánh giá thấp chủ yếu là mặt nội dung. Điện ảnh nước nhà thiếu đội ngũ biên kịch đủ giỏi để nhào nặn ra những kịch bản chắc chắn. Phần lớn tác phẩm không mang lại nhiều sự mới mẻ cho người xem. Ý tưởng cũ kỹ, mắc nhiều lỗi về lời thoại, tình tiết lẫn cách xây dựng nhân vật.

Song, gần đây nhiều dự án Việt còn gây sốc vì phần hình thức quá tệ. Virus cuồng loạn là minh chứng điển hình. Ngay từ khi chưa công bố, tác phẩm đã nhận hàng loạt ý kiến chỉ trích về mặt hình ảnh. Từ poster phim, trailer đến tạo hình nhân vật đều được thực hiện sơ sài, không đạt chuẩn để chiếu rạp.

Virus cuồng loạn gây sốc vì phần hình ảnh có chất lượng quá tệ.

Khi xem phim, khán giả dễ dàng phát hiện hàng loạt điểm trừ. Các diễn viên trở thành xác sống thông qua phần hóa trang thực hiện qua loa. Họ chủ yếu được đánh phấn trắng, thoa son đậm và đeo lens. Cách xử lý này có thể tạm chấp nhận với một vở kịch sân khấu, nhưng khó thể thông cảm với một dự án điện ảnh được đầu tư tiền tỷ.

Tạo hình xác sống thiếu sáng tạo thì đạo diễn cũng chưa kiểm soát được phong cách ở lần đầu làm phim. Các góc máy được sắp đặt bố cục lệch lạc, khung hình rung lắc khiến người xem chóng mặt. Màu phim cũng không thống nhất, khi thì sặc sỡ khi lại quá nhợt nhạt.

Khó thể kỳ vọng ở một bộ phim không được đầu tư ngay từ yếu tố quan trọng nhất: Xác sống. Do đó, cũng khó để xếp phim vào một thể loại nhất định. Nó không đủ sợ hãi để thành phim kinh dị, quá uể oải để làm phim hành động và cũng chưa đủ sâu sắc để làm phim tâm lý.

Tất nhiên, hiếm ai có thể cười thoải mái khi bỏ tiền ra rạp xem một bộ phim như vậy.

Những tưởng mức thất vọng dành cho Virus cuồng loạn đã đạt đến đỉnh điểm thì Huyền sử vua Đinh xuất hiện. Lần này, đáng mừng là khán giả không cần ra rạp vẫn nhặt được đầy sạn trong trailer.

Đơn cử, ê-kíp để cho các diễn viên trẻ hóa thân thành người già bằng cách đeo râu giả. Song, chất lượng đạo cụ hóa trang rất thấp, chỉ bằng các tiết mục văn nghệ của học sinh, sinh viên. Tạo hình nhân vật chính – vua Đinh Bộ Lĩnh (Anh Tài) – không hề toát lên vẻ oai hùng, trang nghiêm. Trái lại, người xem ái ngại vì không biết khi nào bộ râu sẽ “cuốn theo chiều gió”.

Tạo hình các nhân vật trong phim Huyền sử vua Đinh không mang lại cảm giác chân thật.

Phần kỹ xảo cũng là một yếu tố khiến hai tác phẩm bị chê bai thậm tệ. Thật khó hiểu khi đến năm 2022 mà vẫn có phim điện ảnh ra rạp với những hiệu ứng vi tính của phim truyền hình thập niên 2000. Thậm chí, Huyền sử vua Đinh còn gây sốc khi bỏ qua phần hậu kỳ. Ê-kíp không xử lý mà để nguyên nhà lầu, bối cảnh hiện đại để làm nền cho các nhân vật.

Xem qua trailer, nhiều khán giả thắc mắc khi nhìn thấy các diễn viên nhuộm tóc trong một bộ phim có bối cảnh thời xưa. Trang phục, binh khí cũng không làm tăng thêm độ hoành tráng, mà phần nào cho thấy hạn chế của ê-kíp khi làm phim.

Khán giả quay lưng

Có thể nói, 2022 là một năm thất bát của phim Việt. Hàng loạt tác phẩm ra rạp trước sự thờ ơ của khán giả, để rồi thua lỗ nặng nề. Danh sách này bao gồm cả những dự án được đầu tư kinh phí cao như 578: Phát đạn của kẻ điên (60 tỷ đồng), Kẻ thứ ba (33 tỷ đồng) và Maika – cô bé đến từ hành tinh khác (30 tỷ đồng).

Đáng chú ý, khi phim thất bại, phần lớn nhà sản xuất lẫn ê-kíp đều đổ lỗi cho hoàn cảnh. Nói về sự thua lỗ của 578: Phát đạn của kẻ điên, đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết tác phẩm bất lợi vì "ra mắt vào đúng mùa SEA Game 31 diễn ra rồi thời tiết mưa dầm dề kéo dài”.

Ê-kíp Huyền sử vua Đinh cũng có lập luận tương tự. Đạo diễn Anthony Võ cho biết đứa con tinh thần gặp nhiều khó khăn khi ra rạp. Dự án phải đối đầu với loạt phim ngoại lớn nhỏ. Các nhà rạp không tạo điều kiện, hỗ trợ để phim có những suất chiếu tốt.

Chưa kể, mùa World Cup lại đang sôi động khiến khán giả không quan tâm đến phim Việt. Anh chia sẻ: “Thời điểm này, nhà nhà, người người đều tập trung coi World Cup. Khán giả cũng ít mua vé ra rạp xem phim”.

Ê-kíp Huyền sử vua Đinh cho rằng phim bị ảnh hưởng nhiều vì ra rạp cùng đợt World Cup 2022.

“Thảm họa” là cụm từ thường được khán giả dùng để nhận xét về phim Việt. Nhưng khi một bộ phim thảm họa vừa rút rạp thì lại có một tác phẩm khác tệ hơn xuất hiện. Chất lượng báo động của Virus cuồng loạn hay Huyền sử vua Đinh khiến nhiều người phải ngán ngẩm sau khi bỏ tiền ra rạp xem phim. Từ đó, họ hình thành tâm lý lo sợ phim Việt, tạo nên định kiến không tốt về phim Việt.

Trước hai dự án này, ta dễ dàng liệt kê nhiều phim Việt có chất lượng tệ nhưng được quảng bá rất rầm rộ. Đó là Cù lao xác sống – phim Việt đầu tiên khai thác đề tài zombie. Đó là Mười 2 – đánh dấu sự trở lại của thương hiệu kinh dị hơn 10 năm trước. Đó là 578: Phát đạn của kẻ điên – phim hành động chịu chơi và khốc liệt nhất điện ảnh Việt.

Hay Duyên ma dù có sự góp mặt của hai ngôi sao Ngọc Trinh, Kiều Minh Tuấn cũng không thoát được cái mác “thảm họa”.

Thế nhưng, Virus cuồng loạnHuyền sử vua Đinh còn tiến xa hơn một bậc. Cả hai dự án đều không quy tụ bất kỳ gương mặt nổi tiếng, không một diễn viên đủ sức để lôi kéo khán giả ra rạp. Ê-kíp cũng không đầu tư vào khâu truyền thông, quảng bá. Nhiều người còn không biết đến sự có mặt của Huyền sử vua Đinh mãi đến khi phim gây ồn ào vì thua lỗ nặng nề.

Từng có ý kiến phản đối việc các phim Việt chiếu mạng (web-drama) đua nhau lên rạp. Nhưng đến nay, nhiều tác phẩm nội địa ngoài rạp thậm chí còn thua cả phim chiếu mạng. Chất lượng kém khiến nhiều phim nhận làn sóng chê bai dữ dội từ phía khán giả, để rồi phải rút rạp sớm với mức doanh thu cực thấp.

Nếu cứ đà này, việc khán giả quay lưng với điện ảnh nước nhà là điều không bất ngờ và cũng khó cứu chữa.

Sơn Phước

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-voi-phim-viet-post1379172.html