Chuyện gì xảy ra sau bầu cử Đức?

Nước Đức đang bước vào giai đoạn khó đoán định sau khi có kết quả cuộc bầu cử ngày 26/9, khi câu hỏi ai sẽ là người kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel vẫn đang bỏ ngỏ.

Theo kết quả sơ bộ đầu ngày 27/9, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) dẫn đầu với tỷ lệ phiếu bầu là 25,7%, chiến thắng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) của bà Angela Merkel với 24,1%.

Đảng Xanh về thứ ba với 14,8%, sau đó tới đảng Dân chủ Tự do (FDP) với 11,5% tỷ lệ phiếu bầu.

Kết quả trên cho thấy sẽ không đảng nào giành được thế đa số trong quốc hội, đồng nghĩa với việc các bên phải tiếp tục tìm kiếm liên minh. Vì khoảng cách sít sao, không ai biết liệu đảng nào sẽ lập được chính phủ đa số và ai sẽ là thủ tướng.

Điều này sẽ dẫn tới khoảng thời gian và chặng đường đầy chông gai tại một đất nước có nền chính trị ổn định sau 16 năm lãnh đạo của bà Merkel, theo AFP.

Có thể mất hàng tháng

Theo DW, với kết quả bầu cử trên, có một lựa chọn chính là CDU/Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) và SPD tiếp tục làm “liên minh” để điều hành nước Đức - điều đã xảy ra 4 năm qua. Tuy nhiên, cả hai đảng này đều tuyên bố sẽ xây dựng chính phủ mới, Đức có thể có liên minh ba bên cấp liên bang lần đầu tiên kể từ những năm 1960.

Theo New York Times, SPD sẽ phải hợp tác với các đảng khác để thành lập chính phủ. Tuy nhiên, nếu như không thành công, cơ hội sẽ trao cho đảng về vị trí thứ 2, trong trường hợp này là CDU.

Do đó, ứng cử viên cho chức thủ tướng của đảng SPD là Phó thủ tướng Olaf Scholz, và đối thủ Armin Laschet từ CDU sẽ khởi động cuộc đua tranh giành đối tác lập liên minh.

Cuộc bầu cử thủ tướng mới của Đức sẽ không diễn ra cho đến khi một liên minh cầm quyền được thành lập. Quá trình này có thể mất tới hàng tháng. Tuy nhiên, cả ông Laschet và ông Scholz hy vọng các cuộc đàm phán liên minh sẽ kết thúc vào Giáng sinh.

“Để đặt ra một khoảng thời gian chính xác là vô lý. Nhưng phía tôi đang làm việc để đảm bảo mọi thứ sẽ xong trước Giáng sinh, sớm hơn một chút thì càng tốt”, ông Scholz nói hôm 26/9.

Những người ủng hộ đảng Dân chủ Xã hội đã cổ vũ ứng cử viên Olaf Scholz hôm 26/9. Ảnh: New York Times.

Thủ tướng Đức không được bầu trực tiếp mà được chọn thông qua một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Liên bang (Bundestag), sau khi chính phủ được thành lập, theo AFP.

Trong hầu hết hệ thống nghị viện, nguyên thủ quốc gia đề cử một đảng để thành lập chính phủ - thường là đảng giành được phần lớn số phiếu bầu. Tuy nhiên, ở Đức, tất cả các bên có thể bắt tay nhau trong cái gọi là "đàm phán thăm dò".

Trong giai đoạn đầu tiên này, không có giới hạn thời gian, không có gì ngăn các bên tổ chức những cuộc đàm phán liên minh song song.

Đảng Xanh sẽ thực hiện cuộc họp lớn vào hôm 2/10 để quyết định sẽ tiến hành đàm phán thăm dò với bên nào.

Các cuộc thảo luận sẽ bắt đầu ngay khi có kết quả bầu cử, với việc các bên tìm cách và xác định xem liệu họ có thể làm việc cùng nhau hay không.

Một ngày sau cuộc bầu cử, các đảng sẽ tổ chức họp lãnh đạo. Nghị sĩ mới được bầu từ mỗi đảng cũng sẽ tổ chức họp lần đầu vào tuần tới, trong đó SPD và CDU/CSU dự kiến họp vào ngày 28/9.

Nghị viện mới được bầu phải tổ chức phiên khai mạc chậm nhất là 30 ngày sau cuộc bầu cử, vào ngày 26/10.

Nếu hai hoặc ba bên đồng ý thành lập một liên minh, họ phải bắt đầu các cuộc đàm phán liên minh chính thức. Vào cuối cuộc đàm phán này, các bên sẽ quyết định ai sẽ phụ trách bộ nào, đồng thời ký hợp đồng liên minh, một tài liệu dày đặt ra các điều khoản của thỏa thuận.

Giai đoạn này cũng không giới hạn thời gian, với việc chính phủ sắp mãn nhiệm nắm giữ vị trí đó trong thời gian chờ đợi. Các bên sau đó sẽ đề cử người mà họ muốn làm thủ tướng trước khi bỏ phiếu chính thức tại Bundestag.

Theo Điều 63 của Hiến pháp Đức, nguyên thủ quốc gia phải đề xuất một ứng cử viên thủ tướng cho Bundestag. Nếu không có liên minh giữa các đảng phái nào hình thành, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier vẫn phải đề cử, có thể người từ đảng giành được phần lớn số phiếu bầu.

Nghị viện sau đó sẽ bỏ phiếu kín, ứng cử viên cần giành được thế đa số tuyệt đối.

Nếu trường hợp này thất bại, một cuộc bỏ phiếu thứ hai sẽ được tổ chức sau đó hai tuần. Nếu vẫn không có đa số tuyệt đối, cuộc bỏ phiếu thứ 3 sẽ ngay lập tức được tiến hành, trong đó chỉ cần giành thế đa số tương đối (hơn phiếu các đối thủ khác).

Sau đó, tổng thống sẽ quyết định có bổ nhiệm thủ tướng làm người đứng đầu chính phủ thiểu số, hay giải tán Nghị viện và tiến hành cuộc bầu cử mới.

Armin Laschet (giữa) - ứng cử viên thủ tướng của CDU - phát biểu tối ngày 26/9 tại Berlin. Ảnh: New York Times.

Chưa thấy rõ cơ hội liên minh

Cả ông Scholz và ông Laschet đều sẽ tìm cách hợp tác với đảng Xanh và FDP.

Annalena Baerbock - ứng cử viên thủ tướng của đảng Xanh, người gieo hy vọng sẽ giải quyết tốt cuộc khủng hoảng khí hậu, mối quan tâm hàng đầu của cử tri năm nay - vẫn để ngỏ khả năng liên minh. Bà chỉ nói rằng đã đến lúc cho “một khởi đầu mới của nước Đức”.

Lãnh đạo FDP, Christian Lindner, đề nghị phương án ngồi lại với đảng Xanh trước khi bắt đầu thảo luận với SPD và CDU. "Châu Âu đang chờ đợi Đức có một chính phủ mới", ông nói vào tối 26/9.

Ông thể hiện dấu hiệu ủng hộ liên minh với CDU/CSU và đảng Xanh, nhưng cũng không loại trừ khả năng kết hợp với SPD và đảng Xanh.

Tuy nhiên, không ai lựa chọn liên minh với đảng cực hữu AfD. Vấn đề người nhập cư do đảng này theo đuổi không còn là chương trình nghị sự của Đức. Đảng cực tả Linke cũng đánh mất sự ủng hộ, đồng thời đứng trước ngưỡng 5% số phiếu để vào nghị viện.

Cho đến khi các cuộc đàm phán được giải quyết, bà Merkel sẽ vẫn giữ vai trò thủ tướng. Nếu cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh kéo dài sau ngày 17/12, bà Merkel trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất nước Đức, vượt qua cả ông Helmut Kohl.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gi-xay-ra-sau-bau-cu-duc-post1266706.html